Có niềm vui nào lớn lao hơn ngày toàn thắng, non sông liền một dải? Khát vọng Bắc - Nam sum họp một nhà kéo dài đằng đẵng suốt 21 năm mà toàn thể dân tộc Việt Nam phải đánh đổi bằng biết bao xương máu mới có được. Kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 với âm mưu chia cắt hai miền Nam - Bắc, cũng là chừng ấy năm dòng máu của miền Bắc vẫn âm thầm chảy vì miền Nam ruột thịt. Vì một lẽ tất nhiên, như Bác Hồ từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là cuộc chiến giữa một bên với sức mạnh quân sự hiện đại bậc nhất thế giới với một bên là ý chí quật cường, là khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, là truyền thống yêu nước nồng nàn được hun đúc trong mấy nghìn năm lịch sử. Dù biết rằng cuộc chiến không cân sức nhưng với niềm tin chính nghĩa sẽ thắng bạo tàn, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thực tiễn khốc liệt của cuộc chiến đã làm ngời sáng hơn tinh thần Việt Nam: Đoàn kết, anh dũng. Như lãnh tụ Cuba Fidel Castro khi đến thăm thị trấn Đông Hà thuộc vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9/1973 từng thốt lên: “Tập đoàn cứ điểm này bị đánh trong một thời gian có mấy ngày. Làm được như vậy trong hoàn cảnh phải chịu đựng những cuộc ném bom và sự khống chế trên không của lực lượng không quân Mỹ, thật là một chiến công khó có thể tưởng tượng được” (trích sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Thời gian kháng chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài 21 năm, gấp hơn 2,3 lần thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, thế nhưng đã có hơn 849.000 người con của dân tộc ngã xuống, gấp hơn 4 lần số liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Điều đó đã nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến và nỗi đau ghê gớm, không gì bù đắp nổi của dân tộc Việt Nam! Nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng đến người con cuối cùng cho Tổ quốc, đó là những mất mát rất cụ thể. Có những nỗi đau, sự mất mát không gì sánh được là sự hi sinh, là nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con; là thanh xuân, là sự nghiệp của biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi phơi phới ước mơ, hoài bão học tập, cống hiến cho đất nước. Vậy mà, họ phải gác lại tất cả cho hai chữ tự do, độc lập, vì dải đất hình chữ S thân thương nối liền.
Sinh thời, Bác Hồ vẫn ước mong được một lần vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt. Vậy mà cái ước mong tưởng chừng giản dị đó vẫn chưa thể thực hiện được cho đến ngày Bác đi xa!
Cuộc chiến đã cướp đi mọi thứ, sự bạo tàn và thâm độc của kẻ thù xâm lược đã kéo chậm lại, đánh cắp sự phát triển của cả dân tộc, đất nước ta trong một thời gian dài.
Cả nước ra trận cho ngày toàn thắng. Cái giá của độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ quá lớn mà mãi mãi sau này mỗi người dân Việt Nam đều không được phép lãng quên!
Thời gian đã lùi xa nhưng âm hưởng của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vang vọng mãi trong hành trình đi tới tương lai của dân tộc và sẽ còn được những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhắc tới về tinh thần chiến đấu quả cảm, vì lương tri và giải phóng con người.
Chiến dịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra một thời kỳ mới, độc lập dân tộc trên toàn cõi Việt Nam, thỏa nỗi day dứt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Bác đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các nhà yêu nước khác của đất nước cũng như thế giới.
Sau này, trong cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông từng đánh giá: “Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, thì 55 ngày đêm Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, “thần tốc”, nhanh đến không ngờ! Dù ngắn hay dài, thời gian vẫn là lực lượng”.
“Đánh chắc tiến chắc” hay “thần tốc” là nghệ thuật quân sự, là bản lĩnh, trí tuệ và đặc sắc Việt Nam.