LCĐT - Tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn còn hiện diện ở đâu đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào làm đường giao thông và an toàn giao thông nông thôn.
Đã lâu mới có dịp gặp lại anh bạn đang công tác tại một huyện vùng cao, vốn “mắc bệnh nghề nghiệp” nên khi ngồi nói chuyện, tôi thường trao đổi với anh về những vấn đề thời sự ở huyện. Tôi hỏi anh về tình hình làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện, bởi đây là địa phương có thành tích nổi bật trong làm đường GTNT. Khi tôi chưa dứt lời thì anh đã vén ống quần lên quá gối chỉ vào một vết sẹo dài mà mới nhìn thấy đã toát mồ hôi. “Chắc lại uống say và phóng nhanh rồi “xòe” hả?” - tôi hỏi. “Không! Oan cho mình quá! Đây là tai nạn do khách quan mang lại chứ không phải tại tôi”- anh bạn xua tay nói.
Nói rồi, anh kéo ống quần xuống, nhấm một ngụm trà, kể: Chẳng là dịp đầu năm, anh được cử đến xã nọ kiểm tra công tác làm đường GTNT, nghe lãnh đạo xã giới thiệu một số tuyến đường vừa mới làm đẹp và rộng rãi, vậy là anh xung phong tự mình đi đến các thôn. Từ UBND xã, anh đi xe máy lên một thôn gần nhất, thấy con đường bê tông mới làm phẳng lì và thẳng tắp, phong cảnh hai bên đường lại rất đẹp, quá vui nên vừa đi anh vừa ngắm cảnh. Đang đi, bỗng rầm một cái, cả anh và xe nằm gọn trong một hố sâu. Anh cố gượng dậy, xé áo lót băng bó vết thương và ngồi bên đường chờ người dân đi qua để nhờ khênh hộ xe lên. May lúc đó có mấy thanh niên đi qua vừa giúp dựng xe cho anh, vừa cười bảo: “Chắc thấy đường đẹp nên anh vừa đi vừa ngắm cảnh đây, chỗ này có cả chục người bị rồi”.
Anh còn ngơ ngác chưa hiểu tại sao con đường bê tông vừa mới làm đẹp thế này mà người ta lại để lại khoảng 2 mét để làm gì thì một thanh niên nói: “Chỗ này không để làm gì cả vì đây là đoạn giáp ranh giữa hai thôn. Thôn làm trước đổ hụt mất hơn một mét và thôn làm sau cho rằng chỉ làm đủ từ địa phận thôn mình thôi nên cũng để lại, không đổ nối tiếp vào, thế là có cái hố này chứ sao. Mà không phải ở thôn này đâu, một số thôn khác cũng có tình trạng như vậy đó”. Nghe vậy, thấy lạ quá nên anh bạn tôi cố chịu đau đi xe qua mấy thôn nữa để xem thực hư thế nào thì thấy quả đúng như vậy; cứ đi một đoạn lại gặp một cái “bẫy chết người” nằm giữa đường, đây đều là đoạn tiếp giáp giữa các thôn với nhau.
Nghe thì nghe thế, chứ tôi vẫn chưa tin có chuyện như vậy được, bởi từ trước tới nay, xã này luôn được biểu dương là làm đường giao thông mạnh nhất huyện, thậm chí còn được huyện khen. Vậy là vừa qua, nhân chuyến công tác vào huyện, tôi quyết tâm lên xã mà anh bạn tôi kể chuyện xem thực hư những cái hố thế nào. Và mọi việc đúng như những gì anh bạn tôi kể. Những cái hố “cha chung không ai khóc” vẫn chềnh ềnh trên các tuyến giao thông liên thôn.
Đem câu chuyện này trao đổi lại với một lãnh đạo xã nọ, vị này chỉ cười và xác nhận “tình trạng này đúng là có, nguyên nhân do việc kiểm tra, giám sát chưa sát sao của chính quyền. Nếu như ngay từ đầu, xã quan tâm phân công cán bộ giám sát và vận động nhân dân thực hiện đầy đủ thì chắc không xảy ra chuyện như vậy. Hiện xã đang yêu cầu các thôn tập trung sửa chữa và đổ kín những đoạn đường còn chưa hoàn thiện”.
Câu chuyện tôi vừa kể có lẽ không chỉ xảy ở huyện nọ, mà có thể còn diễn ra ở một số địa phương khác. Tình trạng “cha chung không ai khóc” vẫn còn hiện diện ở đâu đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào làm đường giao thông và an toàn giao thông nông thôn. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần quan tâm, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt việc làm đường GTNT, nhất là ở các thôn, bản vùng cao để tránh “cha chung không ai khóc”.