“Thần dược” quý ẩn mình giữa đại ngàn
Chiều cuối tuần, từng đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành phố đổ về trung tâm xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát để chuẩn bị chinh phục đỉnh Ky Quan San vào sáng sớm hôm sau. Trước khi chinh phục đỉnh núi cao thứ tư Việt Nam, anh Nguyễn Quốc Phong ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định rất hào hứng nhưng cũng xen chút lo lắng, vì thế anh đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết như giày leo núi, gậy, đèn pin, mũ, áo đi mưa, lương khô, nước uống và một số loại thuốc…
Đồng hành với anh Nguyễn Quốc Phong lần này là porter (người khuân vác) Sùng A Nụ ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Được biết, anh Nụ là porter kỳ cựu ở vùng đất này, việc leo núi Ky Quan San với anh như cuộc dạo chơi và được thực hiện như “cơm bữa”. Đặc biệt, chàng trai người dân tộc Mông này nắm trong lòng bàn tay nơi tập trung những cây thuốc quý mọc trong rừng mà người dân thường dùng để điều trị các chấn thương, đau bụng, đau đầu, sốt, cảm…
Vốn là dân bàn giấy, nên sau một buổi sáng lội suối, băng rừng, anh Nguyễn Quốc Phong cảm thấy khá mệt mỏi, chân tay đau nhức. Khi gần đến điểm dừng chân nghỉ ăn trưa, trời bỗng nhiên đổ mưa, những vạt nước lạnh buốt hắt vào mặt, cùng với cung đường trơn trượt khiến việc chinh phục đỉnh Ky Quan San của anh Phong trở nên vất vả hơn rất nhiều. Vừa ăn xong bát cơm, anh Phong thấy cơ thể mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, mặt nóng bừng, bụng sôi sục và lẩm nhẩm đau.
Theo thói quen và kinh nghiệm, anh Nụ nhanh chóng đi tìm những cây thuốc dân gian, trong đó có cây Hoàng Liên gai, rồi đập dập hòa nước cho anh Phong uống. Như một phép màu, sau khoảng nửa giờ, anh Phong tỉnh táo, không còn triệu chứng khó chịu như trước đó nên tự tin tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San.
Anh Nụ chia sẻ: May là đi đến khu vực cây hoàng mộc mọc nhiều nên tìm kiếm rất dễ. Cây hoàng mộc chính là Hoàng Liên gai, được người dân sử dụng mỗi khi bị đau nhức cơ thể, đau bụng, viêm, sưng tấy, giúp làm lành vết thương nhanh chóng...
Hoàng Liên gai có các tên gọi khác là hoàng mù, hoàng mộc, hoàng liên ba gai. Đây là loài cây bụi, thường xanh, cao khoảng 1 - 3 m, phân cành nhiều, có gai chia ba mũi dài 1 - 4 cm, mỗi nhánh gai có thể tiếp tục phân chia thành các gai nhỏ hơn, vỏ có các khía dọc, gỗ thân và rễ có màu vàng tươi. Hoàng Liên gai là nguồn gen quý không chỉ của Việt Nam mà còn cả nhân loại.
Bảo tồn, phát triển nguồn gen quý của thế giới
Ở Việt Nam, Hoàng Liên gai là các loài cây quý hiếm, thuộc nhóm IA theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và là loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do có giá trị nhiều mặt về y học nên loại cây này đang bị khai thác rất nhiều trong tự nhiên và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trước thực tế đó, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không thu hái, tận diệt các loài dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, cuối năm 2019, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phối hợp với Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp điều tra, khảo sát sự phân bố của cây hoàng liên gai tại xã Trung Lèng Hồ và Sàng Ma Sáo.
Qua các sinh cảnh, trạng thái rừng, điều kiện địa hình khác nhau cho thấy cây Hoàng Liên gai được ghi nhận phân bố tập trung ở khu vực có độ cao từ 2.493 m - 2.981 m so với mực nước biển; hướng xuất hiện nhiều nhất là Đông Nam. Từ đặc tính sinh thái và kết quả điều tra, khảo sát về sự phân bố, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã đưa ra kế hoạch hành động để bảo tồn và phát triển cây Hoàng Liên gai.
Ông Ngô Kiên Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Hiện nay, trong tự nhiên, số lượng cây Hoàng Liên gai lá dài còn lại không nhiều, phân bố rải rác, vì vậy để bảo tồn và phát triển loại cây này, chúng tôi đã phối hợp với Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp trồng khảo nghiệm 2 ha tại tiểu khu 62 thuộc xã Dền Sáng, huyện Bát Xát.
Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây Hoàng Liên gai sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau 4 năm trồng, cây đã cao khoảng 1 m. Hiện, cây Hoàng Liên gai được chăm sóc, bảo vệ, hằng năm tiếp tục được đánh giá sự sinh trưởng và mức độ phù hợp tại khu vực trồng khảo nghiệm.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, bàn giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch… cho người dân các xã vùng đệm để tạo sinh kế, tăng thu nhập" - ông Trung cho biết thêm.
Cùng đồng nghiệp trong Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát hằng ngày chăm sóc diện tích cây Hoàng Liên gai, ông Trung luôn cảm thấy tự hào khi đã đóng góp một phần công sức trong việc bảo tồn và phát triển loài gen quý của Việt Nam. Diện tích cây Hoàng Liên lá dài ngày càng sinh trưởng, phát triển tốt mở ra cơ hội lớn cho người dân địa phương trồng đại trà, có thêm nguồn thu, cải thiện cuộc sống.
Ông Ngô Kiên Trung cho biết thêm: Hiện, chúng tôi đã liên hệ với một số đơn vị sản xuất dược liệu để phối hợp mở rộng diện tích, chế biến sâu các sản phẩm từ cây Hoàng Liên gai. Tuy nhiên, để có nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho các đơn vị sản xuất dược liệu, rất cần sự chung tay của người dân địa phương. Giải pháp trước mắt là tăng cường bảo tồn, chuyển chỗ cho loài cây Hoàng Liên gai; thu hái và nhân giống cây con từ hạt; khuyến khích người dân địa phương trồng Hoàng Liên gai ở các khu đất nông nghiệp, dưới tán rừng trồng...
Sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng cây Hoàng Liên gai vẫn vươn mình mạnh mẽ, quanh năm tươi tốt giữa đại ngàn Bát Xát. Việc bảo vệ và phát triển cây Hoàng Liên gai chính là bảo tồn một nguồn gen quý, bảo vệ báu vật của Việt Nam.