Tại xã Sơn Hải, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã tham quan mô hình chăn nuôi gà giống của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Cố Hải, xã Sơn Hải. Hiện mô hình đang chăn nuôi 8.500 con gà giống Đông Tảo, Lương Phượng, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 50 đến 60 nghìn con gà giống các loại.
Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng tại buổi khảo sát, trên địa bàn huyện hiện có 240 trang trại, trong đó có 65 trang trại quy mô vừa; còn lại là trang trại quy mô nhỏ; các trang trại chủ yếu nuôi lợn, gia cầm. Điểm thuận lợi trong kinh tế trang trại chăn nuôi của địa phương là Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa nên các hộ chăn nuôi có điều kiện, nguồn lực tập trung phát triển theo hướng công nghiệp, hàng hóa và an toàn sinh học.
Tại nơi đến tham quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Bảo Thắng, xã Sơn Hải quan tâm vào cuộc cùng người dân, doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong phát triển mô hình trang trại chăn nuôi; quan tâm đến các yếu tố phát triển bền vững như tăng cường tính liên kết, chăn nuôi gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP. Điều kiện tiên quyết là chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học để giảm thiểu tác động môi trường, chăn nuôi theo hướng sinh học, chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi bền vững...
Tham quan mũi nhọn phát triển của huyện Bảo Thắng là chuyển đổi số thông minh tại khu vực nông thôn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và đoàn công tác đã khảo sát tại thôn Đông Căm, xã Gia Phú - nơi thực hiện mô hình điểm đầu tiên của xã Gia Phú và huyện Bảo Thắng. Trước đó, ngày 15/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 778/QĐ-UBND về phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, đây cũng là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh.
Mô hình có mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; giúp người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc sản xuất - kinh doanh.
Sau khoảng 3 tháng triển khai, mô hình chuyển đổi số thông minh tại thôn Đông Căm đã tiếp nhận, giải quyết, hỗ trợ người dân hơn 100 thủ tục hành chính, chủ yếu liên quan đến chứng thực, cấp giấy khai sinh, thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp...
Từ mô hình điểm tại Đông Căm, đến nay, Bảo Thắng tiếp tục là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về chuyển đổi số thông minh khu vực nông thôn với 20 mô hình điểm phủ khắp các xã, thị trấn. Các mô hình đã hỗ trợ nhiều người dân làm thủ tục hành chính và trả kết quả tại thôn, tổ dân phố và trả trực tiếp tại hộ gia đình cho hơn 500 trường hợp.
Tại thôn Đông Căm, sau khi nghe báo cáo của thôn, xã, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã biểu dương cơ sở và huyện Bảo Thắng đã có những cách làm sáng tạo vì mục tiêu phục vụ Nhân dân trên tinh thần cao nhất như mở cửa buổi tối để hỗ trợ người dân khi nhận được đề nghị; huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng chuyển đổi số thông minh...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Bảo Thắng sớm có đánh giá hiệu quả các mô hình để tiếp tục nhân rộng ra các thôn, xã của huyện và mở rộng ra các địa phương của tỉnh.
Trước đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã tới thăm, kiểm tra quy hoạch, hạ tầng trung tâm xã Sơn Hải.