Những trào lưu nguy hiểm
Trong thời kỳ công nghệ số phát triển mạnh mẽ, với những tính năng vượt trội như tốc độ chia sẻ nhanh, lượng tương tác cao... các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... đang là một trong những công cụ quảng bá hữu hiệu đặc sản vùng miền.
Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, người dùng chỉ cần lựa chọn một mạng xã hội bất kỳ và gõ tìm kiếm đặc sản vùng miền nào đó, ngay lập tức, hàng trăm kết quả hiện ra các món ngon với những hình ảnh, video bắt mắt, không chỉ độc đáo về hương vị mà còn gây ấn tượng về mặt thị giác. Chính những hình ảnh đó đã giúp văn hóa ẩm thực Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những món ăn truyền thống, đặc sản của từng địa phương, nhiều món ăn, thức uống lạ, sau khi được các Tiktoker “review” trở thành đồ ăn, thức uống yêu thích của nhiều người. Nếu trước đây để tìm một quán ăn ngon phải tìm hiểu, nghe giới thiệu, thậm chí ăn thử một lần cho biết... nhưng bây giờ, chỉ cần mở mạng và xem “review” rồi đọc các bình luận là có thể lựa cho mình một món ẩm thực hoặc một quán ăn như ý.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số người đã lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng cái gọi là sáng tạo trong sự đa dạng phong phú ẩm thực để làm ra những nội dung nấu ăn quái dị rồi đăng tải trên mạng xã hội nhằm mục đích kích thích sự tò mò, đặc biệt là gây tò mò trong giới trẻ.
Ví như món trà sữa hành lá, ngay sau khi xuất hiện ở Việt Nam, loại thức uống với sự kết hợp “không giống ai” này đã thu hút được lượng lớn người quan tâm và tương tác. Trà sữa ngọt, thạch phô mai béo, kết hợp hành lá hăng nồng trở thành món ăn “hot” nhưng cũng là thức uống thử thách lòng can đảm của người uống.
Chưa dừng lại, có cửa hàng trà sữa còn sáng tạo thêm các phiên bản trà sữa “dị" khác như trà chanh giò heo, trà sữa mắm tôm, trà sữa ớt tắc, trà sữa mì tôm hải sản, trà sữa hột vịt lộn... Nhiều ý kiến bình luận rằng, chỉ nghe thôi đã thấy sợ, chưa nói đến việc thử một lần. Không kém phần kinh dị đó là món cà phê sữa trứng bắc thảo hay một phiên bản khác chẳng giống ai như bún bò kem tươi…
“Không uống được mọi người ạ. Trà sữa ngọt, thơm, béo kết hợp với mùi hành rất hôi… Bạn nào mà ăn được là mình chịu thật đó” – một tài khoản trên Tiktok bình luận về món trà sữa hành lá. Một tài khoản khác thì cho biết, đã “nổi da gà” khi được rủ thưởng thức món ăn bún bò kem tươi...
Sự sáng tạo trong ẩm thực là điều cần thiết nhưng việc kết hợp những gia vị, đồ ăn theo cách phản khoa học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trước tiên là trực tiếp những người tạo ra nó, sau đó là những người vì tính tò mò mà làm theo.
Nhìn nhận về vấn đề này, Tổng Thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, thực tế ẩm thực là sự sáng tạo không ngừng chứ không đóng khung vào một khối. Nếu mà đóng khung thì ẩm thực sẽ chết. Tuy nhiên, sáng tạo là một chuyện và được xã hội công nhận là một chuyện khác. Sáng tạo cũng phải có sự am hiểu nhất định để đảm bảo an toàn và chất lượng dinh dưỡng. Tôi không biết trong số những người sáng tạo ra những món ăn đó, có bao nhiêu người am hiểu về thực phẩm và dinh dưỡng?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và việc làm đầu bếp Việt Nam cho rằng, những món ăn dị lạ kết hợp những thứ không tưởng với nhau để phục vụ cho mục đích câu like thì đã xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, hệ lụy của nó như thế nào thì chưa ai đong đếm được. Tôi cũng khuyến cáo các bạn trẻ không nên làm thử, ăn thử nếu chưa thực sự hiểu món ăn đó có an toàn không. Nếu tạo nên những món ăn dị lạ đó mà được cổ súy thì thực sự vô cùng nguy hiểm. Mục đích của người “sáng tạo” chỉ nhằm mục đích gây sốc, “câu view” chứ không phải để lan tỏa những món ăn ngon, hấp dẫn.
Sáng tạo cần có nguyên tắc
Việc chạy theo trào lưu là khó tránh khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Thế nhưng, nếu chạy theo “trend” một cách tiêu cực, thì lợi bất cập hại. Chính vì vậy, mỗi người cần có sự tỉnh táo trước khi tiếp cận một "hot trend" nào đó. Đặc biệt, sự sáng tạo, biến tấu trong ẩm thực phải dựa trên sự hiểu biết về văn hóa ẩm thực và trách nhiệm với cộng đồng.
Theo đại diện Hiệp hội Dạy nghề và việc làm đầu bếp Việt Nam, việc sáng tạo luôn phải dựa trên nền tảng đó là sức khỏe, dinh dưỡng. Về mặt bản chất, hiện tượng ăn uống dị lạ là một xu hướng phát triển ẩm thực đương đại sắp tới của thế giới. Đó là cuộc chơi của những người sản xuất gia vị, những người đầu bếp hàng đầu để tạo lên sự khác biệt về hương vị trong một món ăn. Tuy nhiên khi những chuyên gia sáng tạo ra món ăn đó với mục đích để bán sản phẩm hoặc khẳng định tài năng, người ta cân đo đong đếm kỹ càng, không cẩu thả như những người đang ăn theo, làm cho vui trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua.
“Sự “sáng tạo” một cách cẩu thả và thiếu trách nhiệm với cộng đồng không chỉ để lại những hệ quả tiêu cực mà còn ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống ẩm thực của người Việt”- ông Quân nhấn mạnh.