Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, đại diện các hộ dân thôn Vàng có ý kiến, hiện một số hộ dân ở 2 bên đường lên, xuống đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa có đường gom dân sinh, phải tham gia giao thông (xe máy, xe đạp, xe thô sơ - PV) lên đường nối với cao tốc, rất nguy hiểm. Trong khi đường cao tốc đã hoàn thành và sử dụng 10 năm, đề nghị huyện có ý kiến với cấp, cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
Về nội dung này, Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng trả lời: Ngày 16/4/2024, UBND huyện Bảo Thắng đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, đơn vị quản lý đường cao tốc (VEC), UBND xã Xuân Giao kiểm tra đối với những đoạn chưa có đường gom để đề xuất đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề tài nguyên, môi trường, Nhân dân có ý kiến, hiện nhiều hộ dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà, tách hộ nhưng bị vướng quy hoạch. Đề nghị huyện có giải pháp tháo gỡ khó khăn để các hộ dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Trả lời cho ý kiến này, Thường trực Huyện ủy chỉ rõ: Điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất theo khoản 3 Điều 40 Luật Đất đai 2013, trong đó có các căn cứ, gồm: kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, cấp huyện, cấp xã; khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Tiếp đó, Điều 52 của Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ những căn cứ để chuyển mục đích sử dụng đất, nếu đáp ứng được các điều kiện này thì các trường hợp đều có thể được xem xét, giải quyết.
Đại diện người dân thôn Mường 1 nêu ý kiến: Nhiều hộ dân trong thôn sống giáp ranh Khu công nghiệp Tằng Loỏng, cụ thể là gần Tổ hợp hoá chất Đức Giang, Nhà máy gang thép Việt - Trung nên thường xuyên chịu ảnh hưởng tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải độc hại.
Ngoài ra, khu vực này còn chịu thiệt thòi bởi quy hoạch, việc không được chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai, không được đầu tư xây dựng khiến nhiều hộ rất bức xúc, nhất là hộ có con trưởng thành có nhu cầu ra ở riêng, đầu tư xây mới nhà ở.
Về nội dung này, Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng trả lời: Để đảm bảo ổn định đời sống của Nhân dân nằm trong phạm vi bán kính ảnh hưởng do tác động cộng hưởng ô nhiễm môi trường các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Tằng Loỏng, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí cho UBND huyện để tổ chức di chuyển các hộ dân theo phương án đã được duyệt. Trong đó, huyện đã rà soát các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính ảnh hưởng và đề xuất tiếp tục cần di chuyển cấp bách đối với 96 hộ dân tại khu vực tổ dân phố số 1, số 7, số 8, thị trấn Tằng Loỏng.
Đối với các hộ còn lại nằm trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng môi trường của các nhà máy, UBND huyện đang đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm có kế hoạch phân bổ nguồn lực và xây dựng kế hoạch di chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm môi trường, trên cơ sở kết quả đánh giá sức chịu tải môi trường của khu công nghiệp.
Về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Đến nay, về nước thải, đã đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất 5.000 m3/ngày đêm; về khí thải, đã đầu tư 2 trạm quan trắc khí thải tự động liên tục tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, trong đó 1 trạm quan trắc đặt tại vị trí giáp Tỉnh lộ 152, xã Xuân Giao và đầu tư hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động liên tục đặt tại trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường, với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng.
Về chất thải rắn, tỉnh giao Công ty Cổ phần Dịch vụ xử lý môi trường xanh Việt Sơn đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng theo quyết định năm 2028. Hiện nay, dự án đang tiến hành triển khai các bước liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Cũng tại buổi tiếp xúc, đối thoại, Thường trực Huyện ủy đã giải đáp, làm rõ hơn một số ý kiến, kiến nghị của Nhân dân xã Xuân Giao liên quan đến đầu tư hạ tầng nông thôn, sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh.