Theo các số liệu thăm dò mới nhất, phe bảo thủ CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo) do ông Friedrich Merz lãnh đạo đang tạo được cách biệt lớn. Việc phe bảo thủ giữ lợi thế được cho chủ yếu là do hai ứng cử viên của đảng Dân chủ Xã hội là ông Olaf Scholz và đảng Xanh là Phó thủ tướng Robert Habeck không được lòng cử tri. Với việc đảng CDU hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, ông Merz được cho là có nhiều cơ hội giành chiến thắng và trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đối thủ Friedrich Merz trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.
Ông Friedrich Merz nhấn mạnh: "Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ Liên bang tiếp theo và người đứng đầu Chính phủ Liên bang này sẽ là một lần nữa thực hiện mạnh mẽ trách nhiệm của Đức tại Liên minh Châu Âu. Trong mọi trường hợp, mọi thứ không thể tiếp tục như hiện tại. Chúng ta phải và sẽ thay đổi điều đó”.
Cùng ngày, ứng cử viên Thủ tướng đại diện cho Đảng Xanh Robert Habeck, trong nỗ lực vận động phút chót vẫn tự tin khẳng định: “Tôi chỉ có thể nói rằng nếu Đảng Xanh không có trong chính phủ hoặc không có cơ hội đàm phán cho chính phủ, thì sẽ không có bảo vệ khí hậu, không có công lý xã hội, không có tiến bộ nào cho châu Âu. Chúng tôi sẽ tạo nên sự khác biệt”.
Kinh tế và nhập cư là 2 vấn đề lớn được các đảng nêu bật lập trường nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Theo Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis), nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã rơi vào suy thoái 2 năm liên tiếp, đồng thời đối mặt với triển vọng không mấy sáng sủa trong năm 2025. Người dân phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, một phần do giá năng lượng tăng cao chóng mặt khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Trước những thách thức này, vấn đề có nên cải cách để cho phép tăng chi tiêu công hay không là vấn đề trọng tâm của cuộc bầu cử này.
Trong khi đó, chủ đề di cư cũng đang trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử tại Đức, với nhiều đề xuất có thể tác động sâu rộng đến toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Một chính phủ Đức mạnh mẽ đang được cho là sẽ rất quan trọng đối với phản ứng của châu Âu đối với chính quyền mới của Mỹ hay tiếng nói của Đức trong các vấn đề quốc tế lớn.
Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc nước Đức đang đối mặt những thách thức lớn về an ninh, kinh tế, xã hội, đe dọa làm suy yếu nền kinh tế cũng như vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, quan điểm của các đảng về hướng giải quyết những vấn đề nổi cộm của đất nước sẽ là yếu tố hàng đầu chi phối lá phiếu của cử tri và quyết định ai sẽ chèo lái con thuyền đất nước thời gian tới. Cuộc bầu cử của Đức còn được cho là sẽ có hiệu ứng lan tỏa vượt ra ngoài biên giới nước này, ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước láng giềng.