Tích cực điều trị cho người dân vùng lũ Làng Nủ

Lũ quét kinh hoàng sáng ngày 10/9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện tại, những nạn nhân được tìm thấy được đưa về điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.

Phải rất vất vả phóng viên mới có thể đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, bởi hầu hết cung đường tới huyện đều đã sạt lở nghiêm trọng. Mất hơn 5 tiếng đồng hồ, nhóm phóng viên chúng tôi xuất phát từ xã Điện Quan, đi bộ, đi xe máy theo những con đường liên thôn, đường nội đồng để đến thị trấn Phố Ràng, trong khi ngày bình thường, quãng đường gần 25 km này chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

z5817041764728_eb61d1ecaf2ce6008d2372b43424d50f.jpg
Nạn nhân từ vùng lũ thôn Làng Nủ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.

Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, khó khăn ở đây còn nhân lên gấp bội. Đội ngũ cán bộ, nhân viên bệnh viện vừa gồng mình chống lũ, vừa căng sức điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên chia sẻ: Từ tối 9/9 đến sáng nay (10/9), toàn bộ bệnh viện bị ngập sâu hơn 1 mét, phải đến đầu giờ chiều mới rút hết. Mặc dù khó khăn chồng chất như vậy nhưng khi tiếp nhận thông tin về tình mưa lũ nghiêm trọng diễn ra tại thôn Làng Nủ, bệnh viện đã nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế để sẵn sàng cứu người.

Trong ngày 10/9, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã tiếp nhận 18 nạn nhân từ vùng lũ thôn Làng Nủ. Con số này chắc chắn chưa dừng lại bởi thông tin ban đầu, trận lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, có 35 hộ dân, 128 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đối với phương pháp cứu nạn, cứu hộ người dân tại vùng lũ thôn Làng Nủ, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã bố trí kíp cấp cứu lưu động 6 người (bao gồm: 2 bác sĩ, 4 nhân viên y tế) túc trực tại hiện trường để khi tiếp nhận nạn nhân, lập tức sơ cứu ban đầu. Do đường từ vùng lũ đã có nhiều đoạn bị hỏng nặng, sạt lở, phương án duy nhất hiện nay là vận chuyển người bệnh bằng xe tải đến bệnh viện.

by 3.jpg
Đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên trao đổi thông tin.

Hiện các nạn nhân đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Tại đây, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện tập trung tối đa để điều trị cho bệnh nhân.

by 1.jpg
Tích cực điều trị cho các nạn nhân.

Bác sĩ Phạm Hồng Việt cho biết thêm: Hiện có 2 ca thở máy, các ca còn lại trong tình trạng chấn thương khác nhau, như gãy xương, nội chấn thương, tổn thương vùng da, đặc biệt là sang chấn tâm lý...

by 2.jpg
Anh Đặng Xuân Giang (áo đen) rất lo lắng sức khỏe của người thân trong gia đình.

Anh Đặng Xuân Giang, sinh năm 1992, một người dân thôn Làng Nủ may mắn thoát nạn khi vừa đi ra khỏi nhà để kiểm tra tình hình thì lũ quét ập đến. Do xảy ra quá nhanh, anh hét lớn gọi vợ con thì không kịp chạy, đều bị cuốn trôi. Rất may, nhà hàng xóm phía dưới nhanh trí ứng cứu giúp hai mẹ con thoát khỏi tử thần. Ngồi giữa 2 giường bệnh, một bên là vợ, còn một bên là con gái, hai mắt anh ầng ậc nước vì vẫn thất thần trước sự việc đau thương. Anh Giang tâm sự: Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy. Dòng lũ cuốn đến rất nhanh, càn quét tất cả mọi thứ, xé toang từng căn nhà.

Tuy nhiên, gia đình anh Giang còn rất may mắn khi sống sót cả nhà. Còn gia đình chị Hoàng Thị Dịp, con của chị đang trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương, mẹ của chị hiện vẫn chưa tìm thấy. Chị Dịp đang đi làm tại Phú Thọ nên thoát nạn. Chứng kiến đứa con thoi thóp thở máy, chị cũng không cầm được nước mắt. Chị Dịp tâm sự: Tôi rất bàng hoàng, chưa thể tin được những gì đã xảy ra. Tôi chỉ mong tìm thấy mẹ, mong con kiên cường vượt qua đau đớn để được sống.

bs viet.jpg
Bác sĩ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên trực tiếp thăm khám nạn nhân nguy kịch.

Bác sĩ Phạm Hồng Việt tâm sự: Có những nạn nhân đến đây còn chưa rõ thông tin, không có người nhà. Vì vậy, Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu nhân viên tích cực chăm sóc, giúp đỡ sinh hoạt và ổn định tâm lý.

Trong những ngày này, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đảm bảo quân số và duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, kịp thời thực hiện công tác điều trị, chăm sóc nạn nhân.

Báo Lào Cai sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sáp nhập xã, phường: Sự chủ động đi cùng nỗi niềm trăn trở

Sáp nhập xã, phường: Sự chủ động đi cùng nỗi niềm trăn trở

Thực hiện chủ trương sáp nhập, giảm số lượng xã, phường của Trung ương và sự chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, xây dựng các phương án sáp nhập phù hợp. Các phương án đều có sự tính toán về vị trí địa lý, phong tục văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội và những yếu tố đặc thù nhằm đảm bảo các xã, phường mới sau sáp nhập tiếp tục phát triển đồng đều và hài hòa với những định hướng, quy hoạch lớn của những năm trước.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định

Tối 30/3, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Quy Nhơn), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975-31/3/2025). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định.

Từ "con đường tơ lụa" trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế "chung một dòng sông"

Từ "con đường tơ lụa" trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế "chung một dòng sông"

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có nhiều “con đường tơ lụa” được nhắc đến hiện nay, như tuyến đường thương mại Đông - Tây giữa Hy Lạp và Trung Quốc bắt đầu mở trong thế kỷ I và II TCN; hay “con đường tơ lụa” chính đi từ thủ đô của Trung Quốc qua Trung Á đến châu Âu... Và có một “con đường tơ lụa” nổi tiếng trên sông Hồng vẫn chảy suốt từ thời cổ đại đến hôm nay, đang trở thành “con đường tơ lụa” trong thời đại mới.

fb yt zl tw