LCĐT - Không ít ứng viên cảm thấy băn khoăn và lo lắng khi đối diện với lần đầu đi phỏng vấn xin việc, thế là gặp phải tình huống không mong muốn cũng như là kết quả không như mong đợi. Để có phần phỏng vấn suôn sẻ và nâng cao cơ hội tìm được việc làm, có 9 điều bạn cần lưu ý như sau.
Tìm hiểu kỹ thông tin về công ty và vị trí ứng tuyển
Đây là một trong những điều quan trọng bạn phải lưu ý trong lần đầu tiên đi phỏng vấn tìm việc làm ở TPHCM, Đà Nẵng hay Hà Nội… bởi bạn cần nắm rõ những thông tin tối thiểu về công việc – công ty ứng tuyển để dễ dàng chuẩn bị câu trả lời, câu hỏi cho buổi gặp mặt đầu tiên. Chẳng hạn như trong quá trình phỏng vấn, bạn sẽ được hỏi những câu như “Bạn đã tìm hiểu về công ty chúng tôi chưa?”, “Bạn biết gì về công ty?”, hay “Lý do bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?”. Nếu bạn đã có sự chuẩn bị trước đó thì việc trả lời những câu hỏi phỏng vấn này chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay và không thể làm khó bạn.
Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết
Thông thường, nhà tuyển dụng thường sẽ yêu cầu ứng viên chuẩn bị bản cứng của CV/Resume, hay các chứng chỉ liên quan khi thông báo lịch phỏng vấn cụ thể. Với những bạn mới lần đầu đi phỏng vấn xin việc thì cần phải chú ý điểm này để tránh những sai sót không đáng có, không nên đến lúc đi phỏng vấn mới bắt đầu in những tài liệu này. Trong trường hợp nhà tuyển dụng không yêu cầu thì bạn vẫn nên chủ động chuẩn bị chúng để phòng khi được hỏi đến.
Luyện tập trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn
Bạn có thể luyện tập trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn trước gương hoặc lựa chọn một người có kinh nghiệm, chuyên môn để vào vai nhà tuyển dụng “tập kịch” với bạn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, tự tin hơn trong lần đầu tiên đi phỏng vấn vì bạn đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trong một số trường hợp. Bạn có thể hỏi đối phương sau khi tập luyện xem câu trả lời đưa ra có hợp lý hay không, có đầy đủ ý chưa để bạn điều chỉnh cho phù hợp.
Lựa chọn trang phục phỏng vấn chuyên nghiệp
Ấn tượng ngoại hình là điều mà bạn không thể không quan tâm, nhất là vào buổi phỏng vấn đầu tiên. Vấn đề trang phục chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ấn tượng của nhà tuyển dụng, và liên quan đến quyết định lựa chọn ứng viên của họ. Do vậy, bạn nên cân nhắc phong cách ăn mặc lịch sự, chẳng hạn như vest; áo sơ mi; quần tây hoặc chân váy chữ A,... kết hợp với một đôi giày tây, giày sandal lịch thiệp. Đây là những trang phục thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như sự tôn trọng dành cho người phỏng vấn. Bên cạnh đó, kiểu tóc gọn gàng cũng là điểm cộng vì nó sẽ thể hiện tính cách con người cũng như thành ý của bạn.
Luôn luôn đúng giờ trong buổi phỏng vấn đầu tiên
Đây được coi là phép lịch sự và tôn trọng tối thiểu ứng viên dành cho nhà tuyển dụng và cho công việc tương lai của mình. Thực tế thì bạn không nên đến sát giờ phỏng vấn mà hãy tính toán thời gian để đến sớm hơn tầm 10 phút. Điều này giúp bạn tránh được việc bạn bị muộn giờ nếu chẳng may gặp sự cố hỏng xe, tắc đường,... Bên cạnh đó, khi đến sớm thì bạn cũng có thêm thời gian chỉnh trang lại bản thân hoặc tìm hiểu thông tin của cuộc phỏng vấn. Không thể phủ nhận rằng đối với nhiều nhà tuyển dụng khó tính thì việc đi muộn sẽ đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội tham gia phỏng vấn, thế nên đừng bỏ qua điểm này nhé.
Hạn chế tác phong lúng túng
Ứng viên cảm thấy lúng túng và lo lắng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên bạn cũng nên hạn chế biểu hiện ra ngoài bằng những cử chỉ, hành động. Bởi điều này sẽ lọt ngay vào mắt những nhà tuyển dụng tinh tế và dĩ nhiên họ sẽ nhận ra sự thiếu tự tin của bạn ngay lập tức. Nó sẽ không tạo được thiện cảm cho người phỏng vấn và khiến bạn khó đi vào vòng trong.
Thực hiện giải pháp trì hoãn khi có thể
Dù bạn đã tập luyện khá nhuần nhuyễn cho buổi phỏng vấn nhưng với lần đầu tiên phỏng vấn chưa có kinh nghiệm thì bạn hoàn toàn có thể đối mặt với những câu hỏi khó. Trong trường hợp bạn bị “chiếu tướng”, chưa nghĩ ra câu trả lời cho phù hợp thì hãy bình tĩnh bằng cách thở sâu và trì hoãn bằng cách mỉm cười, đồng thời xin phép nhà tuyển dụng một chút thời gian để suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời.
Biết cách đưa ra câu hỏi
Cuối mỗi buổi phỏng vấn thường có phần đặt câu hỏi dành cho ứng viên và nhiều bạn đã bỏ qua phần này và ngay lập tức trả lời “Em không có câu hỏi gì”. Trên thực tế, việc không có câu hỏi thể hiện bạn chưa thực sự tìm hiểu kĩ về vị trí ứng tuyển hoặc công ty nên không có thắc mắc nào. Song, cũng không thể miễn cưỡng đặt ra những câu hỏi theo kiểu thiếu giá trị, không có chút chiều sâu nào.
Đừng quên lời cảm ơn sau khi phỏng vấn
Các ứng viên lần đầu đi phỏng vấn xinviệcđừng quên gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn. Bạn có thể viết email gửi đến họ như cách thể hiện sự biết ơn và trân trọng cơ hội phỏng vấn trực tiếp lần này. Điều này sẽ nhắc nhớ người phỏng vấn về bạn cũng như tạo được ấn tượng đẹp.