LCĐT - Hơn chục năm thực hiện kế hoạch dời khu hành chính của tỉnh về phía Nam để mở rộng trung tâm tỉnh lỵ, hôm nay thành phố Lào Cai đã mang dáng nét mới to đẹp, hiện đại hơn.
Đi trên Đại lộ Trần Hưng Đạo, nhiều người từng ở Lào Cai hoặc mới đến lần đầu trầm trồ ngợi khen ý tưởng “dời đô” đón cơ hội vàng của thành phố trẻ biên cương nơi cửa ngõ phía Tây Bắc của đất nước. Còn nhớ ngày xưa, vùng đất này hoang vu, hẻo lánh mang tên xã Nam Cường, bao gồm cả phường Nam Cường và phường Bắc Cường hiện nay.
Khu vực Quảng trường lớn của tỉnh hiện nay nằm trên địa bàn phường Nam Cường. Ảnh: Ngọc Bằng |
Ngược dòng lịch sử, trước khi thành lập tỉnh Lao Kay vào năm 1907, đất Nam Cường còn nằm trong đất xã Cam Đường và là vùng bãi ven hữu ngạn sông Hồng, kéo dài từ nam cửa ngòi Đum xuống tận cửa ngòi Đường, thuộc châu Bảo Thắng. Xã Nam Cường có các thôn: An Lạc, Tân Lập của đồng bào miền xuôi lên cuối thế kỷ XIX; các bản: Xuân Ba, Lùng Thàng, Cửa Cải của đồng bào Dao Tuyển; các làng: Tùng Tung, Pắc Tà, Vĩ Kim, Châu Úy, Đồng Hồ của đồng bào Giáy…
Thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, sau khi Nhật rút chạy khỏi mỏ apatit, bến quặng Làng Giàng bị đánh sập và mỏ apatit Cam Đường bị đóng cửa, một số phu mỏ đã ở lại khai phá, định cư, góp phần lập làng Soi Lần, Cửa Ngòi, Làng Nhớn...
Sau ngày Lào Cai giải phóng, tháng 11/1950, xã Cam Đường của huyện Bảo Thắng được chia ra thành 4 xã: Cam Đường, Hợp Thành, Tả Phời, Nam Cường. Vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, miền đất trù phú thuộc xã Nam Cường có thêm các làng mới của đồng bào khai hoang miền xuôi lên như Đông Hà, Tùng Tung.
Khi mỏ apatit Cam Đường được khôi phục lại, nhất là những năm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, khu đất bãi bằng phía sau làng Tùng Tung giáp với Đông Hà và Mỏ Sinh được quy hoạch, xây dựng Trại chăn nuôi lợn thuộc Ty Thương nghiệp Lào Cai - một mô hình chăn nuôi công nghiệp thời đó, cung cấp thực phẩm cho công nhân mỏ và thị xã Lào Cai. Năm 1977 - 1979, dự án xây dựng Nhà máy Tuyển quặng apatit Bãi Bằng lớn nhất Đông Nam Á do Liên Xô viện trợ không hoàn lại được triển khai thì trại chăn nuôi được giải thể và chuyển giao đất cho mỏ xây dựng nhà máy. Sau chiến sự tháng 2/1979, Trung ương quyết định di dời nhà máy này về xây dựng ở Tằng Loỏng.
Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường hiện nay chính là toàn bộ diện tích xã Nam Cường (bao gồm phường Bắc Cường và phường Nam Cường) cùng một phần của xã Cam Đường và thôn Mỏ Sinh thuộc tiểu khu Bắc Lệnh nằm trong phần địa giới hành chính của thị xã Cam Đường ngày xưa.
Vùng đất này có phường mới Bình Minh vốn là một phần từ đất xã Cam Đường chia ra và đã từng nổi danh từ thời Lào Cai chưa sáp nhập với Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trụ sở Tỉnh ủy Lào Cai. |
Cam Đường là vùng quê cách mạng của tỉnh Lao Kay với địa danh Soi Lần - Cửa Ngòi, nơi đón đưa cán bộ cách mạng từ vùng tự do Lục Yên châu (tỉnh Yên Bái) lên hoạt động cách mạng ở vùng địch hậu Lào Cai những ngày gian khó nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Làng Soi Lần cũng chính là nơi ra đời Chi bộ xã Cam Đường, chi bộ nông thôn đầu tiên của tỉnh Lào Cai tháng 10/1948. Đây là cái nôi cách mạng, các bến sông là điểm đưa đón cán bộ, trong đó có đồng chí Tô Vũ, Bí thư chi bộ nông thôn đầu tiên của tỉnh Lào Cai về hoạt động, gây dựng phong trào. Nhiều cụ cao niên của làng Soi Lần vẫn kể cho con cháu nghe về câu gọi đò: Ơi cầu Xum! Chắc là có cán bộ vượt sông Hồng về hoạt động thời gian khó nhất.
Nơi đây cũng từng in dấu chân Bác Hồ khi Người cùng phái đoàn của Trung ương Đảng và Chính phủ đi tàu hỏa từ Hà Nội lên ga Làng Giàng và tiếp đó theo xe goòng qua đất Cửa Ngòi, làng Chiềng... để vào thăm cán bộ, công nhân, người dân địa phương ở khu mỏ apatit Cam Đường ngày 23/9/1958.
Vùng đất xã Nam Cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ luôn được Báo Lao Cai đổi mới và Đài Truyền thanh tỉnh Lao Cai thường xuyên cử phóng viên tới viết bài, chụp ảnh biểu dương vì đây là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh trong những năm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường miền Nam cùng tỉnh Thủ Dầu Một anh em kết nghĩa đánh giặc.
Những cánh đồng lúa rộng 20 - 30 ha của Nam Cường như Tùng Tung, Lùng Thàng, Đồng Hồ, Cốc Sa, Vĩ Kim, An Lạc... là những vựa thóc nuôi bà con xã viên và chi viện cho chiến trường nay đã dành đất cho Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường và khai trường khai thác mỏ apatit.
Nông dân phường Bình Minh trồng hoa hàng hóa. |
Cũng ngày ấy, làng An Lạc, Pắc Tà, Tân Lập (nay thuộc phường Bắc Cường), nơi có kinh nghiệm trồng rau xanh vụ đông trên đất lúa mùa cung cấp cho thị xã Lào Cai và các làng Đông Hà, Lùng Thàng, Tùng Tung, Cốc Sa (nay thuộc phường Nam Cường) biết ngăn khe suối nuôi cá trắm cỏ hoặc trồng rau lang, nấu rượu sắn lấy bỗng nuôi lợn lai kinh tế để bán cho công nhân mỏ cải thiện bữa ăn cuối tuần.
Những năm đánh Mỹ, vùng đất Nam Cường là nơi sơ tán của Ban Chỉ huy Công an vũ trang nhân dân tỉnh Lao Cai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lao Cai, Trường Y tỉnh Lao Cai, một số kho tàng của ngành thương nghiệp tỉnh... Xã Nam Cường trong xây dựng hậu phương lớn những năm chống Mỹ, cứu nước cũng thể hiện rõ tình đoàn kết Bắc Nam một nhà, hàng chục con em các dân tộc của xã là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn của tỉnh Lao Cai vào chiến trường miền Nam đánh giặc.
Trung tâm khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường hiện nay nằm trên đất các địa danh xưa: Tùng Tung, Bãi Bằng, Mỏ Sinh, Đông Hà, Cốc Sa, Châu Úy... Xin nói thêm, khu đất Mỏ Sinh ngày xưa là nơi thành lập và cũng là khu sơ tán máy bay Mỹ của Trường cấp 2 - 3 thị xã Cam Đường. Ngôi trường này, nhà giáo Trần Đình Huỳnh làm hiệu trưởng đầu tiên. Ông là một trong những nhà giáo giỏi của tỉnh Lào Cai thời đó và đã từng làm thư ký riêng cho ông Hoàng Trường Minh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Nhà giáo Trần Đình Huỳnh (sau này là Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, thuộc Viện Mác - Lê Nin) cùng với các đồng nghiệp khác của Trường cấp 2 - 3 thị xã Cam Đường đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ có trình độ văn hóa cho con em công nhân vùng mỏ apatit và con em thị xã Cam Đường.
Nhà văn Ma Văn Kháng khi còn là phóng viên Báo Lao Cai đổi mới đã từng nằm vùng ở làng Tùng Tung (xã Nam Cường) để vận động nông dân sản xuất nông nghiệp và ông quyết định đặt bút danh họ Ma sau chuyến đi này...
Cán bộ, nhân dân phường Nam Cường - Bắc Cường (thành phố Lào Cai) hôm nay tự hào về sự đóng góp của mình, thiết thực xây dựng khu đô thị mới Lào Cai - Cam đường ngày thêm to đẹp và họ mong sao lịch sử về vùng đất này không bị lãng quên...