Những dấu hiệu tích cực trên là nhờ UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát và kịp thời chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có việc đề cao trách nhiệm của cơ quan tham mưu.
Điều dễ nhận thấy là ở đâu công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm, đúng quy định sẽ tháo gỡ được những điểm vướng, những vụ việc phức tạp.
Công tác giải quyết đơn thư, tố cáo được quan tâm góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Năm 2022, các cấp, ngành chức năng đã đón tiếp 2.499 lượt công dân kiến nghị, phản ánh và có đơn, thư khiếu nại, tố cáo, liên quan đến 2.406 vụ việc, qua đó đã tiếp nhận 2.126 đơn, có tới 95,2% là đơn kiến nghị, phản ánh.
Cũng trong năm 2022, các cấp, ngành còn tiếp nhận và xử lý 3.975 đơn, trong kỳ báo cáo đã xử lý 3.796 đơn, chiếm 95,4% tổng số đơn tiếp nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tiếp 1.195 lượt công dân có ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại 1.069 vụ việc; cùng kỳ báo cáo, các cấp, ngành đã tiếp nhận 1.757 đơn, trong đó có 1.547 đơn kiến nghị, phản ánh, qua phân loại, rà soát có 1.670 đơn với 1.669 vụ việc đủ điều kiện xử lý, toàn bộ đơn, thư trong phạm vi thẩm quyền đã được giải quyết, xử lý theo quy định.
Về đơn khiếu nại, trong năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 32 đơn, trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp nhận 18 đơn. Việc giải quyết, xử lý kiến nghị, phản ánh và đơn khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, ngành, cơ quan có liên quan thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn quy định.
Quá trình kiểm tra, xác minh cũng đảm bảo tính công khai, trung thực, việc đối thoại diễn ra nghiêm túc, đúng luật định; thông qua làm việc, đối thoại kết hợp với giải thích, vận động, thuyết phục, nhiều công dân đã tự nguyện rút đơn, chấm dứt khiếu nại, khiếu kiện.
Điển hình như vụ việc khiếu nại của ông Phạm Văn Phượng ở tổ 7A, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, người bị thu hồi đất phục vụ dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh.
Ông Phạm Văn Phượng đã có 4 lần gửi đơn khiếu nại 4 quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường đất cho gia đình ông và một số hộ trên cùng địa bàn. Không đồng thuận với các quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), ông Phượng tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh và đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thụ lý, giải quyết. Sau khi UBND tỉnh có thông báo về việc giải quyết đơn, thư, ông Phạm Văn Phượng đã dừng việc đến trụ sở tiếp công dân các cấp để khiếu nại.
Hoặc vụ việc ông Nguyễn Văn Lâm và một số hộ tại phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) khiếu nại quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sau kè bờ hữu sông Hồng cũng là một điển hình.
Liên quan vụ việc, ông Lâm và một số hộ đã có nhiều đơn khiếu nại và khởi kiện, UBND thành phố Lào Cai ban hành 11 quyết định giải quyết khiếu nại, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tiếp công dân Trung ương đã trực tiếp đối thoại, Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án hành chính với kết quả bác đơn khởi kiện của ông Lâm và các hộ. Với việc tăng cường vận động, thuyết phục, ông Lâm và các hộ đã cơ bản đồng thuận, không còn hộ nào khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án.
Vụ bà Trần Thị Bình và một số hộ tại xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) khiếu nại việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng công trình Tổ hợp đồng Sin Quyền cũng là một việc tiêu biểu. Năm 2014, bà Bình có đơn khiếu nại, được Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết nhưng nguyên đơn vẫn thiếu đồng thuận. Sau khi UBND tỉnh Lào Cai có văn bản chỉ đạo UBND huyện Bát Xát phối hợp với chủ dự án vận động công dân thực hiện theo các phán quyết của tòa án, bà Trần Thị Bình và một số hộ đã dừng việc khiếu nại và khởi kiện.
Ví dụ gần đây nhất là vụ việc khiếu kiện của các tiểu thương tại chợ du lịch Lào Cai thuộc phường Lào Cai (thành phố Lào Cai). Không đồng thuận với hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, các công dân đã khiếu kiện tới cấp tỉnh và cấp Trung ương.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND đã trực tiếp đối thoại với các hộ tiểu thương và chủ đầu tư dự án (Hợp tác xã Cường Phát). Qua buổi đối thoại, các bên đã đạt một số thỏa thuận về mức giá thuê ki-ốt và thời gian thanh toán hợp đồng giữa tiểu thương và chủ đầu tự dự án, một số điều kiện hoạt động của chợ tạm. Một số tiểu thương không đồng thuận nên UBND tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại lần 2 dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sau đó một số hộ đã có đơn khởi kiện Hợp tác xã Cường Phát và đã được Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai xét xử công khai. Cùng với việc vận động, thuyết phục của các cấp, ngành, đoàn thể, đến nay các hộ tiểu thương chợ du lịch Lào Cai không còn đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện...
Trong gần 10 năm qua, tỉnh Lào Cai có 8 vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài đến nay đã được giải quyết dứt điểm, các công dân cơ bản đồng thuận với các quyết định, hướng giải quyết của cơ quan chức năng, không còn gửi đơn khiếu nại, khởi kiện.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư và đẩy mạnh triển khai các quy hoạch phát triển, nhất là quy hoạch về đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án sản xuất công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và sản xuất nông nghiệp. Quá trình triển khai, nhất là trong thực hiện chính sách thống kê đền bù, giải phóng mặt bằng, khó tránh khỏi những phát sinh ý kiến phản ánh, khiếu nại, khiếu kiện của công dân, điều đó đòi hỏi các cơ quan tham mưu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian tới là các cấp, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân; thường xuyên rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo để tham mưu, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả, coi trọng việc giải quyết dứt điểm tại nơi phát sinh vụ việc và tại cơ sở. UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trong đó có chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các văn bản của UBND tỉnh cũng chỉ rõ tầm quan trọng trong tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu để xảy ra các vụ việc phức tạp, kéo dài, gây thiệt hại tài sản nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Đối với các địa phương, chỉ đạo của UBND tỉnh là tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở; với các vụ việc, nội dung đơn, thư khiếu nại, tố cáo và ý kiến phản ánh có tính chất phức tạp phải được phân công cán bộ có kinh nghiệm, năng lực tốt tham gia giải quyết hoặc cấp ủy đảng, chính quyền kịp thời tổ chức tiếp xúc, đối thoại để giải quyết. UBND tỉnh cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là việc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với quyết định hành chính đã có hiệu lực.