Biên cương hoa gạo đỏ

LCĐT - Những năm 50 thế kỷ trước, tôi được theo cha từ trên núi xuống khe suối Mường Tiên đốn gỗ, cưa xẻ thành những tấm ván mang bán cho người phố tỉnh, tuy đang ngày mùa, nhưng vì người phố đã thỏa thuận thời gian và giá cả, nên không thể sai lời. Hai cha con đóng một chiếc xe bốn bánh thô sơ bằng gỗ để chở hộp ván đi theo con đường lát đá đầy “ổ trâu, ổ lợn” lại thêm những cù đá to bằng nắm đấm trơ lộ lổn nhổn. Tuy thế, vẫn là con đường cái duy nhất nối phố tỉnh với phố huyện.

Thành phố Lào Cai hôm nay.
Thành phố Lào Cai hôm nay.

Lần đầu tiên đi chợ phố tỉnh, từ dốc núi Tòng Sành phóng tầm mắt ra xa,  thung lũng sông Hồng ngập tràn màu đỏ xen lẫn những làn mây xốp. Cha bảo đó là hoa gạo, những cánh hoa xòe rộng bằng bàn tay bung ra cho làn bông trắng bay là là theo chiều gió. Đến đoạn đường bằng men theo bờ Ngòi Đum, tôi vừa đi vừa nhặt bông gạo, nên thỉnh thoảng lại phải chạy gằn cho kịp cha. Trẻ con thấy bông gạo đẹp thì nhặt chơi; nhưng rồi cha bảo nếu có thời gian, nhặt được nhiều thì đem về lót gối, làm chăn đắp, ấm lắm. Thế là định tâm sẽ có mùa bông gạo nào đó dành hẳn thời gian xuống vùng thung lũng nhặt đủ nhồi một tấm chăn ấm che chở cho cha mùa đông rét mướt, nhưng chẳng bao giờ thực hiện được.

Thung lũng sông Hồng miên man rừng cây gạo, nên người ta gọi theo tiếng Giáy là Coóc Réo, nghĩa là gốc gạo, tiếng Kinh biến thành Cốc Lếu, từ khe Ngòi Đum lan xuống rẻo đồi bát úp Can Thàng, tức Cam Đường, ngược lên vùng Pả Sa, tức Bát Xát, lan tỏa khắp thung khe phía bên chân núi Con Voi. Cha còn bảo ở đâu có cây gạo thì đó là vùng đất tốt. Quả nhiên dọc thung lũng sông Hồng và các khe ngòi khắp vùng Lào Cai, xa xưa gọi là Lão Nhai đất đai trù phú, mỡ mầu. Chả thế mà, cha ông ta ngày xưa thường đặt những tên đất gắn liền với tiền, vàng, phủ thêm những câu chuyện huyền hoang rồng, tiên ly kỳ. Tòng Sành, Đồng Tuyển, Trịnh Tường đều có nghĩa là đồng tiền.

Đầu thập niên 60, 70 theo nghề giáo, tôi dựng một túp lều phía cuối đồng Vạn Hòa, cây gạo khu vực thị xã Lào Cai đã bớt rợp, chỉ còn lác đác vài cây, nhưng riêng vị trí trung tâm Cốc Lếu, đầu đường Thanh Niên ngày nay, bây giờ là Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Khách sạn Mường Thanh vẫn còn hai cây gạo cao vút. Hiếm hoi những lần không phải đi công tác, tan giờ chiều, từ cơ quan, Trung tâm đào tạo Hán ngữ bây giờ, đạp xe về đến nơi có hai cây gạo ấy, tôi dừng lại để tuốt hạt muồng muồng mọc tự nhiên thành cả một bãi phía dưới gốc cây mang về rang cháy pha nước uống. Nhấp vài ngụm, chưa kịp trải giường chiếu thì cái ngủ đã ập đến, kéo giấc sâu ngon lành không hề mộng mị. Hai cây gạo ấy sau khi tỉnh tái lập, chỉ còn một cây, đến khi xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã mới bị chặt hạ, tuy có vấp phải làn sóng phản đối của một số vị cao niên, nhưng theo như đồng chí Vũ Ngọc Cừ, một thời làm lãnh đạo thị xã, đã phải tiến hành hai cuộc họp lấy ý kiến đồng thuận.

Một lần được dịp đi từ Hà Nội lên Điện Biên. Đèo Pha Đin trên Quốc lộ 6 dài hơn ba chục cây số. Đến đỉnh đèo, gió núi mơn man lùa vào xe mát rượi. Chúng tôi dừng lại. Phóng tầm mắt ngút ngát, thấy lác đác những cây gạo chồi lên trên dải rừng xanh. Cái anh gạo này bao giờ cũng phải vươn cao lên bầu trời, cũng phải vượt cao hơn những tán cây khác. Đến thị xã hồi ấy, gặp nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nhì Chu Thùy Liên, tôi hỏi một câu bâng quơ:

- Cây gạo có ý nghĩa gì trong đời sống người Hà Nhì?

Chị trả lời ngay:

- Có chứ! Nó sung sức, thẳng ngay, không mùa nào rụng lá. Nó là biểu tượng của sự no đủ và trường tồn!...

- Với chất liệu gỗ xốp ấy, người ta có thể sử dụng vào việc gì?

Chị bảo: Em chịu! Tôi cũng vậy, đương nhiên chịu rồi, vì mình đâu phải anh thợ sơn tràng, càng không phải anh thợ mộc. Thật tiếc. Giá biết thêm nghề mộc, sẽ có khối chuyện để nói. Nhưng thôi, mình đành phận với thợ chữ vậy, như cụ Trần Đức Minh đã quá cố, một thời làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Liên Sơn có nói một câu mà tôi còn nhớ: “Ngày xưa, một con người phải biết nhiều nghề. Nhưng ngày nay, một con người chỉ nên biết một nghề chuyên sâu, kỹ thuật cao”. Cứ tưởng đó là cách nói tuyên giáo, nhưng quả nhiên đúng thế. Ngày xưa, nông dân đồng thời là nghệ nhân, nghệ sĩ. Bây giờ thì không lẫn lộn được nữa rồi… Ấy thế, nhưng chất gỗ gạo chắc chắn phải có giá trị sử dụng, nên mới nhanh chóng bị đốn hạ. Ngày nay đâu còn rừng cây gạo nữa. Tôi đã mục sở thị cánh lâm sinh đốn rừng rồi, trong đó có cả những cây gạo to cỡ hai người ôm. Họ đốn cây to, phát trụi cây nhỏ, đợi khô, rồi cho mồi lửa, tiếp đó là trồng sắn, trồng lúa nương và trồng xen cây con vào tùy theo quy hoạch từng chủng loại; thế nhưng cây con thì chết rụi dần, chỉ còn cỏ gianh. Cái lối làm ăn thời bao cấp là thế! Những sến, táu, nghiến, dổi, pơ mu thì rõ rồi, một thời tôi đã thấy ngày chủ nhật, nhiều công chức trong thị xã lại nai nịt dao, búa, cưa, xe đạp đi ra vùng ngoại vi Đản Khao, Na Quynh, Na Mo. Hóa ra họ tản vào rừng với lý do kiếm củi, mà thực ra là tìm gỗ lát, gỗ nghiến… nghe nói bán được giá lắm.

Cây gạo - biểu tượng sự trù phú và thanh cao của vùng đất biên cương.
Cây gạo - biểu tượng sự trù phú và thanh cao của vùng đất biên cương.

Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, đi học bên Thái Nguyên, trong khi chờ tàu hỏa, tá túc một đêm tại ngôi nhà trọ lối xuống bến phà Cốc Lếu, dưới đó chật kín mặt sông là những bè gỗ, nứa, song, mây, trúc… nghe thấy tiếng nói, tiếng quát tháo, nạt nộ, tôi lần xuống xem. Thì một người đỏ mặt tía tai ra giọng sừng sộ:

- Cái thứ gỗ bông này thì lấy làm gì? Vứt!

Người nọ bình thản:

- Gỗ gạo, mộc thiết đấy! Ngâm bùn ao thật kỹ, sánh ngang với đinh, lim, sến, táu nhá! Đóng bè xuôi sông cực kỳ an toàn!

Thì ra là họ đi chung bè. Chung bè chứ không chung lòng. Không rõ chuyến đó họ có thuận chèo mát mái, nghe nói bến đỗ của họ là Việt Trì.

Mỗi sáng, mỗi chiều, tôi thường đi bộ sau khi bờ kè sông Hồng và đường An Dương Vương hoàn thành, ở đó đã có mấy cây gạo được trồng xen với những cây khác. Phía bờ sông Hồng thuộc địa phận phường Duyên Hải, nhiều cây gạo đã được trồng khoảng chục năm giờ đã phát tán. Cây được trồng ngay ở đầu cầu Cốc Lếu với cây mặt tiền khách sạn Mường Thanh, lá đang tỏa màu xanh mơn mởn. Cây gạo, giá trị không phải ở chất gỗ hay cánh bông, mà là ở sức sống trường tồn diệu kỳ, là ở biểu tượng của sự mong ước trù phú và thanh cao. Để tạo dựng nên một quan niệm tâm linh, phải trải qua chiêm nghiệm hàng ngàn thế hệ. Cây gạo - loài thực vật như biết bao loài cây khác, nhưng lại có vị trí đắc nhân tâm, cho con người cái quyền mưu cầu hạnh phúc, nhất là đồng bào miền núi và chúng ta đang được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn đó.

fb yt zl tw