Trở lại câu chuyện ở những nơi chúng tôi đã đến trên hành trình viết về những đại biểu dân cử, tại xã Y Tý, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống nhất trên địa bàn huyện Bát Xát, chúng tôi không chỉ được gặp đại biểu Sào Xá Gơ mà còn được trò chuyện với nhiều đại biểu khác là phụ nữ người Hà Nhì gương mẫu.
Chị Ly Giá Sơ, đại biểu HĐND huyện Bát Xát, Phó Chủ tịch HĐND xã Y Tý cho biết: Xã Y Tý hiện có 20 đại biểu HĐND các cấp, trong đó có 9 đại biểu HĐND là người Hà Nhì. Trong số đó, có 4 đại biểu HĐND là phụ nữ dân tộc Hà Nhì như: Ly Giá Sơ, Sần Thó Mơ, Sào Giá Sơ, Sần Xá Phơ.
Các đại biểu cùng là phụ nữ, hiểu hơn bao giờ hết những khó khăn, vất vả mà người phụ nữ Hà Nhì phải trải qua, nên đều nỗ lực tuyên truyền cải tạo hủ tục, giúp phụ nữ Hà Nhì nói riêng, phụ nữ DTTS nói chung vượt qua định kiến, học tập các ngành nghề mới, tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Tiêu biểu như tấm gương chị Sần Thó Mơ là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã, vừa làm mô hình homestay để chị em noi theo, vừa duy trì tốt các mô hình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em gái tại xã Y Tý như: mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng xã Y Tý”; mô hình “Tổ du lịch cộng đồng do phụ nữ Hà Nhì làm chủ” tại thôn Choản Thèn;mô hình “Hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn”;…
Tại các xã khác như Nậm Pung, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường đều có những đại biểu người Hà Nhì tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn nêu cao ý thức làm tròn lời hứa với cử tri.
Ở xã Nậm Pung có đại biểu Lý Gì Xu, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Kin Chu Phìn 2 là người tích cực tuyên truyền cho bà con trong thôn, nhất là phụ nữ Hà Nhì bỏ những tập tục lạc hậu như tảo hôn, sinh con tại nhà, bỏ hình thức xử phạt hà khắc với phụ nữ mang thai khi không có chồng.
Ở thôn xa xôi nhất xã, chị Xu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, phản ánh với các cấp có thẩm quyền qua những đợt tiếp xúc cử tri để tháo gỡ khó khăn cho Nhân dân, giúp phụ nữ Hà Nhì trong thôn học thêm các kiến thức chăm sóc trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hiện nay, học sinh nữ người Hà Nhì ở Kin Chu Phìn 2 đều được đến trường học tập, nhiều em học THPT, có em thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp.
Tại xã A Lù, đại biểu Sào Xe Hờ, Bí thư Đoàn thanh niên xã A Lù là thanh niên trẻ năng động, có nhiều sáng kiến giúp thanh niên người Hà Nhì vươn lên thoát nghèo, phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các đại biểu không chỉ là “tai, mắt” của dân, mà còn là người dẫn lối để đổi thay cuộc sống cộng đồng.
Khi thực hiện loạt bài về những đại biểu HĐND là người dân tộc Hà Nhì, chúng tôi cũng dành thời gian tìm hiểu những thông tin đặc biệt về cộng đồng dân tộc Hà Nhì nói chung. Theo đó, người Hà Nhì di cư đến Việt Nam cách đây khoảng 300 năm, với 2 nhóm là Hà Nhì đen (chủ yếu ở tỉnh Lào Cai) và Hà Nhì hoa ( ở tỉnh Lai Châu, Điện Biên), với tổng dân số trên 26.000 người.
Hiện nay, toàn tỉnh có 870 hộ gia đình người dân tộc Hà Nhì, với gần 5.000 người, sống tập trung ở một số xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát như Y Tý, A Lù, Nậm Pung, Trịnh Tường, A Mú Sung. Theo tập quán từ xưa, người Hà Nhì thường sống ở những bản làng cao nhất được bao quanh bởi những cánh rừng, mùa đông lạnh giá, sương mù giăng kín. Do cuộc sống biệt lập, nên người Hà Nhì có tính cộng đồng cao, nhưng do ít giao lưu với bên ngoài, nên họ chịu ảnh hưởng của nhiều hủ tục.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên địa bàn huyện có 423 đại biểu HĐND xã, 35 đại biểu HĐND cấp huyện, 6 đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó, có 15 đại biểu HĐND các cấp là người dân tộc Hà Nhì (8 đại biểu nam, 7 đại biểu nữ).
Về phân cấp, có 1 đại biểu HĐND tỉnh, 2 đại biểu HĐND huyện và 12 đại biểu HĐND xã là người Hà Nhì. Các đại biểu đều có trình độ từ lớp 9 trở lên, một số đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng, đang tham gia công tác tại các xã, thôn, bản.
Là người cùng dân tộc, thông thạo tiếng địa phương, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình, các đại biểu người Hà Nhì trở thành những “cầu nối” mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, những đại biểu nữ như Chu Gì Xú, Cao Xe Mẩy, Sào Xá Gơ… là những điển hình.
Để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Hà Nhì nói riêng, huyện Bát Xát tập trung làm tốt công tác bầu cử, giới thiệu những quần chúng ưu tú nhất trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân tin tưởng gánh vác vai trò đại biểu của Nhân dân.
Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đặc thù của Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS. Đây cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, có 31 cán bộ người Hà Nhì trong các cơ quan quản lý Nhà nước (cấp tỉnh 7, cấp huyện 16, cấp xã 22). Trong đó, có 14 cán bộ nữ (cấp tỉnh 2, cấp huyện 7, cấp xã 5). Các cán bộ người Hà Nhì, trong đó có các đại biểu HĐND các cấp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đến với người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, hiện nay cả nước đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025), trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Từ thực tiễn đóng góp của các nữ đại biểu HĐND là người dân tộc Hà Nhì ở Lào Cai đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì khu vực Tây Bắc, cũng như trên cả nước trong việc giải phóng cho người phụ nữ Hà Nhì nói riêng, phụ nữ người dân tộc thiểu số nói chung khỏi những tập tục lạc hậu, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ông Đặng Văn Kỳ cũng cho rằng, cần xem xét tăng thêm cơ cấu, số lượng đại biểu nữ người dân tộc Hà Nhì nói riêng, đại biểu nữ người dân tộc thiểu số nói chung để phát huy tốt hơn tiếng nói, vai trò của họ trong cộng đồng và xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của các nữ đại biểu người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, cần nhiều hơn nữa những đại biểu dám nói, dám làm, dám đấu tranh vì quyền lợi của Nhân dân. Các đại biểu cũng cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình, nỗ lực học tập nâng cao trình độ, cống hiến cho cộng đồng.
Từ câu chuyện về những nữ đại biểu HĐND người Hà Nhì ở Lào Cai, nhìn rộng ra khu vực Tây Bắc và cả nước, vai trò của những nữ đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số ngày càng trở nên quan trọng trong việc tạo ra sự đổi thay cho cộng đồng và xã hội. Điều đó cũng cho thấy một vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng, Nhà nước và các địa phương cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm quan tâm hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò của những nữ cán bộ, đảng viên, đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số, để họ có thêm động lực tự khẳng định giá trị bản thân, cống hiến tài năng, trí tuệ, sức trẻ cho xã hội. Thực thiễn cũng cho thấy đồng bào Hà Nhì nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung ở Lào Cai, Tây Bắc vẫn còn không ít khó khăn, cần thêm những cơ chế, chính sách mới hỗ trợ xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh.
Tạm khép lại loạt bài này, câu chuyện về những nỗ lực cống hiến của những nữ đại biểu HĐND người dân tộc Hà Nhì ở mảnh đất biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Bát xát để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng. Điều đáng khâm phục nhất ở họ chính là ý chí, nghị lực vươn lên, dũng cảm vượt qua định kiến và trở thành những người “ truyền lửa”, người dẫn lối cho cộng đồng trên hành trình xua tan mây mù, xây dựng tương lai tươi sáng.
Nội dung: Tuấn Ngọc - Tô Dung
Trình bày: Khánh Ly