Thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phía Bắc phát triển

Các tỉnh biên giới phía Bắc hiện có 8 khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập. Từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn huy động, nhiều năm qua, các tỉnh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, vận hành nền tảng cửa khẩu số giúp giảm chi phí, thời gian thông quan. Nhờ đó, khu vực cửa khẩu ngày càng trở thành vùng kinh tế động lực, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh THÀNH TÂM)

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh THÀNH TÂM)

Hiện nay, các tỉnh đang nỗ lực phối hợp ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm kết nối cửa khẩu với các thị trường lớn hậu phương, xây dựng cửa khẩu thông minh, nâng cao năng lực, hiệu suất,...

Vận hành nền tảng cửa khẩu số

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 3 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 144,75 ha gồm Móng Cái, Hoành Mô - Ðồng Văn và Bắc Phong Sinh. Trong đó, Móng Cái là một trong các khu kinh tế cửa khẩu có quy mô lớn nhất cả nước, được xác định là khu vực động lực, trọng điểm của quốc gia.

Quảng Ninh đã thực hiện chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm kết nối các khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng phụ trợ, giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.

Năm 2022, tuyến đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái hoàn thành, tạo thành "chuỗi" đường cao tốc liên thông từ Lào Cai về Hà Nội, xuôi Hải Phòng, ra Vân Ðồn, tới Móng Cái, kết nối hai cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Móng Cái với hai cửa khẩu quốc tế của Trung Quốc là Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam) và Ðông Hưng (tỉnh Quảng Tây), đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Ngoài ra, tỉnh còn huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các dự án trong khu kinh tế cửa khẩu.

Giai đoạn 2016-2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn đã vượt ngưỡng 60 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2023, huy động gần 11.600 tỷ đồng, đầu tư 12 dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu như: khu trung chuyển hàng hóa, khu phi thuế quan và khu chế xuất 1...

Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Ðình Ðại cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút 154 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 87 triệu USD và 138 dự án trong nước, tổng vốn hơn 16 nghìn tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng, trung tâm thương mại... đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động ở các vùng giáp biên.

Năm 2024, tuyến đường bộ cao tốc Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được khởi công, góp phần đưa Cao Bằng thành điểm kết nối trong tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế, từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Với ý nghĩa quan trọng đó, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã bổ sung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách.

Trong giai đoạn 2021-2023, các cửa khẩu ở Cao Bằng được đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thiết yếu. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được 54 dự án đầu tư, gồm 49 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án đầu tư nước ngoài tại cửa khẩu, hiện đã có 43 dự án đi vào hoạt động, cơ bản đáp ứng được các dịch vụ cần thiết.

Hải quan Chi cục Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa xuất - nhập khẩu trước khi thông quan. (Ảnh LƯƠNG QUANG THỌ)
Hải quan Chi cục Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa xuất - nhập khẩu trước khi thông quan. (Ảnh LƯƠNG QUANG THỌ)

Những "điểm sáng" vùng biên

Thời gian qua, các khu kinh tế cửa khẩu ở Hà Giang, Lai Châu được bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng, bến bãi. Tỉnh Hà Giang đã bố trí khoảng 600 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình hạ tầng trong Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.

Khu kinh tế này đã thu hút 41 dự án đầu tư với vốn đăng ký hơn 1.220 tỷ đồng, chủ yếu làm dịch vụ xuất nhập khẩu, kho bãi. Tỉnh đang triển khai 2 dự án quan trọng với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng Trạm Kiểm soát liên ngành cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và đường nối từ Quốc lộ 2 vào Khu thương mại biên mậu Nà La.

Ðối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, nguồn thuế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đã góp phần đáng kể cho ngân sách địa phương. Những năm gần đây, thu ngân sách qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Hằng năm, khu kinh tế này tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Tại Lai Châu, từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thu hút được 43 nhà đầu tư với 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, GRDP bình quân đầu người trong khu kinh tế năm 2023 đạt 45 triệu đồng, cao hơn mức bình quân toàn huyện Phong Thổ (40 triệu đồng).

Kinh tế cửa khẩu đóng góp quan trọng giúp kinh tế-xã hội địa phương tăng trưởng cao và ổn định. Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên có 2.800 - 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước tham gia xuất nhập khẩu. Bình quân mỗi năm, có khoảng 1,3 triệu lượt người qua lại các cửa khẩu, tổng số phương tiện xuất nhập cảnh đạt hơn 4,5 triệu lượt, góp phần tăng thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu. Giai đoạn 2013-2022, tại 4 cửa khẩu lớn của tỉnh, đạt số thu gần 4.560 tỷ đồng, góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa bàn.

Ðến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) thu hút 39 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 3.319 tỷ đồng. 28 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Bà Linh Thị Xuân Huế, quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sài Gòn-Cà-phê, ở thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa chia sẻ, nhà máy của công ty có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Công ty nhập cà-phê nguyên liệu từ vùng Tây Nguyên, phối chế, sản xuất sản phẩm cà-phê hòa tan và cà-phê đen, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 3 triệu USD.

Hiện tại, "nút thắt" lớn nhất của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) là giao thông kết nối giữa Hà Giang với các trung tâm kinh tế lớn chưa thuận tiện.

Ðể giải quyết vấn đề này, tháng 5/2023, dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã chính thức được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, được kỳ vọng phá thế độc đạo về giao thông kết nối giữa Hà Giang và các tỉnh đồng bằng, giảm tải cho Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Giang về Hà Nội, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

Việc phát triển kinh tế cửa khẩu tại Cao Bằng cũng vấp phải một số "điểm nghẽn" cần khơi thông. Do Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, cho nên các quy hoạch phân khu chức năng mới đang thực hiện khó thu hút đầu tư.

Mặt khác, thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp cũng đang vướng nhiều thủ tục, tỉnh chưa được Bộ Công thương cấp ủy quyền giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), một số xe hàng xuất khẩu tại Cao Bằng phải về Lạng Sơn làm thủ tục cấp C/O, gây bất tiện và gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp.

Ðể khắc phục những hạn chế này, tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng cửa khẩu làm cơ sở đề xuất các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng và tạo cơ sở cho việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Sở Công thương đang phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh cử cán bộ đi đào tạo, hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Công thương cấp ủy quyền C/O, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Thời gian gần đây, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (nay là xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm núi rừng. Một trong những địa chỉ để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với du khách là rừng kháo cổ thụ ở thôn Sải Duần do cộng đồng quản lý với hàng vạn cây kháo cổ thụ xanh mướt.

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển nông, lâm sản hàng hóa nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học. Trong 10 năm qua, diện tích trồng cafe tại khu vực tăng 54%, sản lượng tăng 265%, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây ăn quả, cây dược liệu.

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 64/2025/TT-BTC quy định mức thu, miễn một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hàng chục khoản phí, lệ phí sẽ được miễn, giảm 50% để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân từ hôm nay 1/7 đến hết 31/12/2026.

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 8% theo quy định tại Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đối với giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc kể từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt - xã NTM đầu tiên của huyện Mù Cang Chải mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Khơi dòng phát triển

Tròn 80 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã dẫn dắt nhân dân các dân tộc vượt qua bao thăng trầm lịch sử, từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn vươn lên mạnh mẽ, tự tin hội nhập.
Đồng bộ trong quản lý nguồn gốc sản phẩm

Đồng bộ trong quản lý nguồn gốc sản phẩm

Mã số, mã vạch được coi là “chứng minh thư” của sản phẩm, giúp xác định nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, mã số, mã vạch đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để hợp thức hóa hàng hóa không rõ nguồn gốc.

fb yt zl tw