Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hiện có 65 bệnh nhi điều trị, trong đó 16 trẻ mắc cúm A và cúm B, hơn 20 trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp và một số trẻ mắc tay - chân - miệng, tiêu chảy...
Có con trai Trần Đức Anh (4 tháng tuổi) mắc viêm phổi do vi-rút hợp bào hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, chị Lương Thị Linh (phường Bình Minh, thành phố Lào Cai) chia sẻ: “Con tôi vào bệnh viện trong tình trạng sốt, khò khè, hắt hơi, sổ mũi… Sau khi được bác sỹ điều trị, con đã giảm các triệu chứng, ăn ngủ tốt hơn”.
Trường hợp khác là em Nguyễn Diệp Chi (4 tuổi) ở thôn Tân Tiến, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) bị cúm A. Khi em có triệu chứng sốt, sổ mũi, nhức đầu, điều trị ở nhà 3 ngày không đỡ đã được bố mẹ đưa đến bệnh viện để bác sỹ khám và điều trị. Kết quả là em đã được xuất viện sau 4 ngày.
Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thúy (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết: Thời điểm này, nhiều trẻ mắc các bệnh về vi-rút và đường hô hấp trên, bởi vậy phụ huynh cần đảm bảo giữ ấm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ môi trường sống và học tập của trẻ thông thoáng, sạch sẽ, đặc biệt là cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đúng lịch... Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, chúng tôi phân loại các mặt bệnh, sắp xếp bệnh nhi ở các phòng bệnh riêng, thực hiện giãn cách, đảm bảo vệ sinh buồng bệnh, cán bộ y tế cũng thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Khuyến cáo khi trẻ có triệu chứng bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh diễn biến bệnh nặng hơn.
Nhằm hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh trong cộng đồng, trung tâm y tế các huyện, thị xã thành phố đã yêu cầu các trạm y tế đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp phòng, chống bệnh theo mùa. Đội ngũ y tế thôn, bản cũng tích cực vào cuộc trong công tác vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Trong các trường học, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm, như cúm, tay - chân - miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bởi khi đi học tập trung, học sinh học tập, vui chơi, tiếp xúc nhiều nên rất dễ lây nhiễm tạo thành dịch. Các trường học đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, như vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đảm bảo đủ ánh sáng, vệ sinh nguồn nước. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế phối hợp xử lý. Giáo viên cũng chủ động hướng dẫn trẻ kỹ năng đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng đúng cách; nhắc nhở học sinh chủ động thông báo cho bố mẹ, thầy cô về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Tại huyện vùng cao Mường Khương, nhằm đảm bảo tốt công tác y tế trường học, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học và đo đạc các yếu tố vệ sinh trong trường, từ đó đề nghị, kiến nghị để đảm bảo vệ sinh trường học theo quy định, tạo môi trường cho học sinh phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Trong đó, thực hiện kiểm tra vệ sinh ngoại cảnh, công trình vệ sinh, nguồn nước tại các trường học theo quy định của Bộ Y tế; kiểm tra các yếu tố vệ sinh phòng học, như ánh sáng, tiếng ồn, kích thước bàn ghế và phòng học.
Tại thành phố Lào Cai, Trung tâm Y tế thành phố cũng đã và đang triển khai hoạt động kiểm tra sức khỏe cho học sinh các trường học trên địa bàn. Chị Trần Thị Liên, Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Hoạt động kiểm tra được tổ chức nhằm phát hiện sớm một số bệnh thường mắc ở lứa tuổi học đường; nâng cao chất lượng sức khỏe cho học sinh, kiểm soát và hạn chế nguy cơ của một số bệnh tuổi học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng... và giảm tỷ lệ thương tích trong trường học. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền cho thầy cô giáo, học sinh các biện pháp phòng, chống bệnh tật học đường, đặc biệt là phòng các bệnh truyền nhiễm để tránh xảy ra thành dịch, như đau mắt đỏ, tay - chân - miệng, cúm… Trong dịp này sẽ có hơn 80% trẻ mầm non, học sinh phổ thông được sàng lọc, tư vấn điều trị cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường.
Chủ động phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ. Bên cạnh việc giúp trẻ có những thói quen lành mạnh, cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ có sức đề kháng tốt, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin tạo hệ miễn dịch chủ động để chống lại các bệnh truyền nhiễm.