Hàng giả, hàng nhái gia tăng
Những ngày giáp Tết, mặt hàng pháo hoa của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng, được nhiều người dân tìm mua.
Đại tá Chu Việt Sơn, Chủ tịch HĐTV công ty cho biết, những năm gần đây, người dân được phép sử dụng sản phẩm pháo hoa như: Giàn phun viên, giàn phun hoa, giàn phun viên nhấp nháy... được bán đúng giá tại các cửa hàng của công ty. Lợi dụng tình hình này, một số gian thương đẩy giá, làm giả, làm nhái các sản phẩm của công ty.
“Hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng. Để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, công ty đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại, 100% các sản phẩm pháo hoa được chế tạo từ giàn đúc sẵn, thân thiện với môi trường và dùng mã QR biến đổi để xác thực thông tin sản phẩm chính hãng”, đại tá Chu Việt Sơn chia sẻ.
Phát hiện cơ sở sản xuất mứt Tết giả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong những ngày cuối năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm. Điển hình, ngày 14/1, đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông (do Đội QLTT số 11 và Cục QLTT TP Hà Nội) đã phát hiện hơn 18.000 sản phẩm pháo. Chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ số hàng hoá để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 11/1, đội QLTT số 2 và 5 (Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc) phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lợi, tại phố Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, phát hiện cơ sở này đang đóng gói hàng nghìn hộp mứt lạc, bí, táo, dừa... thành phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn mác, bao bì...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ông Đỗ Hồng Chung, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, năm 2023, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp ở nhiều địa bàn có đường biên giới như: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang với các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, bia, rượu, thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, gỗ xây dựng, ma túy, pháo nổ, động vật quý hiếm...
Tình trạng hàng nhái, hàng giả, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp cũng gia tăng quy mô lớn. Đơn cử, vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng, ước tính hơn 10 tỷ đồng...
“Các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chân chính và làm thất thu ngân sách Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh; tác động xấu đến môi trường kinh doanh trong nước”, ông Đỗ Hồng Chung nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, các đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới trong việc gian lận thương mại. Các phương thức mới như che giấu nguồn gốc hàng hóa, đánh tráo, rút ruột hàng hóa, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra dưới các hình thức tinh vi, dễ xóa dấu vết, tẩu tán nếu bị phát hiện.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên liên tục; chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chuyên ngành, liên tỉnh liên tuyến để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm khắc, quyết liệt những hành vi bao che, bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu và tăng cường tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về tác hại của những vi phạm. “Người dân cần nói không với hàng hóa gian lận, đây là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới”, ông Đỗ Hồng Chung nhấn mạnh.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng kịp thời các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn âm thầm diễn ra, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.
Nguyên nhân là do các quy định pháp luật liên quan còn bất cập; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành chưa đồng bộ; chế tài xử phạt thấp và nhận thức của người dân, doanh nghiệp hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm… dẫn đến hiệu quả công tác phòng chống chưa cao.
Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Do đó, cần thiết phải tiếp tục có sự đồng thuận, đồng lòng và quyết liệt hơn của cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó viện trưởng Viện kỹ thuật chống hàng giả và Gian lận thương mại:
Để giải quyết vấn nạn này, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành. Với các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện tốt Kế hoạch số 115/KH- BCĐ389 ngày 8/12/2023 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, về kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; có giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông chống hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đẩy mạnh thông qua các phương tiện truyền thông, phối hợp với các cơ quan: Quỹ Chống hàng giả, Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và gian lận thương mại, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan báo chí... tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo kết nối giữa chuyên gia và doanh nghiệp để cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm.
Đặc biệt, nhiệm vụ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, khi rơi vào tình trạng bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình; chủ động báo với các cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp cũng cần thực hiện đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực hiện các giải pháp như: Sử dụng tem chống hàng giả, mã vạch truy xuất nguồn gốc và các biện pháp khác để xác minh, định danh hàng hóa, ứng dụng công nghệ số vào công tác chống hàng giả, gian lận thương mại.