Trước biến động tại Đại học Harvard, Nhật Bản đề xuất tiếp nhận sinh viên quốc tế

Sau khi Tổng thống Donald Trump có động thái cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế, Bộ Giáo dục Nhật Bản vừa khuyến nghị các trường đại học trên toàn quốc cân nhắc hỗ trợ hoặc tiếp nhận những sinh viên có nguy cơ không thể tiếp tục học tập tại Mỹ.

Khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 24/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 24/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Japan Times, ngày 27/5, bộ trên đã yêu cầu các trường trong vòng một tuần báo cáo về các biện pháp khả thi nhằm hỗ trợ cả sinh viên Nhật Bản và sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng bởi chính sách mới của Chính quyền Tổng thống Trump.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục Nhật Bản, hiện có khoảng 110 sinh viên và 150 nhà nghiên cứu từ nước này đang theo học và làm việc tại Harvard. Tính trên toàn nước Mỹ, con số sinh viên Nhật Bản lên đến khoảng 16.000 người. Riêng tại Harvard, sinh viên quốc tế chiếm 27% tổng số với khoảng 6.800 người.

Bộ trưởng Giáo dục Toshiko Abe nhấn mạnh: “Mỹ là điểm đến lớn nhất của du học sinh Nhật Bản. Thông qua hợp tác với các cơ quan liên quan, chúng tôi cam kết đảm bảo rằng những người trẻ tuổi có động lực và tài năng có thể tiếp tục việc học”.

Các quan chức cũng cho biết danh sách các biện pháp hỗ trợ cụ thể sẽ được công bố trên trang web của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản trong thời gian tới. Các sinh viên không mang quốc tịch Nhật cũng có thể được hưởng hỗ trợ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào chính sách của từng trường.

Một số trường đại học đã bắt đầu lên kế hoạch cụ thể. Theo bà Kaori Hayashi, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế và đa dạng của Đại học Tokyo, trường này dự kiến mở rộng hỗ trợ cho các sinh viên tài năng bị gián đoạn việc học do các yếu tố bên ngoài, bất kể họ có từng học tại Harvard hay không.

Bà Hayashi cũng cho biết chương trình hỗ trợ sẽ mở rộng cho sinh viên mọi quốc tịch. Mặc dù sinh viên không được ghi danh vào chương trình lấy bằng, nhưng họ sẽ được cấp bảng điểm để có thể công nhận tín chỉ tại các trường khác trong tương lai. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể như thời gian bắt đầu, quy mô và thời lượng chương trình vẫn đang được hoàn thiện.

Tương tự, Đại học Nagoya tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận sinh viên không theo học chương trình cấp bằng, bất kể quốc tịch. Trường này cũng đang cân nhắc khả năng tiếp nhận sinh viên vào các chương trình cấp bằng, nhưng việc này còn nhiều vấn đề cần thảo luận.

“Tuy nhiên, giống như các trường đại học Nhật Bản khác, Đại học Nagoya có hạn ngạch nghiêm ngặt đối với số lượng sinh viên có thể được nhận vào chương trình cấp bằng. Nếu hạn ngạch có thể được điều chỉnh, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn”, Đại học Nagoya cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, số phận của sinh viên quốc tế tại Harvard vẫn chưa được quyết định. Chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu sinh viên quốc tế phải chuyển sang trường khác, nếu không sẽ mất tư cách pháp lý. Lý do mà chính quyền Mỹ đưa ra là Harvard dung túng chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường.

Harvard đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ và hiện tòa án cấp quận đã ra phán quyết sơ bộ có lợi cho nhà trường. Một phiên điều trần quyết định có gia hạn lệnh tạm thời hay không sẽ diễn ra vào ngày 29/5.

Ông Ryo Hotta – bác sĩ phẫu thuật nhi khoa người Nhật và trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard – chia sẻ rằng động thái mới đã khiến kế hoạch thực tập hè của một sinh viên y khoa Nhật Bản tại phòng thí nghiệm của ông trở nên bất định.

“Quy trình xin thị thực đột nhiên dừng lại. Vì vậy, chúng tôi đang theo dõi tình hình”, ông nói và đồng thời bày tỏ lo ngại rằng ảnh hưởng có thể không chỉ giới hạn ở Harvard.

Ông Hotta, người đang có thẻ xanh, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách thị thực mới.

Những lo ngại về tương lai của sinh viên quốc tế không phải là không có cơ sở. Theo trang Politico, Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc kiểm tra tài khoản mạng xã hội của các sinh viên quốc tế nộp đơn xin học tại Mỹ, đồng thời đã chỉ đạo các đại sứ quán và cơ quan lãnh sự Mỹ tạm ngừng lên lịch phỏng vấn cho đơn xin thị thực du học mới.

Sinh viên trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Sinh viên trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Khi được hỏi về thông tin này, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Mỹ để nắm bắt tình hình và hành động phù hợp.

Giáo sư Hiroshi Ota – chuyên gia về giáo dục quốc tế tại Đại học Hitotsubashi, từng là học giả thỉnh giảng tại Harvard – cho rằng ông lo lắng nhiều hơn cho những sinh viên đang chuẩn bị đến Mỹ, vì quy trình xin thị thực cho năm học mới sẽ bắt đầu vào tháng 6.

Ông nhấn mạnh rằng dù hàng nghìn thị thực đã từng bị chấm dứt đầu năm nay, nhưng chính quyền Tổng thống Trump vào tháng 4 đã công bố khôi phục trạng thái hợp pháp của sinh viên sau khi số lượng đơn kiện tăng mạnh. Tuy nhiên, với các trường hợp bị tạm ngừng phỏng vấn visa mới, việc phản đối sẽ gặp nhiều khó khăn. “Đây không còn chỉ là vấn đề của Harvard nữa”, ông nói.

Về lời kêu gọi từ Bộ Giáo dục Nhật Bản, ông Ota cho rằng thay vì hành động vội vàng, Nhật Bản nên hướng tới xây dựng một khuôn khổ bền vững để những sinh viên bị ảnh hưởng có thể tiếp tục theo đuổi bằng cấp nếu mong muốn.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Các nước kêu gọi Israel và Iran chấm dứt hành động quân sự

Các nước kêu gọi Israel và Iran chấm dứt hành động quân sự

Trong bối cảnh xung đột leo thang nhanh chóng giữa Israel và Iran, các nhà lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế tiếp tục kêu gọi hai bên chấm dứt hành động quân sự, khởi động đối thoại để giải quyết bất đồng, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ các chiến dịch tấn công và đáp trả giữa hai bên hiện nay.

ASEAN đẩy mạnh đàm phán với Mỹ trước hạn chót tạm hoãn thuế nhập khẩu

ASEAN đẩy mạnh đàm phán với Mỹ trước hạn chót tạm hoãn thuế nhập khẩu

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong bối cảnh thời gian Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày sẽ kết thúc vào ngày 9/7 tới, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đẩy mạnh đàm phán với Washington, đồng thời thúc đẩy phối hợp trong khối nhằm tạo lập quan điểm chung trong ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump: Mỹ đạt thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump: Mỹ đạt thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa xác nhận thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất, chỉ còn chờ phê duyệt chính thức từ ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thỏa thuận đề cập đến các mặt hàng chiến lược như đất hiếm, đồng thời tái khẳng định cam kết trao đổi giáo dục giữa hai nước.

Châu Á đối mặt khủng hoảng dân số

Châu Á đối mặt khủng hoảng dân số

Châu Á đang trên đà tiếp bước châu Âu trở thành “lục địa già”, với tỷ lệ sinh thấp ở mức đáng báo động và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh. Các quốc gia trong khu vực đang tìm giải pháp thích ứng với “cơn sóng thần màu xám”.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ di sản văn hóa

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ di sản văn hóa

Công tác bảo vệ di sản văn hóa của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, với việc thay đổi chiến lược từ sửa chữa, phục hồi sang phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại di sản thông qua các biện pháp phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng số hóa, tăng cường nghiên cứu khoa học trong công tác bảo vệ di sản, cổ vật.

fb yt zl tw