Sau 5 năm kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao và hàng nghìn cuộc mít tinh, trả lời phỏng vấn báo chí, cách đây hơn 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là mốc son chói lọi về thắng lợi của Đảng, Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Hiệp định Paris đã đặt nền móng cho đại thắng mùa xuân năm 1975 để “giang sơn gấm vóc” về một mối. Chặng đường đi đến chiến thắng 30/4/1975 có phần đóng góp không nhỏ, sự hy sinh sức người, xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh là con em các dân tộc Lào Cai.
Một ngày trung tuần tháng 4/2023, bên trong ngôi nhà 3 tầng khang trang của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thường, 71 tuổi, dân tộc Tày ở tổ 8, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) rôm rả tiếng chuyện trò của những cựu chiến binh từng trải một “thời hoa lửa” hào hùng. Quây quần bên bàn trà là 5 cựu chiến binh đều đã ở tuổi thất thập, hôm nay họ tụ họp về đây để bàn, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2023). Điểm giữa những nếp nhăn kia là vẻ tươi vui, rạng ngời của cuộc hội ngộ và sau những vồn vã thăm hỏi, câu chuyện là cầu nối để các cựu chiến binh trở về năm tháng của hơn nửa thế kỷ trước.
Ngày 17/5/1971, ở tuổi 19, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thường đăng ký lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Sau 5 tháng huấn luyện tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), thanh niên Nguyễn Văn Thường được biên chế vào Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) trước khi trở về chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị vào tháng 3/1972. Đây là thời điểm mà theo ông Thường giao tranh diễn ra khốc liệt nhất, hy sinh lớn nhất. Ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết, lệnh ngừng bắn có hiệu lực, ông Thường cùng đơn vị rút ra huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
“Cứ nghĩ Hiệp định Paris sẽ mang lại hòa bình cho đất nước mà không cần tới súng đạn, nhưng đế quốc tiếp tục can thiệp, phá hoại và chúng tôi lại lên đường”, ông Thường nói.
Năm 1974, thanh niên Nguyễn Văn Thường tiếp tục hành quân theo Đường 9 Nam Lào để tới Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, chờ lệnh vượt Sông Bé để tổ chức vây ép, phá tan Tiểu khu Phú Lợi, Sư đoàn 5 của ngụy quân Sài Gòn vào trung tuần tháng 4/1975. Sau giải phóng, ông ở lại Sài Gòn đến năm 1976 thì trở về địa phương công tác tại Mỏ Apatit đến khi nghỉ hưu.
Khi chúng tôi đến, người bạn thân của ông Thường trong suốt hơn 50 năm qua cũng có mặt, đó là ông Nguyễn Quang Huấn, sinh năm 1952, trú tại tổ 28, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai). Ông Huấn không chỉ cùng tuổi, cùng ngày nhập ngũ với ông Thường, mà còn cùng đơn vị, cùng vào sinh ra tử góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trở về quê hương Lào Cai sau ngày giải phóng, ông Huấn công tác tại Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh tới năm 2010 thì nghỉ chế độ hưu trí.
Buổi gặp mặt còn có ông Lê Minh Đức, sinh năm 1947 ở tổ 8, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai). Tháng 4/1970, khi đang là giáo viên, ông Đức tình nguyện lên đường tòng quân, chiến đấu tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Tại đây, ông bị thương bởi đạn pháo (sau này xác định mức thương tật 2/4) nhưng vẫn tình nguyện xin được ở lại chiến đấu.
“Đầu năm 1973, nghe tin Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi mừng lắm, nhưng rồi đất nước chưa sạch bóng thù, muốn thống nhất giang sơn chỉ có con đường chiến đấu nên chúng tôi lại hối hả Nam tiến”, ông Đức kể.
Từ miền Trung nước bạn Lào, ông Đức cùng đơn vị là Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, Quân đoàn III hành quân tiến đánh Tây Nguyên, tiếp đó là chiến đấu tại mặt trận Xuân Lộc, ngoại thành Sài Gòn vào trung tuần tháng 4/1975. Năm 1977, ông rời quân ngũ, về Lào Cai tiếp tục dạy học đến năm 2007 thì nghỉ hưu ở tuổi 60 với 35 năm đứng trên bục giảng, 7 năm tham gia chiến trường…
Để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, hàng nghìn, hàng vạn người con các dân tộc Lào Cai đã xung phong vào Nam chiến đấu. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh (ấn hành năm 2010), từ năm 1965 đến năm 1968, tỉnh Lào Cai có 3.402 thanh niên xung trận trên các chiến trường từ miền Trung Nam Bộ, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ và chiến trường nước bạn. Điển hình là ngày 30/7/1967, Lào Cai thành lập Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I với 2 đại đội, thành phần là cán bộ, viên chức, công nhân đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước như Bưu điện tỉnh, Mỏ Apatit, Ty Lương thực, Ty Lâm nghiệp, Ty Thương nghiệp, Đoàn địa chất… để bổ sung quân số cho các đơn vị pháo binh, chiến đấu tại Trường Sơn, dọc tuyến đường 9 Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu và nước bạn Lào. Tiếp đó, ngày 12/2/1968, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II được thành lập với gần 500 chiến sĩ, chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc huyện Sa Pa (nay là thị xã), Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và thị xã Lào Cai. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II bổ sung cho các đơn vị chiến đấu tại các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và chiến trường Campuchia. Điều đáng tự hào là trong quá trình chiến đấu, 100% chiến sĩ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I và 60% chiến sĩ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II của con em các dân tộc được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Từ năm 1968, thắng lợi của ta trên các mặt trận buộc Mỹ phải ngồi vào vòng đàm phán và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân Mỹ buộc phải rút toàn bộ khỏi Việt Nam, cam kết không dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Thế nhưng với âm mưu thâm độc, đế quốc Mỹ vẫn trắng trợn tiếp tay cho ngụy quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định Paris, buộc ta phải lựa chọn con đường sử dụng giải pháp quân sự để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cùng với cả nước, Lào Cai tiếp tục góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Lào Cai đã có 18.749 thanh niên tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, góp phần giành Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hòa bình lập lại, có những người trở về xây dựng quê hương, có những người đã anh dũng hy sinh, tuổi thanh xuân của họ hòa mình vào đất Mẹ để đất nước vinh quang, dân tộc mãi trường tồn. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là tiếp tục bảo vệ quê hương Lào Cai, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh và không được quên những trang sử hào hùng mà cha ông gây dựng nên.