LCĐT - Xã vùng cao Cán Cấu (Si Ma Cai) không chỉ có chợ trâu nổi tiếng, mà là vùng đất còn giữ được nhiều môn võ truyền thống như múa đao, côn, gậy trúc. Đó là nét đẹp trong đời sống văn hóa nơi đây, thể hiện tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là trận đánh chặn quân Quốc dân đảng và bọn tay sai Việt Nam Quốc dân đảng 76 năm trước ở nhiều điểm như hồ Cán Cấu, đường mòn yên ngựa Cán Chư Sử, khe núi Cốc Phà mùa xuân năm 1946.
Khe núi Cốc Phà mùa xuân về. |
Theo lịch sử ghi lại, châu Sín Ma Cái xưa tồn tại cùng châu Phan Long, Bản Lầu, sau khi Pháp chiếm Laokay đặt tổng Sin Ma Cai là khu vực biên ải hẻo lánh. Đứng đầu châu úy thường là tộc trưởng giàu, nhiều ruộng, nương và trâu, ngựa, có ảnh hưởng chi phối đến trưởng họ các bản trong vùng. Những tộc trưởng vùng biên giới Sin Ma Cai, Phan Long, Tả Gia Khâu luôn được quan quân triều đình ưu ái, thậm chí ban thưởng do có công bảo vệ vùng biên ải. Đặc biệt, tại Sín Ma Cái khi người Hoa Hán sang buôn bán và định cư tại khu vực Phố Cũ có ý định dựng đền thờ, nên đã xin châu úy Sín Ma Cái báo về triều đình xin phép. Sau đó, chúa Nguyễn chấp thuận và giao tộc trưởng Sín Ma Cái giám sát, gửi lễ khi khánh thành. Tấm bia đá ghi công tích và những người tham gia cúng dường xây đền có ghi niên hiệu năm Tân Dậu, thời Tự Đức năm thứ 14 (1861).
Vùng biên ải Sín Ma Cái ngăn cách với Trung Quốc bằng dòng sông Chảy, bên bờ sông vách đá dốc đứng, vì thế đường biên, đất ông cha đời này qua đời khác luôn phân minh, được canh giữ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, từ người già đến trẻ nhỏ ở Sín Ma Cái luôn có ý thức cảnh giác.
Sau Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 do Chính phủ ta ký với Pháp, theo đó quân Tưởng sẽ rút về nước, dù chưa được giác ngộ cách mạng, nhưng biết nước nhà đã độc lập lại rất kính phục Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đang lãnh đạo toàn dân tộc chống Pháp, đuổi quân Tưởng, nên ở Lào Cai nhiều thổ ty vùng biên ải đã ngả theo cách mạng.
Ở Sin Ma Cai lúc đó (nay là Si Ma Cai) do biết được kế hoạch tháo chạy của quân Tưởng từ Bảo Thắng, Bắc Hà lên, thổ ty Hoàng Đình Chung với lực lượng bán vũ trang có 44 tay súng, cùng các tộc trưởng vùng Cán Cấu, Quan Thần Sán, Lùng Sán huy động đồng bào tham gia đánh chặn, tiêu diệt phần lớn quân địch. Tàn quân sống sót lội qua sông Chảy, lại bị dân binh bản Pà Pầy Sủ, thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đánh cho tan tác trước khi về tới Mã Quan, Trung Quốc.
Các già bản nơi đây kể lại: Nói về trận chặn đánh tàn quân Quốc dân đảng và bọn tay sai Việt Nam Quốc dân đảng mùa xuân năm 1946 tại khu vực hồ Cán Cấu - yên ngựa Cán Chư Sử - khe núi Cốc Phà, nhiều bậc lão thành cách mạng của địa phương đã hào hứng cung cấp thêm nhiều tư liệu quý hiếm.
Cụ Giàng Chẩn Hồ, nguyên Bí thư Chi bộ xã Cán Cấu trong những năm xây dựng pháo đài biên giới kể lại câu chuyện, thời trẻ cùng cụ Sùng Seo Dìn, đảng viên đầu tiên của xã từng dẫn đoàn cán bộ Ty Văn hóa - Thông tin Lào Cai đi khảo sát thực địa, tìm lại trận địa bẫy đá trong trận chặn đánh tàn quân Quốc dân đảng những năm bốn mươi của thế kỷ trước… Ông cũng chính là cán bộ cơ sở vận động đồng bào, cùng bộ đội xây dựng pháo đài biên giới, đặc biệt khi lựa chọn địa điểm đặt trận địa pháo, án ngữ cửa ngõ biên phòng hàng chục năm.
Còn ông Sùng Seo Nhà, nguyên Bí thư Chi bộ xã nhiều khóa trước năm 2005, cho hay: Khi về thăm đồng bào và cán bộ cơ sở, có lần ông Cư Hòa Vần, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội từng kể chuyện thời thiếu niên theo cha cùng dân bản Lao Chải, Quan Thần Sán và các bản trong vùng đi làm bẫy đá chống quân Tưởng. Theo ông Vần kể lại, trận đánh đuổi Quốc dân đảng và bọn tay sai phản động, các bản trong vùng tham gia rất đông nhưng vẫn giữ được bí mật đến khi nổ súng. Lợi dụng thời tiết vùng cao sương mù, giặc sau nửa ngày leo núi tạm dừng nghỉ bên hồ cạn Cán Cấu mất cảnh giác, các tay súng của thổ ty Hoàng Đình Chung đồng loạt nã đạn. Đội hình người, ngựa thồ của địch tán loạn lao cả xuống hồ cạn, lầy bùn và cũng là lúc các tay đao, tay côn từ khe núi xung trận, giặc chết la liệt bên hồ. Số lính Quốc dân đảng có ngựa khỏe chạy đến yên ngựa Cán Chư Sử thì tiếp tục bị phục kích, xuống đến khe bản Cốc Phà lại sa vào trận địa bẫy đá trên núi ầm ầm lăn xuống, chỉ còn mấy chục tên chạy thoát xuống bờ sông Chảy.
Chợ trâu Cán Cấu - nơi buôn bán, giao dịch gia súc lớn nhất Tây Bắc. |
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Vi Bá Tài, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Si Ma Cai, cho biết: Bài học lịch sử từ trận chiến mai phục đánh chặn quân Quốc dân đảng mùa xuân năm 1946 của Nhân dân Sín Ma Cái ở hồ Cán Cấu, đồi yên ngựa Cán Chư Sử, khe núi Cốc Phà cho thấy các già làng, trưởng bản ở đây ngày trước rất tinh tường binh pháp; Việc sử dụng bẫy đá trên lưng chừng núi làm tan rã đội hình địch trong chiến tranh nhân dân là rất hiệu quả. Đây là trận đánh hoàn hảo, kết hợp vũ khí mới là súng trường với vũ khí truyền thống là cung tên, đao, kiếm. Sau này chúng tôi cũng thường xuyên chọn vùng hồ Cán Cấu làm trận địa thực binh trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của huyện.
Đường về Cán Cấu hôm nay. |
Đầu Xuân Nhâm Dần, chúng tôi có dịp đi dã sử, ngắm cảnh vùng biên mùa này cây tam giác mạch đang thu hoạch, dành nương cho vụ ngô xuân. Nơi trận đánh quân Quốc dân đảng từ hồ cạn Cán Cấu, qua yên ngựa bản Cán Chư Sử, xuống bản Cốc Phà đã đổi thay nhiều. Đón chúng tôi tại trụ sở, Bí thư Đảng ủy xã Cán Cấu Triệu Thị Chỉn hồ hởi chia sẻ: Các cụ già ở địa phương thường nhắc nhở con cháu, thời xưa đồng bào ở Sín Ma Cái nghèo khổ nhưng đã biết đoàn kết đánh thắng giặc, giờ được Chính phủ đầu tư tiền của xây dựng nông thôn mới, làm đường ô tô đến từng thôn bản, kéo đường điện đến mỗi nhà, trường học được xây to đẹp cho con em học, vì thế bây giờ càng phải đoàn kết hơn mới được!
Các anh nhà báo hôm nay đi xe máy theo đường nông thôn mới xem lại thế trận đánh tàn quân Quốc dân đảng xưa chỉ mất hơn 2 giờ, còn các già bản ngày xưa khi đuổi giặc theo đường đó đều là lối mòn, phải đi bộ 8 giờ. Nay Quốc lộ 4D từ Bắc Hà lên biên giới đã được nâng cấp, chợ trâu Cán Cấu đang trở thành “sàn giao dịch gia súc lớn của vùng Tây Bắc”. Đường Cốc Phà qua đập thủy điện PaKe để ra chợ đường biên Pà Pầy Sủ đã thông thoáng. Vừa ưu tiên phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, mở mang dịch vụ, giảm nghèo bền vững, Đảng bộ xã Cán Cấu cũng luôn đặc biệt quan tâm đến củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, tiếp bước truyền thống chống giặc của Nhân dân các dân tộc nơi đây - Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thị Chỉn nói.
Vào trụ sở xã Cán Cấu nay được xây dựng khang trang, rực rỡ cờ hoa và những tấm pa-nô chào mừng xuân mới. Cùng trò chuyện với các cán bộ xã Cán Cấu về trận đánh chặn đuổi quân Quốc dân đảng 75 năm trước, chúng tôi thấy ai cũng vững niềm tin và tâm huyết xây dựng vùng đất lịch sử trấn ải nơi biên viễn giàu đẹp.