Cẩn trọng trước thủ đoạn lợi dụng chính sách thuế của Mỹ để vu cáo, chống phá Việt Nam

Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là một quyết định rất đáng tiếc - nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia mà còn làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.

Lợi dụng sự việc trên, các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đã triệt để xuyên tạc, kích động hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ chống phá và làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta trên trường quốc tế.

Cẩn trọng trước những thông tin xuyên tạc, chống phá

Việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46% lên hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đối với kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụt giảm, đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia, các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu sẽ chịu nhiều thiệt hại... Lợi dụng thông tin trên, các trang tin của những hội nhóm, tổ chức phản động tiến hành “tọa đàm, hội luận”, thậm chí một số đối tượng chống đối còn thể hiện sự hả hê của mình trước việc Việt Nam bị áp thuế cao.

Trang RFA rêu rao “Cái Việt Nam cần không phải đặc khu mà là cởi trói nền kinh tế”; RFI hả hê “Việt Nam, bạn hay thù trong chính sách thuế quan của Trump”; trang Chân trời mới Media kích động “hạ thấp kinh tế nhà nước có phải là phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản”; BBC Tiếng Việt thì rêu rao “thuế ông Trump thổi bay 40 tỷ USD chứng khoán Việt Nam”…

Lợi dụng tình hình này, tổ chức khủng bố Việt Tân lên chuỗi bài trên Fanpage với nội dung chế giễu “ngoại giao kiểu Chí Phèo”; “tham vọng tăng trưởng 8% năm của Việt Nam có bị dập tắt”, “nền kinh tế quốc gia lao đao”…

Thậm chí, các đối tượng còn tổ chức livestream dưới dạng “hội luận” với thành phần tham gia được gắn cái mác như chuyên gia, luật sư, tiến sĩ với chủ đề “Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai” do Lý Thái Hùng (Chủ tịch của tổ chức khủng bố Việt Tân) làm diễn giả chính… Mục đích không gì khác của chiêu trò này là bôi đen, đả phá nền kinh tế cũng như chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, cổ súy việc áp thuế, thậm chí kêu gọi nước Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt lên nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, chúng lồng ghép các thông tin “góp ý” rằng, việc muốn không bị áp thuế, muốn phát triển phải dựa vào nước này để chống nước kia, rồi phải có sự chuyển hướng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyển sang đa nguyên, đa đảng thì mới có thể phát triển. Song song với đó, một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị nhân dịp này đã lập ra các tổ chức, diễn đàn núp dưới danh nghĩa “nhân dân” để nêu ra các “yêu sách”, “kiến nghị” đối với Đảng và Nhà nước trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, thực chất là để tự nâng mình lên, đồng thời hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Những luận điệu trên bộc lộ mưu đồ xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; gây tâm lý dao động, lung lạc niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong xã hội. Từ đây, chúng đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng CNXH để đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản. Đây là những luận điệu hết sức sai trái, cần đấu tranh loại bỏ.

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế

Ngày 4/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ”.

“Chúng tôi cho rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế-thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế-thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước nếu được áp dụng” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi, thảo luận các biện pháp cụ thể với Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Liên tiếp trong các ngày từ 3-4/4/2025 đến nay, nhiều cuộc họp, làm việc, điện đàm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ rào cản thuế quan mà chính quyền Hoa Kỳ đặt ra, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả hai phía. Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, sáng ngày 3/4, Thường trực Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Mỹ, đưa ra các giải pháp thích ứng.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa; đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này. Một tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng cũng đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập ngay trong ngày hôm đó.

Tối 4/4, theo giờ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và triển khai thông điệp cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump, ngày 6/4, trong vai trò Tổ trưởng Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper. Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng thị trường, tăng sức chống chịu, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định tỷ giá và dòng vốn cũng được đồng loạt triển khai. Những hành động này chính là sự khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc dẫn dắt niềm tin thị trường và duy trì ổn định vĩ mô – hai yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Có thể thấy, không phải chờ đến khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan này mà trong suốt hơn 2 tháng qua, Chính phủ đã chủ động và tích cực giải quyết các mối quan tâm về thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp với phía Hoa Kỳ, trao đổi trên các kênh chính trị, kinh tế, ngoại giao. Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành một buổi để lắng nghe ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ. Những động thái khẩn trương, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã truyền đi thông điệp Việt Nam hết sức thiện chí, mong muốn việc đàm phán đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, như lời khẳng định của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc rằng “Việt Nam luôn chủ động, cầu thị và phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng, chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi”.

Việc Mỹ siết lại thương mại có thể là một cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình xuất khẩu. Thay vì phụ thuộc vào gia công, lắp ráp – đây là lúc chúng ta cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, và tiến tới sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Việc dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn lại càng củng cố vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân trong nước – lực lượng đang ngày càng năng động, sáng tạo và khát khao vươn lên. Điều này cũng tạo áp lực tích cực để Việt Nam sắp xếp lại chuỗi cung ứng, hướng tới sự tự chủ chiến lược. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới, đẩy mạnh kinh tế trong nước là con đường bắt buộc. Đây là thời điểm cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và trúng đích, tập trung vào đầu tư công hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Lịch sử kinh tế Việt Nam đã từng trải qua nhiều thách thức – từ cấm vận, khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh cho đến những thay đổi chính sách từ đối tác lớn… Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, nếu năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch COVID-19, năm 2022 là cuộc xung đột ngay tại châu Âu, năm 2024 là siêu bão Yagi thì ngay đầu năm 2025 là chính sách thuế. Nhưng mỗi lần như vậy, chúng ta đều có những nỗ lực, cố gắng không ngừng để vượt lên khó khăn, thách thức. Trong bài viết "Vươn lên cùng hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của phát triển thịnh vượng và hùng cường, điều đó đòi hỏi đất nước phải có tâm thế mới, tư duy và cách tiếp cận mới phù hợp với yêu cầu thời đại.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn luôn là một đối tác đáng tin cậy của Mỹ - nhất quán trong chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam sẵn sàng đối thoại có lý, có tình, trên tinh thần xây dựng như một phương thức ứng xử quốc tế. Trong thời điểm thử thách như hiện nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên định của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, chúng ta giữ vững niềm tin vào tương lai và tiếp thêm năng lượng để nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời phản bác các luận điệu lợi dụng tình hình đó để xuyên tạc, chống phá.

cand.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lễ Giáng sinh - minh chứng sinh động bác bỏ những cáo buộc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Lễ Giáng sinh - minh chứng sinh động bác bỏ những cáo buộc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Trong nhiều năm qua, mặc dù Việt Nam đã có những thành tựu to lớn trong đảm bảo nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân song bất chấp sự thật này, nhiều tổ chức quốc tế không có thiện chí với Việt Nam đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Những cáo buộc này không chỉ gây tổn hại đến uy tín mà còn làm sai lệch nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy

Việc quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị được các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đánh giá là bước đột phá mang tính cách mạng nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động ''ly khai'', ''tự trị''

Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động ''ly khai'', ''tự trị''

Nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tổ chức phản động tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động, vu cáo Ðảng, Nhà nước trên không gian mạng, với rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.

Tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế - minh chứng phản bác luận điệu xuyên tạc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế - minh chứng phản bác luận điệu xuyên tạc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tổng Bí thư ra đi song những hình ảnh, tình cảm sâu đậm với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn còn mãi. Bằng những cách khác nhau, người dân cả nước cùng bè bạn quốc tế đã và đang bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương Tổng Bí thư - một trái tim, một nhân cách lớn của dân tộc.

Ngăn chặn ''virus lừa phỉnh'' đội lốt nhân quyền - ghi tại một số tỉnh miền núi

Ngăn chặn ''virus lừa phỉnh'' đội lốt nhân quyền - ghi tại một số tỉnh miền núi

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...

Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Quyền con người hay nhân quyền là vấn đề luôn được quan tâm và bàn luận từ rất sớm. Đồng thời, quyền con người là vấn đề nhạy cảm mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam luôn chú trọng thực hiện nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của đất nước, đồng thời qua đó cũng nhằm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Núp bóng môi trường chống phá đất nước

Núp bóng môi trường chống phá đất nước

Môi trường và ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu. Tất cả các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế, chế độ chính trị, xã hội đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với cách nhìn thiếu thiện chí và chống phá đất nước, các thế lực thù địch đã đưa ra những quan điểm, thủ đoạn xuyên tạc cho rằng chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời còn vu cáo Việt Nam bắt bớ, bỏ tù những nhà hoạt động môi trường.

Thành tựu bảo vệ, thực thi quyền con người ở Việt Nam là không thể phủ nhận

Thành tựu bảo vệ, thực thi quyền con người ở Việt Nam là không thể phủ nhận

Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Chính phủ, những năm qua, Việt Nam luôn nhất quán chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích thiếu trong sáng, vẫn có một số tổ chức quốc tế cố tình đưa ra nhiều nhận định phiến diện nhằm phủ nhận thành tựu trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam.

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng-văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

fb yt zl tw