LCĐT - Cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang duy trì, nhân rộng nhiều mô hình học tập, làm theo Bác.
Những tấm gương bình dị mà cao quý
Một ngày cuối năm 2022, con đường mới thênh thang dẫn chúng tôi về thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng). Tiếp chúng tôi là Trưởng thôn Phạm Viết Quân, ông phấn khởi khi có phóng viên tới tìm hiểu mô hình. “Tuyến đường được hoàn thành trong khoảng nửa tháng nhờ sự đóng góp của 95 hộ trong thôn. Có hộ tự nguyện hiến vài trăm m2 đất vườn…
Trưởng thôn Hải Sơn 2 có dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, năm nay đã gần 60 tuổi, mỗi dịp cuối tuần lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, đem theo bao tải và cuốc để cùng người dân dọn dẹp tuyến đường. Ông Quân cho biết, thôn Hải Sơn 2 có 105 hộ. Sau khi xã Phú Nhuận “về đích” nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục vận động các thôn mở rộng đường giao thông. Ban đầu, việc vận động khó khăn vì mở rộng đường sẽ khiến nhiều hộ mất đất trồng hoa màu, ao nuôi cá. Khó vẫn phải làm, ông Quân xung phong đi đầu, tự phá dỡ 50 m tường bao, hiến 300 m2 đất. Việc làm đó khiến các hộ rầm rộ làm theo, các hộ đều tự nguyện hiến đất mở đường. Tiêu biểu như hộ ông Ngô Công Chánh hiến hơn 400 m2 đất, ông Phạm Trọng Ninh lấp 200 m2 ao nuôi cá; mỗi người dân còn tự nguyện góp 100 nghìn đồng và tham gia lao động để mở 3 km đường với chiều rộng 6 m.
Miệt mài bên bức tranh thêu tay, bà Lữ Thị Nghị ở thôn An Hồ, xã Phong Niên (Bảo Thắng) khiến chúng tôi không khỏi thán phục bởi đường kim mũi chỉ. Bà Nghị bảo, thêu tay khác với thêu máy, cần nhiều công đoạn, từ ý tưởng, phác họa ra giấy, in hình qua bột màu đặt lên mặt vải… Có những bức tranh cần đến vài tuần, vài tháng, thậm chí có bức cần 1 - 2 năm. Mong muốn phát huy nghề truyền thống, năm 2016, bà đã thành lập Hội thêu thùa xã Phong Niên với 6 thành viên, hoạt động của hội ngày càng được mở rộng, số thành viên tăng, đến nay đang tạo việc làm cho 20 lao động tại chỗ và hàng trăm lao động gián tiếp tại huyện Bắc Hà, huyện Văn Bàn… Các lao động trong hội đang có thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/tháng, có người thu nhập đến hơn 10 triệu đồng.
Đồng chí Lê Thu Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cán bộ phụ trách nội dung chuyên mục “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong trang “Hương Chè Xuân” cho biết, khi có thông tin về nhân vật, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện viết bài, ghi hình để phát trên fanpage. Từ tháng 1/2021 đến nay, chuyên mục “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã thực hiện 24 số, tuyên dương hơn 70 cá nhân, tập thể.
Mỗi tuần một tin tốt, một câu chuyện đẹp
Một ngày cuối năm 2022, sương mù giăng mắc, giá lạnh thấu xương, Đoàn Thanh niên Văn phòng UBND tỉnh, Hội Y - Dược tỉnh, Chi đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, Chi đoàn Thanh niên Ngân hàng Nhà nước tỉnh vẫn đến Tả Thàng - xã khó khăn nhất huyện Mường Khương để tổ chức chương trình thiện nguyện mang tên “Đông ấm”. Cuối tháng 11/2022, Huyện đoàn Văn Bàn kêu gọi Quỹ Cộng đồng WCO Việt Nam hỗ trợ kinh phí và huy động đoàn viên, thanh niên khởi công xây dựng “Nhà khăn quàng đỏ” cho gia đình em Lý Văn Thành, học sinh lớp 5, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Nậm Xé… Đó là những thông tin về việc làm tích cực của thanh niên rất dễ đọc được trong chuyên mục “Mỗi tuần một tin tốt, một câu chuyện đẹp” trên fanpage của Tỉnh đoàn Lào Cai thời gian qua. Điều đáng chú ý là sau mỗi câu chuyện như trên được cập nhật là ngay lập tức có rất nhiều bạn trẻ thả tim, bình luận và chia sẻ trên trang cá nhân.
Chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát động từ tháng 5/2018 với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” đã trở thành hoạt động truyền thông ý nghĩa trong tổ chức đoàn các cấp tỉnh Lào Cai, thu hút sự tham gia của đoàn viên, thanh niên. Đến nay, toàn tỉnh có 270 trong tổng số 438 tổ chức đoàn cơ sở lập trang facebook và 100% cán bộ đoàn thường xuyên tuyên truyền trên trang cá nhân về các tin tốt, câu chuyện đẹp. Sau gần 5 năm triển khai cuộc vận động, đến nay đã có hàng chục nghìn tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải, góp phần lan tỏa trong cán bộ, thanh niên, thiếu nhi về giá trị cao đẹp, nhân văn, thổi bùng lý tưởng, hoài bão và khát vọng vươn lên trong giới trẻ.
Là người thường xuyên chia sẻ lại các bài viết của fanpage Tỉnh đoàn Lào Cai trên trang cá nhân của mình, anh Vũ Quyết Thắng, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Kim Thành 3, Đoàn Thanh niên phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Câu chuyện đẹp, việc làm tốt đăng tải trên fanpage của Tỉnh đoàn giúp chúng tôi có chất liệu sinh động để tuyên truyền, vận động, nhất là những câu chuyện về tình yêu thương con người, lòng bao dung, nhân ái.
Hằng năm có hơn 10.000 tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải trên Cổng thông tin Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai. |
Nói về hoạt động này, Bí thư Tỉnh đoàn Giàng Thị Mai khẳng định: Bên cạnh việc giáo dục, định hướng cho đoàn viên, thanh niên hướng tới các giá trị nhân văn, cuộc vận động cũng góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Qua thời gian triển khai thực hiện, điều nhận thấy rõ nhất là việc các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn về các hoạt động an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, nhận thức được nhân lên, những bài viết, những tin tốt, chuyện đẹp không chỉ được đọc, quan tâm, mà còn chia sẻ về trang facebook, zalo cá nhân, nhờ vậy tạo tính lan tỏa rất cao.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 1.098 mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong học tập, làm theo gương Bác. Nhiều địa phương, đơn vị đã chọn nội dung trọng tâm, sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo chuyển biến tích cực tại địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.