Những hành vi hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. (Ảnh minh họa)
Nguy cơ vi phạm pháp luật
Trong những lễ đưa tang ở Việt Nam hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh người ta vừa đi vừa rải vàng mã hay những tờ tiền thật ở dọc đường. Việc rải tiền thật gây nên sự hỗn loạn cùng những nguy hiểm khó lường khi có những người bất chấp xông ra đường nhặt tiền, gây cản trở giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Như trường hợp một cậu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng rải từ đám ma vừa đi qua trên đường từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải. Hoặc ở Hà Nam, sau khi xe tang đi qua và rải tiền 5.000 đồng, 3 bé chừng 10 - 12 tuổi đã lao ra đường để nhặt và một bé không may bị xe chở vật liệu xây dựng cuốn vào gầm dẫn đến tử vong. Không chỉ trẻ con, ngay cả nhiều người lớn cũng lao ra đường bất chấp các phương tiện đang lưu thông để nhặt tiền...
Việc rải tiền không chỉ khiến người đi đường gặp nguy hiểm mà còn có dấu hiệu xâm phạm đến tiền tệ Việt Nam, cho dù là những mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng thì trên đó cũng có quốc huy Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Vì thế, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật với tội danh “Cố ý hủy hoại tiền tệ”.
Việc sử dụng tiền để làm hoa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, vào các dịp sinh nhật, ngày kỷ niệm kết hôn, lễ tình nhân, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam… nhiều người đã tới các cửa hàng hoa đặt những bó hoa có gắn hoa làm bằng tiền thật. Theo một người chuyên làm bó hoa được kết hoa bằng tiền thật, chị phải dùng ghim tạo hình hoa, keo để dán tiền và xịt thêm màu cho các bông hoa làm bằng tiền thật nhìn bắt mắt, sống động hơn. Việc làm này sẽ dẫn tới đồng tiền khi gỡ bó hoa ra sẽ dễ bị rách nát, biến dạng, biến màu, gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ. Hành vi này cũng có dấu hiệu hủy hoại tiền tệ.
Nâng cao nhận thức “ứng xử” với tiền tệ
Mới đây, một phụ nữ đăng lên Facebook ảnh một tờ tiền 500.000 đồng còn mới nhưng bị con gái cắt nát, hoặc một số thanh niên đã đốt tiền với mệnh giá hàng trăm ngàn đồng rồi đăng lên mạng xã hội chỉ để khoe mình là “dân chơi”... Những đoạn clip sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, đồng thời cũng phải chịu nhiều lời chỉ trích gay gắt về hành động xem thường giá trị của đồng tiền và vi phạm pháp luật.
Từ năm 2003, Việt Nam đã có Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền, làm biến dạng tiền...
Tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 thay thế Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 cũng có quy định về việc bảo vệ tiền Việt Nam. Theo đó, các hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 2/2/2024. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM chia sẻ với truyền thông, theo quy định tại Nghị định 87, hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam là hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật, vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm minh theo quy định.
Cũng theo Nghị định 87, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam khi bảo đảm đáp ứng tất cả các nguyên tắc: Tất cả các bản sao, chụp không làm thay đổi hình ảnh tiền Việt Nam ngoài việc phóng to, thu nhỏ hoặc sao, chụp theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và phải bảo đảm tính toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền. Không trích, ghép, kết hợp một phần hoặc toàn bộ hình ảnh đồng tiền Việt Nam với các nội dung, âm thanh, hình ảnh dung tục, khiêu dâm, tệ nạn xã hội, bạo lực, tội ác hoặc các nội dung, âm thanh, hình ảnh trái với lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam. Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng trong tác phẩm báo chí, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện để nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam...
Như vậy, để làm tốt công tác bảo vệ đồng tiền quốc gia thì mỗi người dân, mỗi tổ chức và cá nhân cần nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong từng hành động liên quan đến tiền tệ.