Giữa tháng Sáu, trời hửng nắng nhưng Sa Pa vẫn mang không khí se lạnh đặc trưng. Từ sân Quần xuống phố Cầu Mây, tôi gặp các nhóm khách người nước ngoài đang tản bộ, một số bà con người Mông, Dao trải ni-lông bên hiên nhà xếp hàng thổ cẩm hoặc những chiếc vòng tay ngồi bán. Cầu Mây vẫn nhộn nhịp, từ nhà hàng, khách sạn đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm đều được trang trí đa dạng phong cách, tạo thành dãy phố mang vẻ đẹp tân thời phương Tây ngay giữa lòng thị xã Sa Pa.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thiện Hùng sống cùng gia đình ở tầng 4 trong ngôi nhà cuối phố Cầu Mây. Gắn bó cả cuộc đời với “miền đất trong sương”, gia tài của ông là hàng nghìn bức ảnh, bức tranh và nhiều kiến thức về Sa Pa. Sau đoạn chào hỏi, người nghệ sỹ gần 80 tuổi mở máy tính, lật từng file ảnh được bố trí ngăn nắp, rõ ràng. Ngoài những bức ảnh chụp Sa Pa ngày nay và rất nhiều bức tranh được ông vẽ in thành sách hoặc trang trí ở nhiều trường học, nơi công cộng tại Sa Pa thì trong “kho gia tài” của ông còn sưu tầm những bức ảnh đen trắng về Sa Pa xưa.
Chỉ tay vào một bức ảnh đen trắng, trước hiên nhà có những học sinh xếp thẳng hàng, ông nói: Đây là lớp học chữ quốc ngữ đầu tiên ở Sa Pa vào khoảng những năm 1920 - 1929. Bên cạnh lớp học, mái nhà ngói thấp hơn là nhà ông ngoại tôi. Đó chính là vị trí gia đình tôi đang sống bây giờ.
Những năm 20 của thế kỷ trước, Sa Pa được chia thành nhiều dãy phố. Cầu Mây còn có tên là phố Mường Bo, nhưng hầu hết mọi người quen gọi phố Tây. Phố Tây cắt giữa 2 dãy phố khác là phố Khách và phố An Nam. Lý giải về tên gọi phố Tây, ông Thiện Hùng cho biết: Những năm 20 của thế kỷ trước, người dân gọi phố Tây không phải vì có nhiều khách Tây đến du lịch mà bởi vì phố này chỉ dành cho quan chức Pháp sinh sống. Với mong muốn biến cao nguyên Lồ Suối Tủng thành khu nghỉ dưỡng, rất đông quan chức Pháp đã ở lâu dài trên con phố này, sau đó nhiều người thân ở nước ngoài đến thăm và dần dần tuyến phố này trở nên đông đúc. Sau này, nhiều dịch vụ được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài, phố Cầu Mây trở nên nổi bật với các công trình mang kiến trúc và văn hóa phương Tây.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thiện Hùng cho biết thêm: Nhà của ông tôi tuy đã đấu thầu được đất nhưng chỉ được phép làm nhà mà không được ở. Gia đình cho quan Tây thuê, còn cả nhà sống ở phố An Nam.
Năm 1984 ông Thiện Hùng là Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Những năm tháng giữ vai trò là người đứng đầu ngành văn hóa của địa phương, ông luôn trăn trở việc bảo tồn và gìn giữ vẹn nguyên những ngôi nhà và các công trình kiến trúc trên tuyến phố cổ. Thế nhưng trước xu thế phát triển của xã hội và nhiều ngôi nhà cổ xuống cấp nên người dân dần xóa bỏ. Ngắm nhìn lại tuyến phố ngày nay có nhiều đổi khác, ông không khỏi bồi hồi: "Tôi tiếc nhất là giờ đã mất chợ ở dãy phố này. Trước kia chợ đông vui, bà con ở các bản làng tụ họp về. Hầu hết khách quốc tế đã đến Sa Pa thường xuống chợ và họ rất thích thú với văn hóa bản địa".
Ngó ra cửa sổ, chỉ xuống mái ngói ngay trước mặt, ông tâm sự: Riêng mái nhà này có tuổi đời cả trăm năm. Trên dãy phố Tây, ngoài 1 trụ cổng đá - phần còn lại của công trình được Pháp xây dựng tại số 31 thì mái nhà này có tuổi đời lâu nhất. Đây là mái nhà ông Nguyễn Tài Minh, cha của giáo sư, bác sỹ Nguyễn Tài Thu. Thời xưa, ông Minh là Bang tá của Sa Pa (ngang với chức danh Chủ tịch UBND thị xã hiện nay). Theo như tôi được biết thì ông Minh là người Việt Nam duy nhất vào những năm 20 của thế kỷ trước được sống tại con phố này. Sau khi chuyển xuống Hà Nội sống, gia đình ông Minh đã bán nhà cho chủ khác. Mặc dù nhà đã xây mới nhưng chủ nhà giữ nguyên mái nhà từ xưa.
Rời cuộc trò chuyện với nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thiện Hùng, tôi gặp anh Vũ Đại Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai tại một quán cà phê. Anh Dương là người đã gợi mở cho tôi ý tưởng tìm hiểu con phố cổ này. “Phố Tây ngày xưa chỉ gọi cho phố Cầu Mây, những năm sau này, phố Tây vẫn được nhiều người gọi chung cho cả tuyến đường từ Cầu Mây kéo dài xuống phố Mường Hoa”, anh Dương cho biết.
Từng là người quản lý nhà hàng trên phố Tây, cho đến khi là chủ của chuỗi quán cà phê kiêm nhà hàng, anh Dương gắn bó với Sa Pa tròn 20 năm. Bằng đó thời gian, anh cũng chứng kiến nhiều sự đổi thay trên dãy phố. Những năm đầu anh lên Sa Pa, phố Tây sầm uất khách người nước ngoài, thế nên các khách sạn lớn trên dãy phố như Châu Long, Amazing, DeLaSol, Bamboo được thiết kế theo phong cách châu Âu. Trên phố còn có nhiều cửa hàng lớn, kinh doanh các mặt hàng mang đặc trưng của Sa Pa như thổ cẩm Phố Núi, Lan Rừng... Tất cả nhà hàng trên dãy phố cũng là ẩm thực châu Âu.
Phố Tây còn đặc biệt ở chỗ, mặt trước của phố là đường qua lại sầm uất, nhưng mặt sau của các khách sạn đều có góc nhìn tuyệt đẹp. Từ cửa sổ của các khách sạn có thể phóng mắt nhìn ra thung lũng Mường Hoa, thấy đỉnh Fansipan. Khi khách nghỉ tại đây, mỗi sáng thức dậy có thể ngắm núi, rừng, ruộng lúa và những áng mây sà xuống. Sau những cơn mưa còn thường xuất hiện cầu vồng.
Anh Dương cho biết thêm: Phố Tây là trục chính kết nối Sa Pa xuống các bản, làng. Xưa kia, du khách người nước ngoài lên Sa Pa thường lưu trú dài ngày, có khi kéo dài cả tháng. Ban ngày du khách có thể tản bộ đi nhiều nơi, nhưng đêm đến sẽ tụ tập ở chợ, ở quán đồ nướng, bên đống lửa sưởi ấm. Những người xa lạ cùng giao lưu, trò chuyện thân tình. Sa Pa những ngày đó không có quá nhiều ánh điện như bây giờ, sau 10 giờ đêm, các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, trả lại cho “thành phố trong sương” một khoảng không yên bình.
Kết thúc buổi trò chuyện, anh Dương bày tỏ: Khi du lịch phát triển kéo theo sự hiện đại xâm lấn, nhiều biển quảng cáo, những ánh điện sáng nhiều màu sắc hiện diện, du khách người nước ngoài đến từ nền văn minh mới sẽ lại muốn khám phá sự hoang sơ. Thế nên đó là một trong những lý do mà du khách giờ ít ở lại phố Tây mà thường xuống Tả Van hoặc lên Sử Pán, Séo Chung Hồ, Giàng Tà Chải…
Mặc dù là con phố với nhiều điều đặc biệt, nhưng phố Tây ngày nay vẫn vắng khách người nước ngoài hơn xưa. Một trong những lý do là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong suốt thời gian dịch bệnh, nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, một số nhà hàng còn tồn tại buộc phải chuyển đổi cách thức kinh doanh để phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Không nằm ngoài xu thế chung, chị Nguyễn Thị Liên Hà và chồng là chủ một nhà hàng chuyên đồ Âu với tên gọi Casa Italia Pizza tại phố Tây đã phải trải qua những ngày dài khó khăn. Mở nhà hàng tại Sa Pa từ năm 2016, công việc diễn ra suôn sẻ, khách người nước ngoài đông, thế nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch, từ cuối năm 2019 đến năm 2022, nhà hàng không thể phục vụ khách nước ngoài và phải có sự thay đổi. Nhà hàng trang trí lại, thay đổi thực đơn và tạm thời đổi cả tên nhà hàng sang một tên thuần Việt để hướng đến dòng khách du lịch nội địa.
“Những ngày đầu mở cửa hàng, xung quanh có rất nhiều nhà hàng chuyên đồ Âu. Thế nhưng, sau ảnh hưởng của dịch, những nhà hàng có thể duy trì hoạt động và phát triển còn lại rất ít”, chị Liên Hà cho biết.
Tôi băn khoăn với câu hỏi “làm sao để tìm lại phố Tây?”, chị Liên Hà cho biết:
Rời phố Tây khi dãy phố bắt đầu bật lên ánh điện nhiều sắc màu khiến tôi nhớ đến những tâm tư đồng quan điểm của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thiện Hùng và anh Vũ Đại Dương “Để phố Tây trở nên thu hút, trước hết cần có quy hoạch cụ thể từ các mặt hàng, dịch vụ kinh doanh đến kiến trúc nhà và cách trang trí. Cần giảm bớt biển quảng cáo, giảm ánh điện sáng màu, tăng cường phân luồng giao thông, như vậy sẽ phần nào tìm lại phố Tây”.