LCĐT - Khi tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất nhẹ rơi, những cành mận, cành đào bắt đầu khoe sắc cũng là lúc một năm cũ sắp qua đi, năm mới chuẩn bị đến. Tiết trời vẫn vậy, ngày tết vẫn thế, khác chăng là sự biến chuyển trong quan niệm và tình cảm của những người trẻ tuổi về cái tết cổ truyền.
Giờ này của mọi năm, bạn Tẩn Mùi Liều, dân tộc Dao ở thôn Bản Pho, xã Bản Qua (Bát Xát) vẫn đang trong thời gian đi học. Vì là học sinh nội trú, Liều sống tại ký túc xá của trường học, giáp tết mới được về nhà, thế nên mọi năm, việc mua sắm, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán bạn ít được tham gia, chủ yếu nhờ mẹ và chị gái.
Năm nay thì khác, Liều đã tốt nghiệp THPT, có nhiều thời gian ở nhà hơn, bạn quyết định sẽ cùng mẹ chuẩn bị một cái tết thật ý nghĩa theo đúng phong tục của dân tộc Dao. Tẩn Mùi Liều chia sẻ: “Mình là người may mắn, sớm được ra thành phố học tập, nên càng hiểu rằng, đón tết cổ truyền là một nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng cần được gìn giữ. Năm nay mình có nhiều thời gian hơn vì không bận học, nên sẽ cùng mẹ chuẩn bị tết, gói bánh chưng và chế biến các món ăn ngày tết. Đêm 30, cả nhà sẽ quây quần và mình muốn nghe mẹ kể lại những nét độc đáo về tết cổ truyền của dân tộc để ghi nhớ...”.
![]() |
Trò chơi dân gian trong dịp tết cô truyền vẫn được giới trẻ yêu thích. |
Khác với Tẩn Mùi Liều, bạn Nguyễn Trung Kiên, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai lại có suy nghĩ “thoáng” hơn về Tết Nguyên đán. Trung Kiên vốn được nhiều bạn trẻ ở Lào Cai biết đến là một rapper với nghệ danh TK7. Đam mê âm nhạc và nhiếp ảnh, nên ngay từ những ngày cận tết, Kiên đã lên cho mình kế hoạch đón tết thật ý nghĩa. Kiên chia sẻ: “Tết Nguyên đán được nghỉ khá dài, đây sẽ là dịp để mình chụp được nhiều bức ảnh đẹp, khám phá những nơi chưa đến. Ngoài ra, tết này, mình cũng muốn cùng các bạn có chung đam mê âm nhạc họp mặt để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, đối với mình, sum vầy cùng gia đình trong dịp Tết cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, đón tết cùng gia đình là việc mình ưu tiên thực hiện, nhất là trong đêm giao thừa, những ngày còn lại sẽ là dịp để mình thỏa mãn những sở thích cá nhân. Tết Nguyên đán ngày nay có thể không hoàn toàn giống xưa, nhưng theo mình, hòa nhập xu hướng mới, không có nghĩa là làm mất đi cái cũ”.
Trên đây chỉ là hai trong những kế hoạch đón tết của giới trẻ ở Lào Cai hiện nay. Thực tế, quan điểm về việc đón tết cổ truyền đã có sự thay đổi theo thời gian và sự phát triển của xã hội. Ngày nay, việc được “ăn ngon mặc đẹp” là chuyện hằng ngày chứ không phải đợi đến ngày tết cổ truyền như trước kia. Hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa nồng ấm; những đứa trẻ háo hức, vui mừng khi được bố mẹ mua cho bộ quần áo mà chưa dám mặc, chờ đúng mồng 1 tết mới mang ra diện giờ đây không còn phổ biến nữa. Nhiều gia đình cũng không gói bánh chưng và chế biến các món ăn truyền thống ngày tết mà mua tại các cửa hàng, siêu thị để vừa tiết kiệm thời gian vừa không tốn công sức. Những ngày lễ trên thế giới cũng đang ngày càng đi vào cuộc sống của người dân Việt, vô tình khiến ngày Tết Nguyên đán không còn hiện hữu rõ nét trong tâm trí nhiều bạn trẻ. Trong dịp nghỉ tết, không ít bạn trẻ thích đi du lịch cùng bạn bè nhiều hơn là sum họp với gia đình.
Và nếu người lớn tuổi có thể tổ chức, gìn giữ những nét đẹp truyền thống thì những người trẻ khi bước ra xã hội có dễ dàng làm mất những giá trị truyền thống đó không? Đó là câu hỏi luôn được nhiều người quan tâm mỗi khi tết đến, xuân về. Em Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Em rất thích được gói bánh chưng hay học nấu các món ăn trong mâm cỗ ngày tết, nhưng năm nào bố mẹ cũng bận rộn, không có thời gian dạy em. Những thứ đó, mẹ ra chợ có thể mua được hết rồi”.
Có thể thấy, nếu mang tết xưa và tết nay để so sánh, chắc hẳn không ít người tiếc nuối. Tết xưa là “bánh chưng xanh bên câu đối đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi...” thì tết nay vội vã, gấp gáp hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, giới trẻ bị cuốn hút vào những thú vui tiêu khiển của xã hội hiện đại mà thờ ơ với tết cổ truyền. Thế nhưng thực tế vẫn có một bộ phận giới trẻ trăn trở về việc làm thế nào để gìn giữ trọn vẹn phong vị tết truyền thống. Nhiều trường học, câu lạc bộ tình nguyện vẫn thường xuyên tổ chức các buổi dạy gói bánh chưng cho học sinh vừa để vui chơi, vừa giúp các bạn trẻ biết cách làm một chiếc bánh đặc sản truyền thống. Ở đây đó, chúng ta vẫn thấy nhiều gia đình rủ nhau mổ lợn, làm giò, gói bánh chưng để con trẻ có cảm nhận về nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của Tết Nguyên đán.
Để lưu giữ tết cổ truyền đậm nét hơn trong lòng người trẻ, trong mỗi gia đình, phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho con em mình. Kể cho con nghe ý nghĩa của tết cổ truyền, cùng con chuẩn bị đón tết để cảm nhận được không khí đầm ấm, thiêng liêng khi được cùng gia đình đón chào năm mới. Như thế, người trẻ sẽ đón nhận tết cổ truyền một cách tự nhiên chứ không phải miễn cưỡng.
Tết cổ truyền của người Việt có những nét đẹp, đặc trưng, khó có thể hòa lẫn. Đây là dịp để mọi người nhắc đến niềm vui hạnh phúc và cầu mong sự bình an. Thiết nghĩ, các bạn trẻ nên có sự dung hòa giữa tết xưa và tết nay, để vừa lưu giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với nhịp sống mới của xã hội hiện đại.
* “Nếu coi trọng truyền thống sẽ không thấy đơn sơ”
Đó là ý kiến của nữ sinh viên Lường Thị Mai, dân tộc Thái, quê ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, hiện đang theo học năm thứ nhất, lớp y sĩ 16A, Trường Trung học Y tế Lào Cai.
![]() |
Theo Lường Thị Mai, hiện nay, một số bạn trẻ, nhất là các bạn sinh ra và lớn lên ở vùng cao, vùng xa, khi có cơ hội đi đó đây thường ngại về nhà, thậm chí cả trong kỳ nghỉ tết, vì cho rằng, tết ở nông thôn thường đơn sơ. Nhưng với nữ sinh dân tộc Thái Lường Thị Mai lại khác, cô cho rằng, nếu giới trẻ coi trọng truyền thống, tìm hiểu rõ hơn phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa trong ngày tết của đồng bào mình, vùng quê mình thì sẽ thấy tết cổ truyền không còn đơn sơ.
Vì thế, năm học đầu tiên, cô rất háo hức trong ngày nhà trường cho nghỉ học để về quê kịp gói bánh chưng và phụ giúp bố mẹ chuẩn bị tết. “Gia đình em có điều kiện kinh tế, bố mẹ có thể cho em đi tham quan, du lịch vài nơi, nhưng em không quan tâm nhiều đến điều đó, bởi đi học xa gia đình, tết là dịp được sum vầy cùng người thân và tham gia các phong tục đón tết của dân tộc mình. Một số bạn trong lớp rủ em ở lại thành phố Lào Cai, đi du lịch, trước khi về quê đón giao thừa, nhưng em không đi, về quê sớm để chuẩn bị tết. Dù chưa đến tết, nhưng ở quê em không khí rộn ràng lắm”, Mai cho biết.
* “Tết là dịp để sẻ chia”
Là người có những điểm mới trong quan niệm về Tết Nguyên đán, Lê Khánh Huyền, 22 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại thành phố Lào Cai đã chia sẻ rằng: “Với nhiều người thì Tết là để về nhà, để gặp gỡ bạn bè, là để đi du lịch, nhưng với mình thì đây còn là dịp để sẻ chia”.
![]() |
Được biết, từ mấy năm nay, Huyền và các bạn thường tổ chức hoạt động tình nguyện vào dịp tết để ngày tết cổ truyền thêm ý nghĩa hơn. Tùy theo nhóm, ngày tết, các bạn thường chọn hướng đi là vùng cao Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa hay Si Ma Cai để đón xuân và tổ chức hoạt động xã hội. “Đón tết ở vùng cao giúp chúng mình củng cố kiến thức văn hóa về các dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao và có thêm cơ hội đồng cảm, sẻ chia với bà con” - Huyền cho biết.
Đồng bào vùng cao đa phần có cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, trong khi đó, nhiều người trẻ tuổi lại đang hưởng thụ sự dư giả, an nhàn và đôi khi là nhàm chán. Bởi vậy, Huyền và một số bạn trẻ đã chọn cách vui tết riêng cho mình, có thể chỉ là đến vùng cao tặng bà con những món quà nhỏ như chiếc áo ấm, đôi tất, đôi ủng hay chiếc bánh chưng nhưng các bạn rất vui, hạnh phúc khi thấy bà con hồ hởi đón nhận. Huyền tâm sự: “Hy vọng là ngày càng có nhiều bạn trẻ suy nghĩ như chúng mình để những người nghèo bớt khổ, vùng cao vơi bớt thiếu thốn, khó khăn”.
* “Tôi không thể xa rời truyền thống”
Nguyễn Kim Anh (24 tuổi), hiện đang là điều dưỡng viên tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai. Khi nói về ngày tết cổ truyền, cô tâm sự: “Đa số bạn trẻ ngày nay muốn được đi chơi, tụ họp hay du lịch trong dịp nghỉ tết, nhưng với tôi, thời gian này vẫn muốn được sum vầy bên gia đình, người thân. Tôi thích cảm giác cùng mẹ đi chợ tết mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… về nhà gói bánh chưng và trông nồi bánh bên bếp lửa, rồi trò chuyện với người thân về những buồn vui của cuộc sống. Bên nồi bánh, người trẻ thì nói về những dự định trong tương lai, người lớn tuổi thì đưa ra những lời khuyên bảo.
![]() |
Chị em chúng tôi thường giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua cành đào, hoa tết về trang trí cho không gian ngôi nhà thêm đầm ấm, vui tươi và mua tặng người thân tấm áo mới. Ngày tết, tôi thích cùng mẹ sửa soạn mâm cơm cúng tất niên, đi lễ chùa ngày đầu năm để cầu sức khỏe, may mắn và xin chữ. Vui nhất là được cùng gia đình đi chúc tết họ hàng, làng xóm. Những ngày tết như thế đối với tôi thật ý nghĩa, đáng trân trọng. Với gia đình tôi, việc giữ nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được người lớn răn dạy trẻ nhỏ từ rất sớm. Và đến bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi càng không thể xa rời văn hóa truyền thống, nhất là phong tục đón tết cổ truyền”.
* “Tết là kỷ niệm khó quên”
“Với chiến sỹ biên phòng, đón Tết ở đơn vị cũng như ở nhà vậy. Anh em mỗi người một quê, nhưng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” mà. Không khí đón tết ở các đơn vị cũng vui tươi lắm, bộ đội không thiếu thứ gì, cũng có thịt, bánh chưng, mứt, bánh kẹo, cành đào...”. Binh nhất Ma Seo Dìn công tác ở Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã tâm sự như vậy về ngày Tết Nguyên đán.
![]() |
Tết năm nay, tôi sẽ gác lại những cảm xúc riêng để thực hiện tốt nhiệm vụ trực tết; tất cả dành cho tinh thần bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc được bình yên, nhân dân địa phương yên tâm đón tết vui vẻ, an toàn. Tôi luôn tâm niệm rằng, đã là bộ đội biên phòng nghĩa là khoác lên mình trọng trách thiêng liêng, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Tết của lính trẻ ở đồn biên phòng cũng có những niềm vui riêng. Đồn thường tổ chức cho chiến sĩ mổ lợn, gói bánh chưng, cắm hoa đào, gọi điện về thăm hỏi và chúc Tết gia đình, rồi xuống thôn, bản đón Tết cùng bà con địa phương. Với những chiến sĩ trẻ như chúng tôi, mỗi cái Tết ở đơn vị sẽ luôn là một kỷ niệm khó quên và chúng tôi luôn hiểu “Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”.