Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Cảnh giác với chiêu trò mạo danh “phản biện xã hội” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam

Những năm qua, trong khi đại đa số nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ, trí tuệ, tích cực tham gia phản biện xã hội với tinh thần xây dựng, giúp cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đúng đắn, lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả, thì vẫn có những đối tượng cố tình lợi dụng phản biện xã hội để tung ra những quan điểm, luận điệu phản động, sai trái, gây nhiễu loạn đời sống chính trị-xã hội của đất nước.

Những mưu đồ đội lốt “phản biện xã hội”

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức hậu thuẫn, kích động các đối tượng trong nước lợi dụng phản biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Họ nhân danh phản biện để phản bác, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ thường lợi dụng các thời điểm nhạy cảm chính trị của đất nước như trước và trong quá trình tổ chức đại hội Đảng, các kỳ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp hoặc khi diễn ra những sự kiện quốc tế quan trọng; khi Quốc hội, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chương trình, đề án... để lấy danh nghĩa phản biện xã hội tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Những hoạt động này của các thế lực thù địch khá đa dạng, song tập trung ở một số thủ đoạn: (1) Lợi dụng internet, mạng xã hội, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để đưa ra những bài nói, bài viết, các video clip nêu những ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương; (2) thông qua hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước với dụng ý không lành mạnh; (3) lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ quan báo chí nước ngoài để nêu quan điểm bằng bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn với nội dung xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen những hạn chế trong nước, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, hòng làm cho thế giới hiểu sai về đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam; (4) khi Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành, địa phương không tiếp nhận những ý kiến “phản biện” (thực chất là các luận điệu, quan điểm, ý kiến phản động, phá hoại) thì vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm, đàn áp dân chủ.

Cách đây hơn 10 năm, trong quá trình Đảng, Nhà nước ta lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Hiến pháp năm 2013, một nhóm nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức có tư tưởng bất mãn, cực đoan chính trị đã tập hợp nhau lại để đưa ra cái gọi là “kiến nghị” đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Hiến pháp, với lý lẽ vừa hết sức ngụy biện, vừa suy diễn một cách tùy tiện, vừa công kích nói xấu Đảng ta.

Hay gần đây, lợi dụng chủ trương góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số trang web, blogger đã tham gia “góp ý” theo kiểu cố ý bẻ cong sự thật, làm cho người dân hiểu sai từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thành “đất đai là độc quyền sở hữu của Nhà nước”, coi đó là cội nguồn của đầu cơ, tham nhũng đất đai. Thậm chí, họ còn xuyên tạc rằng việc sửa luật như “đẽo cày giữa đường”, “càng sửa càng mù mờ”... từ đó kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Điểm qua một vài ví dụ trên để thấy rằng, dưới chiêu bài “dân chủ”, lấy danh nghĩa phản biện xã hội, các thế lực thù địch, chống đối, phản động không từ một thủ đoạn nào để phá hoại đất nước và chế độ ta. Mục đích của chúng đương nhiên không phải để “góp ý”, giúp cho Đảng, Nhà nước thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, mà là để phá hoại uy tín của Đảng, Nhà nước, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ, bất đồng trong nội bộ Đảng; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, gây mất ổn định chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đi tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhận thức và ứng xử đúng mực về phản biện xã hội ở Việt Nam

Phản biện xã hội là việc phân tích, đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực lượng xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề xuất sửa đổi chủ trương, chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng. Xét về bản chất, phản biện xã hội là một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Theo đó, phản biện xã hội chính là quyền bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, nước ta đã cụ thể hóa quyền tham gia phản biện xã hội của các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định một số quyền con người, quyền công dân có nội dung liên quan mật thiết đến phản biện xã hội như quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Theo đó, Điều 28 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Hiến pháp năm 2013 cũng chính thức ghi nhận phản biện xã hội với tính chất là một chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định này lại tiếp tục được cụ thể hóa tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022...

Nhằm làm cho hoạt động phản biện xã hội thực sự đi vào hiện thực cuộc sống, tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, Đảng, Nhà nước ta còn chú trọng quan tâm hoàn thiện các điều kiện bảo đảm thực hiện phản biện xã hội. Các điều kiện đó là:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống thể chế minh bạch, dân chủ, ghi nhận đầy đủ các quyền của chủ thể phản biện xã hội (bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền thực hiện phản biện xã hội...); quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ hai, bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân, xác định rõ trách nhiệm cung cấp và công khai thông tin từ phía các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính; quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cũng như có chế tài rõ ràng, cụ thể và nghiêm minh đối với những hành vi che giấu hoặc từ chối cung cấp thông tin của các cơ quan và công chức nhà nước.

Thứ ba, nâng cao ý thức tôn trọng tự do ngôn luận, đối thoại, lắng nghe và phản hồi của chủ thể được phản biện, trực tiếp là các cơ quan, cán bộ, công chức Nhà nước, kết hợp giữa giáo dục với cơ chế ràng buộc để chủ thể được phản biện không chỉ lắng nghe ý kiến của xã hội mà còn phải biết tiếp thu, hiện thực hóa nó trong những chính sách cụ thể; xây dựng cơ chế thông tin hai chiều giữa Nhà nước và công dân.

Thứ tư, nâng cao trình độ dân trí của cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân; giúp nhân dân có nhận thức đầy đủ về nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành phản biện xã hội...

Những dẫn chứng trên đây đã cho thấy, phản biện xã hội ở Việt Nam không chỉ kế thừa mà còn có sự bổ sung, phát triển các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực về dân chủ, tự do ngôn luận nói chung, về phản biện xã hội nói riêng. Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia phản biện xã hội, qua đó phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, trong hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Phản biện xã hội ở Việt Nam là một phương thức hữu hiệu để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, là bước phát triển cao của hình thức dân chủ trực tiếp, thể hiện rõ vai trò chủ thể quyền lực của nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Người dân có thể sử dụng quyền lực của mình một cách trực tiếp thông qua việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, hoặc kiến nghị, đóng góp ý kiến, phản biện, hoặc trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và biểu quyết khi được trưng cầu ý kiến.

Như vậy, phản biện xã hội ở Việt Nam không chỉ là con đường, phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình mà còn là để bảo vệ quyền làm chủ của mình; không chỉ là công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước mà còn để bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bản chất tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định phản biện xã hội ở Việt Nam phải thể hiện được tính xây dựng, không phải để tạo ra sự xa cách, chia rẽ, đối lập nhân dân với Đảng, Nhà nước, mà là để nhân dân tiến gần hơn với hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm cho “ý Đảng hợp với lòng dân”, để nhân dân thực thi một cách trực tiếp, thực chất hơn quyền lực của mình, đồng thời giúp cho Nhà nước hoàn thành tốt hơn vai trò phục vụ nhân dân. Do đó, mọi âm mưu, hành vi lợi dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ phá hoại mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.

Theo Báo QĐND

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát huy vai trò người đứng đầu được "Đảng tín - đồng bào tin"

Phát huy vai trò người đứng đầu được "Đảng tín - đồng bào tin"

Cộng đồng dân tộc thiểu số Lào Cai có truyền thống đoàn kết, tính gắn kết cộng đồng cao. Tuy sinh sống tập trung ở vùng cao, vùng xa, điều kiện khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên, đời sống kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, nâng cao.

Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm của gia đình hội viên nông dân xã Âu Lâu cho thu nhập cao.

Hiện thực hóa nghị quyết bằng hành động thiết thực

Thực hiện Chuyên đề năm 2025 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thiết thực xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Hội Nông dân (HND) thành phố Yên Bái đã và đang hiện thực hóa nghị quyết bằng những việc làm cụ thể, gần gũi với đời sống hội viên nông dân.
Ông Trần Trọng Chung - Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên chăm sóc đồi quế.

Bí thư “làm thật để dân tin”

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, một trong những nhân tố đầu tàu là ông Trần Trọng Chung - Bí thư Chi bộ thôn 1. Không chỉ tâm huyết, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, ông Chung còn sản xuất giỏi với mô hình phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng A Sò vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chi bộ tốt, đảng viên tiên phong

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Việt Hồng huyện Trấn Yên nhân dân thôn Bản Vần luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới. Nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân trong thôn chủ động đi trước phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
Từ học Bác, các đảng viên trong Chi bộ thôn Bảo Lâm, xã Minh Quân tích cực giúp nhau phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng.

Chi bộ mạnh nhờ học và làm theo Bác

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Chi bộ thôn Bảo Lâm, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên luôn phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ xã thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra, đưa nông thôn mới Bảo Lâm ngày càng trở thành “nơi đáng sống”.
Nhiều tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên tại địa chỉ đỏ.

Tôi là đảng viên trẻ - Bài 2: Hạt nhân nòng cốt trong kỷ nguyên mới

Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều nhiệm vụ đột phá là thế mạnh thuộc về tuổi trẻ. Với bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng được hun đúc vững vàng, những đảng viên trẻ ở Yên Bái đã và đang phát huy thế mạnh của bản thân, không ngừng học tập, rèn luyện, xứng đáng trở thành lực lượng tiên phong, hạt nhân nòng cốt, gánh vác sứ mệnh đổi mới, đưa dân tộc vươn mình mạnh mẽ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Các đoàn viên, thanh niên cùng cán bộ, chiến sỹ công an và người dân hỗ trợ hộ nghèo xã Nà Hẩu làm nhà ở.

Nêu gương để Đảng mạnh, dân tin

Những năm qua, Đảng bộ xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ở các chi, đảng bộ cơ sở.
Vùng chè Shan tuyết Phình Hồ đã được đánh thức với những bước đi chuyên nghiệp của đảng viên trẻ Đỗ Tuấn Lương.

Tôi là đảng viên trẻ - Bài 1: Năng lượng mới, tư duy mới

Sức mạnh của tuổi trẻ là nhiệt huyết, tự tin, sáng tạo, biết ứng dụng công nghệ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thách thức, khó khăn. Dưới lá cờ Đảng, lời thề trước Đảng, sức mạnh ấy lại càng mạnh mẽ, thôi thúc những đảng viên trẻ trưởng thành, cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng, giao phó.
fb yt zl tw