Đường kết nối xã Thanh Bình tới xã Nậm Chảy có tổng chiều dài 10,8 km, trong đó có 2,8 km là đường mở mới hoàn toàn với quy mô bề rộng mặt đường 6,8 m, tính cả rãnh nước là 8 m, tổng kinh phí đầu tư hơn 79 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua phần đất của 130 hộ thuộc 4 thôn Nậm Rúp, Nậm Pản, Thính Chéng, Sín Hồ (xã Thanh Bình) và Gia Khâu A (Nậm Chảy). Chủ trương đầu tư là Nhà nước cấp ngân sách, người dân hiến mặt bằng. Việc đầu tư thuận lợi, tháng 2/2023 triển khai thì tháng 4/2023 đã thi công, 100% người dân đồng tình, ủng hộ với hơn 10 ha đất được hiến để làm đường, trong đó có hộ hiến gần 1 ha đất sản xuất đang cho giá trị kinh tế cao, không ít hộ nhiều lần hiến đất.
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Tải Văn Đặt, thôn Nậm Rúp, xã Thanh Bình khi cả gia đình ông ở nhà đón ngày tết của đồng bào Nùng. Trưởng thôn Lù Văn Đoàn giới thiệu: Đây là một trong những hộ hiến nhiều đất nhất (1.500 m2), trong đó phần lớn diện tích trồng chuối, trồng chè đang cho thu hoạch. Đặc biệt, hộ ông Đặt là gia đình chính sách, luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấp xong chén trà, vợ chồng ông Tải Văn Đặt dẫn chúng tôi đi thăm những mảnh đất gắn bó với gia đình từ thời cha ông, nay đã san gạt để mở rộng đường. Trước đó, gia đình ông trồng chè, chuối, cây ăn quả... Ông Đặt kể: Con đường chạy qua trước cửa nhà ông trước đây chiều rộng bề mặt chỉ hơn 1 m, hai xe máy tránh nhau còn khó, nói gì đến việc ô tô vào tận nơi thu mua nông sản. Giờ đây, đường được mở rộng, giao thông theo đó cũng thuận tiện. Trong cuộc họp thôn, khi được biết chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thanh Bình - Nậm Chảy, có thể ảnh hưởng đến diện tích đất của gia đình, ông bàn với vợ sẵn sàng hiến đất nếu Đảng, Nhà nước cần, vì ông hiểu, giao thông thuận lợi, cuộc sống mới đi lên.
Trước đó, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đổ bê tông tuyến đường liên thôn qua nhà, ông Đặt cũng hiến một phần đất của gia đình.
Với người dân thôn Gia Khâu A, xã Nậm Chảy, “tấc đất nhả vàng”. Người dân trồng chuối với nguồn thu có thể đạt vài trăm triệu đồng/hộ/năm. Thế nhưng, hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình anh Ly Cồ Tờ lần thứ hai tình nguyện hiến đất làm đường. Cách đây 5 năm, gia đình anh Tờ hiến 300 m2 làm đường liên thôn. Năm 2023, gia đình anh tiếp tục hiến hơn 1.000 m2. Anh Tờ nhẩm tính: 1.000 m2 đất trồng chuối có thể cho thu 100 triệu đồng/năm nhưng cũng như các hộ khác, tôi sẵn sàng hiến đất cho dự án nâng cấp đường Thanh Bình - Nậm Chảy, bởi tôi hiểu con đường sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trực tiếp người dân được hưởng lợi.
Chủ trương nâng cấp tuyến đường Thanh Bình - Nậm Chảy ban đầu không phải 100% hộ đồng tình, ủng hộ. Không ít hộ băn khoăn về vấn đề được hưởng đền bù khi con đường đi qua diện tích đất của gia đình mình, nhưng từ giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phát huy vai trò của các tổ tuyên vận, thấu hiểu nguyện vọng của Nhân dân, những nút thắt dần được cởi bỏ.
Bà Tráng Minh Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình lấy ví dụ cụ thể về gia đình anh Lù Hai Khang. Ban đầu, do chưa hiểu nên anh Khang không đồng thuận với chủ trương làm đường giao thông. Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đến nhà tuyên truyền, vận động, anh Khang đã hiểu và sẵn sàng nhường đất làm đường.
Bà Tráng Minh Hoa cho biết thêm, để tạo được sự đồng thuận, chủ trương mở rộng đường giao thông được cấp ủy đảng, chính quyền đưa ra bàn trong cuộc họp thôn lấy ý kiến của người dân. “Chúng tôi dùng tiếng đồng bào giải thích lợi ích to lớn khi đường Thanh Bình - Nậm Chảy được mở rộng. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của trưởng thôn, bí thư chi bộ, người có uy tín, thành viên các tổ tuyên vận tại địa phương. Chúng tôi cũng chú trọng việc nêu gương, tạo sức lan tỏa của phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Muốn dân nghe, dân tin, dân hiểu, những người làm công tác tuyên vận phải gần dân, sát cơ sở. Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo, hơn 100 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đã đồng lòng hiến đất làm đường. Tiêu biểu như hộ ông Tải Văn Đặt, hiến hơn 1.000 m2, hộ anh Vương Chí Hải hiến 7.000 m2” - bà Hoa cho biết.
Tuyến đường có 1 km đi qua thôn Gia Khâu A (xã Nậm Chảy) với 12 hộ bị ảnh hưởng khi làm đường. Cũng giống như Thanh Bình, tại Nậm Chảy, ban đầu chỉ có hơn 90% hộ đồng tình, ủng hộ, còn lại vẫn băn khoăn, thậm chí đòi tiền đền bù.
Ông Ma Chiến Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy tâm sự: Chìa khóa để người dân đồng thuận với chủ trương của Đảng và Nhà nước khi triển khai mở rộng tuyến đường kết nối Thanh Bình - Nậm Chảy là “rõ ràng”. Ngay từ khi đưa chủ trương lấy ý kiến của Nhân dân, cấp ủy đảng, chính quyền đã nêu rõ con đường mở rộng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại, tiêu thụ nông sản của người dân trong thôn Gia Khâu và các thôn lân cận, không có đền bù đất mà chỉ hỗ trợ một phần giá trị hoa màu trên đất. Chính sự “rõ ràng” ngay từ đầu khiến người dân thêm tin tưởng. Ngoài ra, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín xã Nậm Chảy đoàn kết trong triển khai tuyên truyền, vận động, hộ nào chưa hiểu thì đến tận nơi giải thích. Kết quả, 100% hộ đồng tình, ủng hộ, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa, nhiều hộ hiến hơn 1.000 m2, hầu hết các hộ lần thứ hai hiến đất…
Đi trên tuyến đường kết nối Thanh Bình - Nậm Chảy, chúng tôi có thể mường tượng được những đổi thay của vùng đất sau này khi tuyến đường được chính thức đưa vào sử dụng. Tuyến đường đi qua những đồi chè xanh ngát, những nương chuối đang cho thu hoạch sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản của người dân. Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thanh Bình - Nậm Chảy được đánh giá cao về tiến độ giải phóng mặt bằng khi chỉ mất 2 tháng đã bàn giao được mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công.