Chính tại đây, giữa muôn trùng sóng gió, chúng tôi đã được chứng kiến và cảm nhận một hình ảnh mãi khắc sâu trong tâm trí: Những người kéo thuyền ở An Bang, mà nhiều cán bộ, chiến sĩ thường gọi với cái tên thân thương “biệt đội kéo thuyền” thầm lặng giữa biển khơi.

Từ xa nhìn lại, đảo An Bang hiện lên hiên ngang giữa biển trời, giữa những dải sóng bạc đầu liên hồi vỗ về. Chúng tôi đã có mặt ở vùng biển gần đảo An Bang từ chiều hôm trước nhưng phải đợi đến sáng hôm sau mới có thể tiếp cận đảo. Dù đã được phổ biến kỹ lưỡng về cách lên xuống thuyền, cảnh báo về những đợt sóng lớn và nguy hiểm nhưng chỉ đến khi trực tiếp trải nghiệm, chúng tôi mới thực sự hiểu được sự gian khổ mà những người lính nơi đây đang đối mặt từng ngày.

Sóng cao từ 3 mét đến 5 mét cuộn trào, va đập vào kết cấu dựng đứng của đảo tạo nên những xoáy nước dữ dội. Trong điều kiện ấy, việc đưa người và hàng hóa lên đảo là một nhiệm vụ đầy hiểm nguy. Dưới sự chỉ huy nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trên đảo và tàu HQ561, các chiến sĩ trẻ của đảo An Bang đã hóa thân thành những cột trụ vững chãi giữa bão tố, đưa đón cán bộ, chiến sĩ và phóng viên rời tàu lên đảo an toàn.
Do đặc thù địa hình hiểm trở và sóng dữ quanh năm, đảo đã thành lập một đội chuyên biệt để kéo xuồng lên xuống. Công việc này đòi hỏi không chỉ có kinh nghiệm, mà còn phải có sức khỏe dẻo dai và tinh thần thép. Thành viên nòng cốt làm nhiệm vụ kéo thuyền vào đảo là những chiến sĩ trẻ được huấn luyện bài bản, thành thục các động tác kỹ thuật trước các tình huống.


Khi con thuyền chở chúng tôi vừa cập mép đảo, tức thì mấy chiến sĩ quăng dây để người trên thuyền cố định vào móc. Tiếp đó, những bàn tay chai sạn, dính đầy cát của các chiến sĩ trên đảo siết chặt lấy sợi dây kéo căng theo nhịp sóng. Miệng đồng thanh hô “Một...hai...ba...kéo! Một...hai...ba...kéo!” - tiếng hô vang vọng, át cả tiếng sóng gầm, như một khúc hùng ca giữa trùng khơi. Những đôi môi mím chặt, những cánh tay rướn căng, những đôi chân ngập trong cát vững chãi kéo giữ con thuyền chòng chành trước lớp lớp sóng biển như muốn cuốn ra xa.
Chúng tôi phải khéo léo nương theo từng đợt sóng, chia đều lực kéo giữa mũi và đuôi xuồng, bởi chỉ cần lệch một chút là xuồng sẽ bị đẩy trở lại biển. Có lần chúng tôi mất đến nửa tiếng chỉ để đưa một xuồng cập bờ an toàn.
Sự xuất hiện, trợ giúp của “biệt đội kéo thuyền” khiến những người lần đầu đặt chân đến đảo không thể nào quên. Vượt lên trên mọi khó khăn, hiểm nguy, những năm qua biệt đội này đã thực hiện kéo hàng trăm lượt thuyền từ tàu lớn vào đảo và ngược lại đẩy thuyền từ đảo ra tàu lớn đảm bảo an toàn, chính xác. Kéo thuyền vào đã khó, đẩy thuyền ra vất vả cũng không kém. Thuyền phải được đẩy ra mép sóng, người ngồi lên trước rồi lợi dụng từng đợt sóng vỗ nâng thuyền lên, các chiến sĩ lại bặm môi, bám vào mép thuyền ra sức đẩy.


Chuyến thăm đảo An Bang không chỉ mở ra trước mắt chúng tôi vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, mà còn gieo vào lòng mỗi người niềm cảm phục sâu sắc với những con người nơi đây. Giữa bốn bề sóng gió, họ lặng lẽ làm nhiệm vụ, lặng lẽ cống hiến như những cây phong ba bám đá, sống hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc.

Càng hiểu, càng chứng kiến, chúng tôi càng yêu thêm những chiến sĩ trẻ - những người kéo thuyền ở An Bang. Họ không chỉ kéo những chiếc thuyền vượt sóng, mà còn kéo gần khoảng cách giữa đất liền và biển đảo, giữa tình yêu và hy sinh, giữa con người với đại dương.



Khi xuồng rời đảo, chúng tôi ngoái lại nhìn An Bang - nơi có những cánh tay vẫy chào trong nắng sớm, có những bước chân in lên cát san hô, có những trái tim dũng cảm đang ngày đêm “giữ nhịp đập” cho trái tim biển đảo quê hương. Và đâu đó, khẩu lệnh “Một...hai...ba...đẩy!”, “Một...hai...ba...kéo!” vẫn ngân vang trong lòng chúng tôi như những câu hò vọng về từ biển cả.