
Theo đó, có 15 cơ sở giáo dục trong Quân đội có đủ điều kiện và được giao nhiệm vụ đào tạo hệ dân sự từ năm 2025. Trước đó, việc tuyển sinh hệ dân sự vào khối trường quân sự đã dừng từ năm 2019.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ đào tạo hệ dân sự từ năm 2025 gồm: Học viện Chính trị, Học viện Hậu cần, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự (Tổng cục II), Trường Sĩ quan thông tin (Binh chủng Thông tin liên lạc), Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Tổng cục Chính trị), Trường Cao đẳng Hậu cần 1, Trường Cao đẳng Hậu cần 2 (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật), Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), Viện Y học cổ truyền Quân đội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng Tham mưu), Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược lâm sàng 108 (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật), Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Tổng Tham mưu).
Các cơ sở có đầy đủ điều kiện và có tiềm năng, thế mạnh trong đào tạo hệ dân sự đối với các ngành lưỡng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo đúng tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Thường vụ Quân ủy Trung ương giao Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan chuẩn bị các điều kiện để đào tạo như: Mở ngành đào tạo, đăng ký giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất... Hằng năm, giao chỉ tiêu, ngành đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá và thực hiện các nội dung liên quan đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Theo thông tin từ Học viện Kỹ thuật quân sự, năm 2025, Học viện được giao đào tạo 755 chỉ tiêu hệ dân sự sau 6 năm tạm dừng đào tạo hệ này. Trong đó, có 25 chỉ tiêu đào tạo Tiến sĩ, 130 chỉ tiêu đào tạo Thạc sĩ, 600 chỉ tiêu đào tạo đại học.
600 chỉ tiêu đào tạo đại học hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự năm nay gồm 8 ngành: Công nghệ thông tin 60 chỉ tiêu; khoa học máy tính 60 chỉ tiêu; an toàn thông tin 60 chỉ tiêu; kỹ thuật điện tử - viễn thông 160 chỉ tiêu; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 80 chỉ tiêu; kỹ thuật cơ điện tử 60 chỉ tiêu; kỹ thuật cơ khí 60 chỉ tiêu; kỹ thuật xây dựng 60 chỉ tiêu. Tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Học phí đại học hệ dân sự sẽ thu theo mức thu do Chính phủ quy định.
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Học viện Kỹ thuật quân sự là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cũng thông báo việc được mở lại đào tạo hệ dân sự các trình độ đào tạo từ trung cấp đến Thạc sĩ. Trong đó hệ Thạc sỹ có ngành Quản lý văn hóa; bậc đại học có ngành Nghệ thuật trình diễn (ca, múa nhạc), Quản lý văn hóa, Báo chí; trình độ trung cấp có ngành Nghệ thuật trình diễn (ca, múa, nhạc).
Học viện Hậu cần cũng công bố quyết định được Bộ Quốc phòng giao tuyển 460 chỉ tiêu hệ dân sự. Trong đó, bậc Tiến sĩ tuyển 10 chỉ tiêu, bậc Thạc sĩ tuyển 50 chỉ tiêu, cùng ngành Tài chính - Ngân hàng. Bậc đại học tuyển ba ngành, gồm 100 chỉ tiêu ngành Tài chính Ngân hàng, 200 chỉ tiêu ngành Kế toán và 100 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật xây dựng.