Mới 17 giờ, nhưng xã A Lù đã chìm trong "biển" sương mù dày đặc. Không gian đặc quánh một màu trắng đục. Sau một hồi xuyên qua "biển" mây với cái rét cắt da của mùa đông vùng cao, chúng tôi đến thôn A Lù 2. Đồng chí Tẩn Díu Hin, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Lù đưa tôi đến thăm nhà chị Chu Gì Xú, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã A Lù, đại biểu HĐND xã A Lù, đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong căn nhà nhỏ ở giữa thôn, chị Chu Gì Xú đang bày bữa cơm chiều. Có hẹn từ trước, nên cả chị Xú và ông Lý Xuy Xe – bố chồng của chị Xú đon đả mời chào. Tôi khá bất ngờ khi thấy chị Gì Xú ngồi cùng mâm với bố chồng tiếp khách thoải mái. Đoán được ý tôi, anh Tẩn Díu Hin cười vui vẻ: "Đây là gia đình tiến bộ nhất trong cộng đồng người Hà Nhì của xã".
Ai đã từng đến và hiểu về những luật tục của người Hà Nhì chắc chắn cũng ngạc nhiên như thế. Chợt nhớ chuyện cũ, tôi kể cho mọi người nghe về lần đầu tiên thăm bản Hà Nhì gần chục năm trước. Trong bữa cơm, tôi cùng những người đàn ông trong gia đình được ngồi mâm trên, còn những người phụ nữ ăn mâm dưới, các món ăn ở mâm dưới cũng đơn sơ và đạm bạc hơn. Trong suốt bữa ăn, vài người phụ nữ trẻ vừa bế con nhỏ, vừa ăn “nhấp nha nhấp nhổm” hết đứng lại ngồi xổm rất vất vả.
Hỏi ra thì được biết theo luật tục của người Hà Nhì, con dâu không được phép ngồi ăn cùng mâm với người đàn ông có vai vế cao hơn trong gia đình chồng, phải ngồi xổm hoặc đứng ăn, trừ khi mang cơm đi ăn ở chỗ khác, ngay cả ngồi uống nước cũng không được ngồi ngang hàng.
Đâu chỉ có việc “làm dâu ăn cơm đứng”, phụ nữ Hà Nhì phải cáng đáng hầu hết các công việc trong gia đình từ việc nhỏ đến việc nặng nhọc. Trước đây, trẻ em nữ Hà Nhì không được đi học chữ. Nữ giới sinh ra ngẩng lên chỉ có một công việc học tập suốt đời là làm việc nhà. Bởi vậy mà ngày nay, đến với cộng đồng người Hà Nhì, các bà, các cô, thậm chí là các chị tầm 30 tuổi trở ra nói tiếng phổ thông không sõi, ngại tiếp xúc với người lạ. Phụ nữ dân tộc Hà Nhì được đi học hết bậc THPT, học lên trung cấp, cao đẳng, đại học được coi là của hiếm, thậm chí là “chuyện lạ”.
Từ xưa, cộng đồng người Hà Nhì còn đối xử rất nặng nề đối với những cô gái trót mang thai khi không có chồng hoặc lỡ “ăn cơm trước kẻng”. Những cô gái này sẽ bị làng phạt vạ (phải chuẩn bị nhiều rượu, thịt, gạo… làm mâm cơm ở ngoài địa phận của thôn để mời dân làng đến ăn); khi sinh con, phải ra bìa rừng ngoài phạm vi của thôn làm lán để sinh con, hơn 1 tháng sau mới được về nhà. Người Hà Nhì quan niệm, phụ nữ chửa hoang, chửa trước khi lấy chồng sẽ đem về cho thôn những điều đen đủi, không may mắn cho cả làng...
Nhiều người biết chuyện đã phải thốt lên rằng, sao giữa xã hội hiện đại này, phụ nữ Hà Nhì vẫn khổ và vất vả như thế? Nhiều người còn chua chát: “Đừng sinh con là con gái Hà Nhì”.
Chị Chu Gì Xú sinh năm 1988. Cũng như những phụ nữ sinh ra giữa bản Hà Nhì, Gì Xú lớn lên bên những luật tục “xưa như trái đất”. Theo dòng chảy ngàn năm, cô bé Xú ấy cũng sẽ lớn lên, trưởng thành, lấy chồng, sinh con như các bà, các mẹ của mình.
Tuy nhiên, vượt qua định kiến, Gì Xú là một trong số ít phụ nữ Hà Nhì quyết tâm đi học THPT, sau đó học trung cấp, rồi đại học ngành công tác xã hội. Được học tập, mở mang kiến thức, Gì Xú hiểu những quan niệm xưa về thân phận người phụ nữ chính là hủ tục cần được xóa bỏ. Chị đã đứng lên tự “cởi trói” cho mình. Chị mạnh dạn chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa chồng và vợ, giữa con dâu với gia đình nhà chồng, mong muốn được chồng chia sẻ công việc hằng ngày, xóa bỏ luật tục “Con dâu phải ăn cơm đứng”…
Với sự khéo léo trong ăn, ở và đặc biệt là khả năng “dân vận” tốt, chị Xú đã thuyết phục được nhà chồng không nặng nề theo những luật tục xưa nữa. Chị là người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên của xã A Lù được ngồi ăn cơm cùng mâm với những người đàn ông lớn tuổi bên nhà chồng.
Không chỉ tự “cởi trói” cho mình và những người phụ nữ khác trong gia đình, chị Xú còn mong muốn dần cải tạo các hủ tục trong cộng đồng người Hà Nhì của xã và toàn huyện. Trong suốt quá trình công tác, chị Xú đã đề xuất với huyện, tỉnh các giải pháp đem lại sự đổi thay cuộc sống của phụ nữ Hà Nhì. Chị cũng tích cực tuyên truyền đến hội viên phụ nữ và người dân về vấn đề giới và bình đẳng giới, xóa bỏ các rào cản, hủ tục, đem lại công bằng cho phụ nữ Hà Nhì.
Từ đề xuất của chị, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho người Hà Nhì đã được HĐND các cấp bàn tính trong các kỳ họp và chủ trương bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, kinh tế mới trong cộng đồng người Hà Nhì được thực hiện. Tất cả các thôn, bản Hà Nhì trên toàn huyện Bát Xát hiện đều xây dựng các câu lạc bộ vì sự tiến bộ phụ nữ, như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ tổ phụ nữ không có con tảo hôn; mở các lớp học xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt là phụ nữ; thực hiện các dự án nâng cao quyền năng kinh tế, xã hội cho người phụ nữ.
Để minh chứng cho những điều phấn khởi ấy, chị Xú đưa tôi đi thăm lớp học xóa mù chữ cho gần 20 phụ nữ và giới thiệu đó đều là các chị em phụ nữ người Dao, Hà Nhì của xã (phần lớn là người Hà Nhì), trước đây vì rào cản xã hội và điều kiện gia đình khó khăn không được đi học. Được tuyên truyền, vận động, hằng tuần, từ thứ 5 đến chủ nhật, sau bữa cơm tối, chị em lại cần mẫn đến lớp học. Cứ như vậy lớp học đã duy trì đến lớp 5. Chia sẻ về lớp học, chị Chu Xá Sơ, học viên lớp học vui vẻ cho biết:
Với sự nêu gương và nỗ lực vận động từ đại biểu HĐND Chu Gì Xú, mỗi gia đình đang tự xây dựng văn hóa từ chính gia đình mình. Sợi dây vô hình “trói” phụ nữ Hà Nhì với hủ tục dần dần bị phá bỏ. Đến nay, trên địa bàn xã A Lù, nhiều gia đình Hà Nhì đã cởi mở hơn với con dâu, không còn luật tục phân biệt. Như chị Sùng Thị Tới (thôn A Lù 2) được các thành viên trong gia đình ủng hộ chị tham gia công tác xã hội; chị Trang Tả Mẩy (thôn A Lù 2) Chu Xá Sơ (thôn A Lù 1) và nhiều chị khác nữa, được chồng san sẻ việc nhà. Các chị không còn phải chịu cảnh “ăn cơm đứng” và những luật tục cổ hủ khác.
Đồng chí Tẩn Díu Hin, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Lù cho biết: Đồng chí Chu Gì Xú chính là điển hình trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng Hà Nhì của xã A Lù nói riêng, huyện Bát Xát nói chung. Ngoài việc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND thường lệ, đồng chí còn đi sâu vào quần chúng, lắng nghe và hiểu sâu hơn những tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó kịp thời phản ánh ý kiến của cử tri đến các cấp có thẩm quyền. Chúng tôi kỳ vọng, trong tương lai, đồng chí sẽ có nhiều tham mưu, đề xuất hơn nữa để phát triển cộng đồng.
Bài 2: Chung tay xây miền ấm no theo khát vọng của cử tri
Bài 3: Cô gái Hà Nhì “ thắp lửa” niềm tin
Bài cuối: Đại biểu HĐND chung tay vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nhì
Nội dung: Tuấn Ngọc – Tô Dung
Trình bày: Khánh Ly