So với trận lượt đi ngày 21/3 tại sân Gelora Bung Karno, danh sách tuyển Indonesia có nhiều thay đổi. Theo đó, thủ môn Nadeo Argawinata, hậu vệ phải Sandy Walsh và tiền vệ Marc Klok bị gạch tên vì vấn đề chấn thương và thẻ phạt.
Nhưng đáng lo ngại hơn cả với tuyển Indonesia là tình hình sức khỏe không tốt của nhiều cầu thủ. Chủ tịch LĐBĐ Indonesia Erick Thohir xác nhận 5 cầu thủ Indonesia bị ốm và chưa chắc ra sân trong trận tái đấu với tuyển Việt Nam.
Trong khi đó, HLV Shin Tae Yong lo ngại: "Tình trạng của các cầu thủ không tốt lắm. Có một vài người khá nghiêm trọng. Tôi không hiểu các cầu thủ nhiễm loại virus gì".
Ngoài những tin không vui từ vấn đề lực lượng, báo chí Indonesia cũng chỉ ra vấn đề về khâu dứt điểm của đội bóng xứ vạn đảo. Ở trận lượt đi, các cầu thủ Indonesia có 7 cú sút trúng đích và chỉ 1 trong số đó thành bàn thắng, nhưng cũng lại đến từ sai lầm của hậu vệ tuyển Việt Nam.
Tới làm khách trên sân Mỹ Đình, Indonesia khả năng chơi phòng ngự phản công nhằm kiếm 1 điểm. Nhưng nếu đoàn quân của HLV Shin Tae Yong bị thủng lưới trước, họ buộc phải thay đổi chiến thuật để tìm bàn gỡ.
Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, tuyển Indonesia chưa một lần tận hưởng niềm vui khi thi đấu tại Mỹ Đình. Lần gần nhất Indonesia thắng tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình là ở AFF Cup 2004 (thắng 3-0).
Trong khi tuyển Indonesia có những bất lợi lớn thì đây là 90 phút tuyển Việt Nam buộc phải đá với tinh thần cao nhất vì đang ở thế chân tường. Ngoài việc tìm kiếm một chiến thắng giải toả sức ép, đoàn quân của HLV Troussier còn có mục tiêu đòi lại ngôi nhì bảng F, đồng nghĩa với cơ hội đi tiếp vào loại thứ 3 World Cup 2026 được mở ra.
Có những lợi thế nhất định, vấn đề còn lại chỉ là màn thể hiện của tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình tối 26/3. Với cá nhân HLV Troussier, ông thầy người Pháp vẫn còn cơ hội gỡ gạc niềm tin nếu giúp tuyển Việt Nam đòi nợ Indonesia sau 2 trận thua liên tiếp vừa qua.