Điều này thể hiện thông qua việc ban hành, thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án cụ thể. Mới đây, ngày 26/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028 nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng,...
Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi” vừa được tổ chức vào ngày 28/9 nhằm kêu gọi sự quan tâm chăm sóc từ gia đình, cộng đồng đối với người cao tuổi. Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam Lê Thành Long đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, đồng thời rà soát, tham mưu các chế độ, chính sách pháp luật về người cao tuổi, nhất là chính sách đối với người cao tuổi khuyết tật, người thuộc diện nghèo, không có người phụng dưỡng, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Về phía Trung ương Hội và các cấp Hội Người cao tuổi, Phó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cần tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, khuyến khích người cao tuổi phát huy kinh nghiệm, tích cực tham gia các hoạt động chính trị-xã hội,...
Qua thực tế triển khai cho thấy, Tháng hành động vì người cao tuổi đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, nhờ đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác người cao tuổi, đồng thời huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Đã có hàng chục nghìn ngôi nhà, hàng nghìn sổ tiết kiệm, hàng triệu suất quà,... được trao tặng những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, nhiều người cao tuổi chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 (Yagi) đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời.
Hiện nay, đứng trước xu thế mức sinh xuống thấp, tuổi thọ cao, dự báo Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038. Từ đây đặt ra những thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mặt khác, dù công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn không ít bất cập, hạn chế như vẫn còn chênh lệch trong việc hưởng thụ các điều kiện chăm sóc y tế của người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa với khu vực đồng bằng; nguồn lực bảo đảm cho công tác người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao,... Do đó công tác người cao tuổi nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng cần được tiếp tục chú trọng.
Cụ thể ngành chức năng cần sớm hoàn thiện Chiến lược Quốc gia người cao tuổi; không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là ở cấp cơ sở; tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ và phát huy vai trò của người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế-xã hội... Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành cũng như toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác người cao tuổi, trên cơ sở đó hiện thực hóa bằng hành động, việc làm cụ thể, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương, từng bước nâng cao sức khỏe, chất lượng đời sống và phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi trong xã hội.