Uống trà ở Bắc Hà

LCĐT - Trong làng trà vẫn truyền miệng nhau, từ đời này sang đời khác, câu chuyện mang tính truyền thuyết lý giải nguồn gốc của trà. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng khai thiên lập địa nọ có hai vợ chồng cùng đứa con trai sinh sống. Ba người cùng họ hàng, dân bản chật vật mưu sinh, chật vật gây dựng bản làng.Uống trà ở Bắc Hà ảnh 1

Một buổi sáng nọ không thấy cha mẹ dậy sớm như mọi khi, người con vào định đánh thức thì chàng ồ lên kinh ngạc, chỉ qua một đêm mà tóc cha mẹ chàng đã bạc trắng, thân hình chỉ còn da bọc xương. Chàng sợ hãi đi gọi dân bản, nhưng ai nấy đều quặt quẹo ốm yếu như cha mẹ chàng. Sợ hãi, chàng ra miếu đầu bản thắp hương cầu xin thần núi cách chữa bệnh cho mọi người. Thần núi hiện lên bảo, muốn cứu được bệnh thì phải đi về hướng mặt trời lặn, khi nào cùng đường cùng lối khắc có người cho thuốc.

Nghe lời thần núi, chàng quyết định lên đường tìm thuốc cứu cha mẹ, dân bản. Con đường đi tìm thuốc của chàng như đường đi lên trời, biết bao núi cao, vực sâu chắn lối, thú dữ chặn đường, nhưng với lòng thương cha mẹ, dân bản, chàng vẫn quyết tâm vượt qua. Sau 1 ngày lội rừng đến kiệt sức, chàng leo lên một chạng cây ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, chàng thức dậy trong khúc hát ngân nga của hàng trăm loài chim, trong tiếng reo ca hùng tráng của thác nước.

Chàng chưa kịp định thần mình tỉnh hay mơ thì một đàn 13 con hạc trắng từ trên trời cao hạ xuống ngay gốc cây cổ thụ mà chàng đang núp. Những con hạc trút bỏ bộ cánh, hiện thành 13 cô gái lộng lẫy, mỗi người hái một nắm búp lá xanh của cây cổ thụ bỏ vào giỏ đeo cạnh mình, khoác lên mình bộ cánh  rồi vỗ cánh bay lên trời. Bỗng chàng phát hiện trên cành cổ thụ ngay dưới chân mình còn treo một bộ cánh hạc, chàng với tay ôm lấy bộ cánh vào lòng.

Cô tiên trẻ nhất, đang nô đùa với mấy cánh bướm quanh khóm hoa rừng, khi thấy các chị đã bay đi mới vội chạy đến bên gốc cây cổ thụ. Cô tiên sững sờ khi thấy trên cành cây không còn bộ cánh của mình, cô bật khóc. Chàng e ngại, vội lấy đôi cánh trả cho tiên nữ. Tiên nữ bảo mình là con của Tây Vương mẫu, một tháng đôi lần cùng các chị tới đây để hái búp Mẫu Thiên Trà mà chàng vừa trú về dâng Ngọc Hoàng. Nàng đau khổ, bộ cánh hạc của nàng chỉ còn bay được đến chính ngọ nên có muốn về trời cũng không kịp. Hơn thế, thiên cơ đã bị lộ, nếu nàng có về thì cũng bị Tây Vương mẫu đuổi xuống hạ giới.

Chàng ân hận, xin lỗi nàng, thật thà kể lại hoàn cảnh và mục đích chuyến đi của mình. Nàng bảo búp lá của Mẫu Thiên Trà chính là vị thuốc chữa bệnh của cha mẹ chàng và dân làng đang mắc phải. Chàng bảo đằng nào cũng phải xuống trần, chi bằng hãy cùng chàng đem  búp “Thiên Trà” này chữa bệnh cho cha mẹ và dân làng. Nàng bằng lòng, hai người vội mang những cành Mẫu Thiên Trà cùng đôi cánh hạc trở về ngôi nhà của chàng.

Bố mẹ chàng, sau khi uống bát nước trà vàng óng như mật ong chắt từ búp Mẫu Thiên Trà đã nhanh chóng hồi tỉnh, mọi người vui mừng mời dân làng tới chia vui và chữa bệnh. Chẳng bao lâu, cái bệnh “sớm già” đã bị đẩy khỏi làng bản, vợ chồng chàng đã dạy dân làng ươm trồng những cành trà trời cho để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe hằng ngày.

Cụ già vùng cao Bắc Hà vừa thong thả kể sự tích cây trà cho tôi và anh bạn nhà báo từ Hà Nội lên, vừa nhẩn nha, tỉ mẩn, cẩn trọng pha trà.

Trước chúng tôi, trên chiếc bàn tre đen bóng màu thời gian là bộ ấm chén cổ, gồm 1 cái ấm, 1 chén tổng, 3 cái chén hình quả nhót, mà cụ già bảo là Nhất Tổng Tam quân, đặt trên chiếc khay chân quỳ làm bằng gỗ trắc. Hương trà sực nức hòa quyện với không gian tĩnh lặng như đưa chúng tôi vào cõi thiền. Cụ già bảo, uống trà vào buổi sáng chỉ có nhất. Buổi sáng âm dương giao hòa, không gian tĩnh lặng, khí lực sung mãn, khi chén trà thơm mang tính dưỡng tâm tĩnh trí ngấm vào lục phủ ngũ tạng thần khí sẽ sáng suốt minh mẫn, con người gần với trời đất, con người gần với con người...

Trước chúng tôi, những dãy núi đứng núi ngồi trập trùng xanh, trập trùng mây gió. Dưới thung lũng heo may chưa kịp làm khô da săn thịt thì màu vàng chanh của đồng lúa đã dâng đầy trong mắt, trong lòng. Cảnh vật như lôi chúng tôi vào bến say mê tỉnh, hối thúc nói những lời hay, nghĩ những điều tốt.

Cụ già bảo, muốn có một ấm trà ngon cần có 5 cái cốt yếu, đó là “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”, hôm nay thưởng trà ta có đủ cả 5 cái quý này. Đó là nước pha trà được con ngựa quý của già cõng từ ngọn nguồn con suối về; những búp chè trong ấm được hái từ những cây chè tuyết cổ thụ trên lưng núi quanh năm mây phủ; bộ ấm chén hợp với khung cảnh, với khách, với mùa, bởi thưởng trà không quan trọng về lượng mà quan trọng về chất và tinh thần; tứ bình là cách già vừa rửa trà, pha trà, ủ trà, rót trà, mời trà các cháu; còn “ngũ quần anh” tức là việc hai cháu lặn lội từ cuối dòng sông lên đầu dòng sông thưởng trà với già này.

Tôi và bạn lâng lâng đón chén trà từ tay cụ già miền sơn cước, sẽ sàng nhấm nháp hương vị của rừng của núi.

Bất chợt cụ già cất giọng ngâm nga:

Bán dạ tam bôi tửu

Bình minh sổ trản trà

Nhật nhật cứ như thử

Lương y bất đáo gia!

Tôi và anh bạn nhà báo ồ lên, cả hai không ngờ bài thơ Bán dạ tam bôi tửu nổi tiếng lại được vang lên giữa chốn thâm sơn này. Cảm hứng dâng lên, anh bạn tôi đế theo:

Canh khuya ba chén ruợu

Sớm mai một tuần trà

Mỗi ngày mỗi được thế

Thày thuốc không đến nhà!

Cụ già vuốt râu cười khà khà, ấm trà trong tay cụ lại nâng lên, ông mặt trời đã mang cái lược vàng nghiêm trang chải rừng chải núi…

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Ngày 13/7, tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thuộc Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở ở xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân xã Cam Lộ tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương 13/7 (1885-2025), mở đầu cho phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

fb yt zl tw