Thắp sáng hy vọng cho người nhiễm HIV

Từng được xem là “án tử”, HIV/AIDS nay đã có thể điều trị và kiểm soát hiệu quả. Ở Yên Bái, những nỗ lực mở rộng tầm soát, điều trị bằng thuốc ARV đã và đang giúp hàng nghìn người nhiễm HIV duy trì sức khỏe, vượt lên nghịch cảnh. Họ đã tìm lại được niềm tin và sống tích cực với một tương lai nhiều hy vọng.
Hành trình không tên
Không có tiếng còi báo động cũng chẳng có vết thương nhìn thấy được, với những người mang HIV, cuộc chiến mỗi ngày là một hành trình lặng lẽ, không tên, ít người thấu hiểu. Tuổi 42, chị N.T.L ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên vẫn chưa quên được ngày bác sĩ thông báo chị dương tính với HIV khi chồng vừa mất vì căn bệnh này. 
Chị N.T.L chia sẻ: "Tôi thấy như bầu trời sụp xuống. Nghèo thì quen rồi nhưng biết mình mang bệnh, tôi không dám nhìn mặt 2 con. May mắn duy nhất lúc bấy giờ là 2 con không mắc. Tôi nghỉ làm ở xưởng may, chuyển sang nhặt ve chai. Có lần xin phụ bán hàng ở chợ, tôi bị từ chối. Người ta bảo tôi bị thế rồi, ai dám ăn. Mãi đến khi được cán bộ y tế xã giới thiệu tiếp cận điều trị ARV, cuộc sống của tôi mới dần đổi khác. Thuốc miễn phí, bác sĩ tận tình, giờ tôi khỏe hơn, tự lo được cho các con”.
Không riêng chị L, anh Đ.S.K ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cũng từng sống trong mặc cảm. Anh phát hiện bị nhiễm HIV sau một thời gian tiêm chích ma túy, cách đây gần 30 năm. 
Anh Đ.S.K nói: "Dù người thân không kỳ thị nhưng tôi vẫn thấy mình là gánh nặng. Đến khi được kết nối với Câu lạc bộ những người nhiễm HIV trên địa bàn, được chia sẻ và động viên, tôi thay đổi suy nghĩ, bắt đầu điều trị ARV, uống Methadone, tham gia hỗ trợ những người mới phát hiện bệnh”.
Vượt rào cản kỳ thị và tự kỳ thị 
Tính đến hết tháng 5/2025, tỉnh Yên Bái có 3.989 người nhiễm HIV, 2.440 người đã chuyển sang AIDS, 1.810 người nhiễm HIV còn sống; có 1.740 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV, trong đó có 1.721 người lớn, 19 trẻ em. Lũy tích số bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc ARV là 2.979 bệnh nhân. Đây là kết quả tích cực từ việc mở rộng mạng lưới tầm soát, xét nghiệm và quản lý điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. 
Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Thị Tươi - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Nhờ việc duy trì đều đặn phác đồ điều trị bằng thuốc ARV, nhiều bệnh nhân đã đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, tức là không còn nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục, có thể sống khỏe mạnh như người bình thường. Tuy nhiên, việc điều trị hiệu quả mới chỉ là một phần của hành trình. Vượt qua rào cản kỳ thị và tự kỳ thị mới là "liều thuốc tinh thần” quan trọng để người bệnh thực sự trở lại với cuộc sống. Trong nhiều năm, sự kỳ thị dù âm ỉ hay công khai vẫn là một trong những rào cản lớn nhất khiến người nhiễm HIV mặc cảm, giấu bệnh, ngại tiếp cận điều trị. Đó là lý do công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng luôn được Yên Bái xác định là giải pháp song hành cùng y tế”. 
Thắp sáng hy vọng cho người nhiễm HIV ảnh 1
Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về HIV/AIDS tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Mỗi năm, ngành y tế tỉnh phối hợp với các địa phương, tổ chức xã hội, đoàn thể triển khai hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhà trường, doanh nghiệp với các chủ đề thiết thực, dễ hiểu về phòng, chống HIV/AIDS. Các chiến dịch nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (tháng 11) và mô hình "thông tin nhóm nhỏ” tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phát huy hiệu quả rõ rệt. 
Riêng tháng 5/2025, Yên Bái đã có 45 buổi, 49 tin, bài phát thanh trên các đài truyền thanh - truyền hình huyện, xã; 129 buổi truyền thông, thảo luận nhóm nhỏ; 933 lượt người nghiện chích ma túy được truyền thông. Cùng với đó, mạng lưới nhóm đồng đẳng và các câu lạc bộ người sống chung với HIV tại các địa phương cũng đang góp phần tích cực vào việc hỗ trợ tinh thần, theo dõi tuân thủ điều trị, khơi dậy giá trị sống cho người nhiễm HIV. Họ vừa là bệnh nhân vừa là những tuyên truyền viên giàu trải nghiệm, lan tỏa thông điệp "Sống tích cực - Sống có trách nhiệm”.
HIV/AIDS từng bị xem là "án tử”, kéo theo nhiều định kiến, kỳ thị nhưng với tiến bộ y học, chính sách hỗ trợ toàn diện và nhận thức xã hội ngày càng thay đổi, người nhiễm HIV hôm nay đã có thể sống khỏe mạnh, đóng góp cho cộng đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, Yên Bái cần tiếp tục mở rộng điều trị, truyền thông xóa bỏ kỳ thị. Khi xã hội đồng hành, bao dung, thấu hiểu, người bệnh sẽ có thêm cơ hội trở lại với cuộc sống và đích đến "không còn HIV/AIDS” sẽ không còn xa.
Lê Thương

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Anh đã chính thức khởi động chương trình Hợp tác An ninh y tế ASEAN - Anh (HSP) kéo dài 5 năm, nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa đến sức khỏe.

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm nay diễn ra đúng lúc cả nước khẩn trương triển khai sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là thời cơ và cũng là thách thức lớn đối với tổ chức Đoàn, Hội trong kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè của trẻ em thành phố là những chuyến du lịch cùng gia đình, về quê nội, ngoại hay khám phá các khu vui chơi cùng bố mẹ. Nhưng với trẻ em vùng cao, mùa hè là khoảng thời gian để giúp đỡ gia đình. Mùa hè với mỗi đứa trẻ đều có ý nghĩa khác nhau, dù đủ đầy hay vất vả, đều là những kỷ niệm đáng nhớ, đem lại nhiều bài học trong cuộc sống sau này.

fb yt zl tw