Bước tạo đà mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Áo, Italy và Tòa thánh Vatican

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chủ trương này đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trong chuyến thăm chính thức Áo, thăm cấp Nhà nước tới Italy và thăm Tòa thánh Vatican vừa kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều kết quả vượt mong đợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen tại buổi gặp gỡ báo chí.

Chuyến thăm được lãnh đạo các nước hết sức coi trọng và đều dành sự đón tiếp chân tình, trọng thị với những nghi thức trang trọng và đặc biệt. Với khoảng 50 hoạt động dày đặc trong hành trình gần một tuần, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao, thống nhất các định hướng hợp tác trên các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, tôn giáo, kinh tế, thương mại, đầu tư, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân… Chặng đường mới của hợp tác Việt - Áo

Là chuyến thăm Cộng hòa Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua, vì vậy, chuyến công du tới thành phố Vienna lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang sứ mệnh quan trọng nhằm tiếp tục triển khai sâu sắc đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với Cộng hòa Áo, thông qua Áo thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và góp phần thúc đẩy quan hệ EU-Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong không khí chân thành, hữu nghị và cởi mở, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã cùng thống nhất các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Việt Nam và Áo trong chặng đường sắp tới trên tất cả các lĩnh vực. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam, Tổng thống Alexander Van der Bellen khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Áo và EU. Về phần mình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng chuyến thăm lần này sẽ tạo xung lực mới, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo nền tảng để mối quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nhìn nhận về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo, Chủ tịch Hội hữu nghị Áo-Việt Alfred Gerstl cho rằng chuyến thăm sẽ mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến giáo dục.

Đến Thủ đô Vienna - trung tâm lớn thứ 3 thế giới về ngoại giao đa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc làm việc với Quyền Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Najat Mokhtar và khẳng định mong muốn của Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực của IAEA nhằm giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo được hầu hết các kênh truyền thông và trang báo lớn của Áo đều đồng loạt đưa tin. Trang Vienna.at dẫn lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ hy vọng chuyến thăm chính thức tới Áo lần này sẽ đưa mối quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Còn trang thông tin của Quốc hội Áo (parlament.gv.at) dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Áo, bà Claudia Arpa khẳng định Áo rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối tác tốt đẹp với Việt Nam.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân bộ ảnh chuyến thăm.

Món quà của tình hữu nghị và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italy - đất nước của những di tích lịch sử và văn hóa vĩ đại, một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại và là thành viên sáng lập EU cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới một nước thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), của EU và là Đối tác chiến lược của Việt Nam.

Không chỉ dành những nghi thức ngoại giao trang trọng nhất, phía bạn Italy còn chào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với một món quà hết sức có giá trị trong hợp tác song phương, đó là việc Nghị viện Italy phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đúng vào dịp Chủ tịch nước tới Roma. Không chỉ là một thành công nổi bật của cả chuyến thăm, sự kiện này còn có ý nghĩa ý nghĩa thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định.

Một ấn tượng sâu sắc trong chuyến thăm Italy là trong tất cả các sự kiện từ Lễ đón chính thức, hội đàm cấp cao, Quốc yến, Lễ tiễn chính thức, bên cạnh những nghi thức ngoại giao cấp nhà nước, Ngài Sergio Mattarella Tổng thống Cộng hòa Italy - quốc gia quy mô kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới, GDP khoảng 2.000 tỷ USD luôn dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam những lời nói hết sức tốt đẹp và một tình cảm chân tình như một người bạn thân thiết của đất nước và con người Việt Nam.

Tổng thống Sergio Mattarella cho biết: “Ngài Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mời tôi sang thăm Việt Nam và tôi rất hạnh phúc về lời mời này bởi quan hệ hợp tác hai nước không chỉ trong chính trị, kinh tế, văn hóa… mà còn là tình hữu nghị, sự đồng cảm, chia sẻ của nhân dân hai nước với nhau”.

Về phần mình, đánh giá cao bề dày lịch sử, văn hóa và con người Italy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ: "Từ khi là sinh viên đại học, tôi đã được biết đến Italy - "nơi khởi nguồn của nền văn hóa châu Âu", là quê hương của những 'vĩ nhân phục hưng', nơi mà những lý tưởng nhân văn cao đẹp được biểu đạt sinh động qua các tác phẩm nghệ thuật và công trình kiến trúc nổi tiếng, có giá trị thôi thúc con người hướng thiện và sáng tạo. Ðến thăm Italy lần này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về điều đó …". Dẫn câu nói của Dante - đại thi hào nổi tiếng của Italy và thế giới, tác giả của tác phẩm Thần khúc đã nói “Bí quyết của việc hoàn thành mọi thứ là hành động”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Chúng ta hãy cùng hành động để hiện thực hóa các cam kết, vì sự phát triển của hai quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hai bên đã ký Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối lác chiến lược Việt Nam - Italy, đề ra các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Nhân dịp này, nhiều cơ quan báo chí Italy đưa tin đậm nét về các hoạt động trong chuyến thăm của Chủ tịch nước; khẳng định mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước không chỉ mới hình thành và phát triển trong nửa thế kỷ vừa qua, mà còn là thành quả tiếp nối của những nỗ lực ươm mầm, vun đắp từ bao thế hệ đi trước, trong sự giao thoa và gặp gỡ để những sợi dây kết nối ngày càng bền chặt, gần gũi hơn giữa nhân dân hai nước. Dấu ấn của giao lưu văn hóa Việt Nam – châu Âu Một lĩnh vực được đề cập nhiều trong các hội đàm, hội kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo Áo và Italy là là các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa.

“Tôi cũng có ý định thành lập một trung tâm văn hóa Italy tại Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hai nước”. Đề xuất này của Tổng thống Sergio Mattarella nhận được sự ủng hộ và đồng tình của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bởi qua đó, tăng cường hiểu biết giữa người dân về văn hóa của Việt Nam và Italy. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Italy cũng tham dự chương trình hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao do các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam – Italy tham gia biểu diễn.

Còn tại Áo, trước buổi gặp gỡ đông đảo kiều bào Việt Nam từ khắp châu Âu tề tựu về thành Vienna, Chủ tịch nước cùng bà con và những người bạn Áo thân thiết với Việt Nam đã cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc văn hóa Việt với sự trình diễn của các nghệ sỹ đến từ quê hương Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm, chia sẻ: “Tiếng thánh thót của đàn bầu, tiếng réo rắt của đàn nhị, sự rộn ràng của đàn tơ-rưng cùng hòa âm phối khí với nhạc cụ của nghệ thuật đương đại bác học như Mozart và kết lại, với một ca khúc giàu ấn tượng ‘Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi’, như lời mời gọi bạn bè quốc tế đến hiểu hơn đất nước Việt Nam”. Người Mẹ Tổ quốc

Tại Áo và Italy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng luôn dành thời gian tiếp xúc với những người bạn bè thân thiết với Việt Nam, gặp gỡ kiều bào. Chủ tịch nước nêu rõ, Tổ quốc được ví như người Mẹ và người Mẹ luôn theo dõi, quan tâm những người con của mình sinh sống, làm việc trên khắp thế giới và luôn vui mừng được chứng kiến những người con của mình thành đạt. Trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước, Chủ tịch nước luôn đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, hòa nhập, đóng góp cho sở tại.

Dù rất bận rộn với lịch trình dày đặc của chuyến thăm nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian tới thăm gia đình, nói chuyện với Tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà – nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vật lý lượng tử tại châu Âu và thế giới. Chủ tịch nước mong muốn, với kinh nghiệm quý báu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hà sẽ tăng cường kết nối với các nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong nước; đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Giáo hoàng Francis.

Trang sử mới của quan hệ hợp tác Việt Nam – Vatican

Yếu tố đặc biệt trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tới Vatican là theo thông lệ, tháng 7 hằng năm, Giáo hoàng và Tòa thánh rất hiếm khi bố trí lịch tiếp khách. Tuy nhiên, cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis những ngày cuối tháng 7 này còn diễn ra dài hơn so với dự kiến. Kết quả quan trọng của chuyến thăm là việc hai bên công bố thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới, quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Tòa thánh.

Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Giáo hoàng Francis khẳng định Tòa thánh mong muốn quan hệ Tòa thánh - Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp; đồng thời khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ cảm động khi biết rằng, từ lúc còn trẻ, ở Buenos Aires (Argentina), Giáo hoàng Francis đã luôn theo dõi cuộc đấu tranh vì độc lập, tự cho của nhân dân Việt Nam và trong thời gian qua, luôn quan tâm, dành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19. Với việc hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đại diện thường trú, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Giáo hoàng có “Thông điệp” mới, chỉ dẫn Giáo hội và cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn kính Chúa, yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, cùng Nhà nước, là giáo dân tốt, công dân tốt, sống đẹp đạo, ích đời, nỗ lực vì tình yêu thương, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam.

Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm, ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nhận định chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Vatican có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng cường lòng tin về chính sách, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời thúc đẩy xu hướng gắn bó với dân tộc, tác động đến các tôn giáo khác và góp phần đẩy mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Một thông điệp quan trọng Chủ tịch nước gửi tới các nhà lãnh đạo các nước trong chuyến thăm là sau những hy sinh xương máu để có được hòa bình, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. Chính vì vậy, Việt Nam luôn mong muốn việc giải quyết mọi xung đột ở khu vực và trên thế giới bằng biện pháp hòa bình, thông qua trao đổi, thảo luận và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và tôn trọng Luật pháp quốc tế. Quan điểm này được các nhà lãnh đạo các nước ủng hộ.

Những kết quả nổi bật, tích cực và toàn diện, những cung bậc cảm xúc lắng đọng của tình hữu nghị, tình bạn bè quốc tế là minh chứng sống động cho thành công vượt mong đợi của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chuyến thăm là bước tạo đà mạnh mẽ cho những thành tựu hợp tác giữa Việt Nam với Áo, Italy và Tòa thánh Vatican trong tương lai.

Theo Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đề nghị Hoa Kỳ đánh giá khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam

Đề nghị Hoa Kỳ đánh giá khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam

Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cần có những đánh giá khách quan dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện về tình hình thực tế tại Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chiều 26/6, tại Đại lễ đường Nhân dân (Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Mong muốn Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt

Mong muốn Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt

Chiều 25/6 (giờ địa phương), nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Chiều 24/6 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh làm việc với Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh làm việc với Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam

Chiều 24/6, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam do bà Urawadee Sriphiromya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới và làm việc tại Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới và làm việc tại Trung Quốc

Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6/2024 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Chuyến công tác dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang nhiều ý nghĩa quan trọng

Chuyến công tác dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang nhiều ý nghĩa quan trọng

Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.

fb yt zl tw