Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Văn Cài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng 44 gia đình tiêu biểu của tỉnh.
5 năm qua (2018 – 2023), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 3.000 lượt học viên là thành viên ban chỉ đạo cấp huyện, xã và các trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác triển khai, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Việc đăng ký, thẩm định, bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được thực hiện đúng theo các quy định tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP.
Năm 2018, toàn tỉnh có 81,3% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến năm 2022, con số này đã tăng lên 85%.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của các địa phương trong tỉnh. Nhiều giá trị đạo đức, nền nếp, các quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình ngày càng thấm sâu vào đời sống, góp phần tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.
Nhiều gia đình đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề phụ, tìm hướng thoát nghèo bền vững, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Toàn tỉnh hiện có trên 600 mô hình trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp. Năm 2022, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tạo việc làm cho trên 41.000 lao động, giúp trên 8.000 hộ nông dân về khoa học kỹ thuật, giống, vốn để sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có 86% số hộ đạt gia đình văn hóa trở lên; 100% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã; 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Nhân dịp này, 44 gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", giai đoạn 2013 - 2022 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.