Tò mò về nguồn gốc và tên gọi của Pả Chư Tỷ, chúng tôi được anh Hàng Seo Chư, công an viên dẫn tới nhà cụ Sần Lao Lù, người cao tuổi nhất thôn. Cụ Lù năm nay 90 tuổi, nguyên là Chủ tịch UBND xã Lùng Phình.
Theo lời kể lại của cụ Lù, ban đầu thôn chỉ có 18 hộ, sống rải rác bên sườn núi. Trước kia Pả Chư Tỷ trồng nhiều cây hồng mi để nấu rượu. Đồng bào Mông gọi hồng mi là cây pả. Theo cụ Lù, Pả Chư Tỷ có thể hiểu nôm na là nương cây hồng mi.
Pả Chư Tỷ hiện nay được ghép từ 4 thôn là Pả Chư Tỷ 1, Pả Chư Tỷ 2, Quán Hóa và Sín Chải. Người dân ở đây không còn duy trì việc nấu rượu mà chuyển qua trồng tre, cây mai, cây trúc và đời sống cũng gắn liền với những loại cây đó. Đến nay, bao quanh làng chủ yếu là rừng thông và các cây họ nhà tre.
Rời nhà cụ Lù, chúng tôi đi theo con đường trồng đầy tre, men theo những khu vườn cũng được bao quanh bằng hàng rào tre đến nhà anh Chư. Anh Chư vào bếp cầm ra một rổ đựng đầy bánh mời khách. “Bánh đặc sản của người Mông đó, các chị ăn thử đi”, anh Chư bảo.
Mấy đứa trẻ đang nô đùa ngoài sân cũng vội nhón một chiếc bánh. Lột lớp vỏ lá chuối bên ngoài, chiếc bánh bột ngô vàng ươm không có nhân được đám trẻ ăn ngon lành. Tôi cảm tưởng như đối với đám trẻ đó là món ăn ngon nhất mà chúng được thưởng thức lúc này.
“Ở Pả Chư Tỷ, nhà nào cũng trồng nhiều ngô trên nương. Vào mùa thu hoạch ngô, người dân xay ngô làm bánh, trẻ con ăn món này rồi không đòi mua kẹo. Mỗi đứa ăn 2 - 3 chiếc bánh ngô là no cả ngày. Hết mẻ bánh này, chúng tôi lại gói tiếp mẻ bánh khác”- anh Chư khoe.
Vì tre và mai bao quanh làng nên chuẩn bị mùa thu hoạch ngô, đàn ông trong thôn sẽ đi chặt cây tre, cây mai về chẻ lạt đan gùi. Kéo chiếc gùi đang đan dở, anh Sần Seo Vư bảo: Đan được một chiếc gùi để đựng ngô nhanh lắm. Có sẵn tre ở cạnh nhà, tôi đi chặt về chẻ lạt, tập trung đan thì chỉ chưa đầy tiếng là được một chiếc gùi rồi. Ở thôn, người dân không đan gùi bán, mà chỉ để sử dụng trong gia đình.
Sau vụ thu hoạch ngô là những ngày nông nhàn, phụ nữ Mông ngồi quây quần bên hiên nhà mang đồ ra thêu váy, áo. Chị Sùng Thị Dở và Vàng Thị Sở là hai chị em dâu, đều tròn 20 tuổi nhưng đã thành thạo thêu thùa từ cách đây 6 - 7 năm. Rất khéo léo và tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ nhưng 2 chị em đều ngại ngùng khi có người lạ trò chuyện.
Vừa thêu, vừa dỗ dành hai con nhỏ bên cạnh, chị Dở bẽn lẽn: Hầu hết phụ nữ Mông biết thêu từ khi còn nhỏ. Ngoài may váy, áo cho mình, chúng em còn may quần áo cho chồng và con nữa.
Nhiều đời nay, cuộc sống của người dân Pả Chư Tỷ vẫn lặng lẽ diễn ra như thế. Vậy nên, thôn có 122 hộ người Mông thì có tới 80% hộ nghèo. Bài toán thoát nghèo vẫn nan giải.
Pả Chư Tỷ là vùng đất có khí hậu đặc biệt, cảnh quan hoang sơ. Người dân nơi đây còn giữ nguyên nếp nhà truyền thống cũng như phong tục, tập quán và nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Theo ông Đỗ Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, địa hình, khí hậu ở Pả Chư Tỷ thích hợp để phát triển các mô hình nông nghiệp và kết hợp với du lịch trải nghiệm. Địa phương khuyến khích các hộ đầu tư thử nghiệm để tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo.
Đến nay, trên địa bàn thôn Pả Chư Tỷ có 2 mô hình farmstay. Farmstay A Lềnh là một trong số đó. Hoạt động từ năm 2021, farmstay A Lềnh được xây dựng để du khách có cơ hội tham quan, nghỉ dưỡng, hòa mình vào thiên nhiên, trực tiếp trải nghiệm những hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bữa ăn phục vụ du khách cũng sử dụng các nguyên liệu được nuôi, trồng tại farmstay.
Chị Giàng Thị Chứ, chủ cơ sở cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình du lịch này tại địa phương nên tôi cùng chồng quyết tâm xây dựng farmstay. Thực tế lượng khách du lịch biết tới nơi này còn ít, khách lưu trú chưa đông. Gia đình đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các dịch vụ tại farmstay, đồng thời tăng cường quảng bá, kết nối với khách du lịch.
Tìm hướng thoát nghèo cho người dân Pả Chư Tỷ luôn là bài toán khó với địa phương. Thời gian qua, một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thực hiện những mô hình mới, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Một số hộ còn kết hợp trồng ngô với trồng cây cát cánh, đương quy.
Ngoài xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch, có hộ tăng nguồn thu từ gốc tre, gốc mai già. Giới thiệu về gốc tre già của gia đình, bà Hạng Thị Sâu cho biết: Gốc tre này đã tồn tại 4 đời, vừa qua có người đến mua với giá hơn 20 triệu đồng để làm đồ mỹ nghệ. Người mua đang chuẩn bị đào gốc cây mang đi.
Chúng tôi rời Pả Chư Tỷ trước khi nghe được thêm nhiều câu chuyện vui. Đó là những thế hệ trẻ ở bản Mông đang phấn đấu học tập và đạt những kết quả đáng mừng. Cô bé Hạng Thị Cá vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị học thêm ngoại ngữ để đi du học; em Ma Thị Yến, em Sần Thị Nguyệt Thu và nhiều bạn trẻ ở Pả Chư Tỷ nhiều năm liền đạt học lực khá. Các em đang nỗ lực để góp phần đổi thay mảnh đất quê hương còn nhiều gian khó.