Theo ghi nhận của phóng viên vào trưa 5/8, theo cung Quốc lộ 4D từ tổ 1, phường Hàm Rồng lên tới tổ 3, phường Phan Si Păng có hơn 10 điểm sạt lớn, nhỏ. Các điểm sạt này xuất hiện từ những đợt mưa trước, bắt đầu từ trận mưa ngày 28/7, sau đó tiếp tục sạt qua các đợt mưa tiếp theo.
Khu vực xảy ra sạt lở lớn nhất là tại Km32+300, Quốc lộ 4D, đoạn thuộc tổ 1, phường Hàm Rồng; lượng lớn đất, đá sạt từ đồi sa mộc của hộ dân xuống và tràn ra đường, kéo dài gần 100m. Có điểm sạt còn chắn ngay lối vào thôn.
Được biết, ngay khi có sự cố sạt lở đất, đá xuống đường từ những trận mưa đầu tiên, lực lượng chức năng đã bố trí người và phương tiện đến thu dọn điểm sạt. Tuy nhiên, phía taluy dương hiện có địa chất yếu nên sau mỗi trận mưa lớn lại sạt lở thêm. Do vậy, hơn 1 tuần nay, lượng đất, đá bị sạt càng được bồi đắp thêm mỗi khi có mưa. Phương án khắc phục tạm thời là vun gọn đất đá, cây bị sạt xuống quốc lộ để giữ chân taluy.
Bà Đặng Thị Thảo (tổ 1, phường Hàm Rồng) có nhà ngay sát đồi đất bị sạt lở cho biết khu vực này bị sạt lở gần chục ngày nay. Rất may khi sạt lở không có người và phương tiện qua lại nên không có thiệt hại. Những hộ dân sinh sống ở đối diện đều đã được cảnh báo và di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
"Chúng tôi rất lo lắng. Những năm trước đây, khu vực này chưa từng có hiện tượng sạt lở xảy ra. Các điểm sạt lở nối tiếp nhau, lại nằm ở khu vực khúc cua, đèo dốc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn", bà Thảo nói.
Cũng giống như khu vực phường Hàm Rồng, gần chục ngày nay, khu vực tổ 3, phường Phan Si Păng cũng xuất hiện 3 điểm sạt nằm ven Quốc lộ 4D. Lượng lớn đất, đá sạt xuống đường lấp kín phần rãnh thoát nước và tràn ra một phần lòng đường. Đây là một trong những tuyến đường nối từ thị xã Sa Pa đi tỉnh Lai Châu nên hằng ngày có rất nhiều phương tiện giao thông qua lại. Sự cố sạt lở ít nhiều ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện bởi điểm sạt tràn ra đường ngay khúc cua.
Ông Trần Đức Việt, Chủ tịch UBND phường Phan Si Păng cho biết: Sau khi sự cố xảy ra, UBND phường Phan Si Păng đã cử lực lượng đến nắm tình hình, căng dây, gắn biển cảnh báo nguy hiểm tại nơi có điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Những hộ dân sống gần điểm sạt lở có nguy cơ mất an toàn đều đã được tuyên truyền và tạm di chuyển đến nơi an toàn. Chúng tôi cũng đang báo cáo thị xã có phương án khắc phục. Tuy nhiên, khu vực sạt lở nằm dưới chân khu vực rừng phòng hộ nên cần có sự tính toán kỹ.
Dự báo những ngày tới khu vực miền Bắc, tỉnh Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng sẽ tiếp tục có mưa lớn tăng cường. Những điểm sạt chưa được khắc phục triệt để với nền địa chất yếu có nguy cơ cao sụt sạt thêm. Các điểm sạt đều nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, do đó người dân và du khách khi di chuyển qua tuyến đường cần nâng cao cảnh giác. Đặc biệt, những hộ dân sống xung quanh điểm sạt cần di chuyển đến nơi an toàn, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.