Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 46/63 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), số lợn chết và trong diện phải bắt buộc tiêu hủy lên đến 61.335 con.
Tại tỉnh Lào Cai đến nay, theo báo cáo chính thức đã có 4 huyện (Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn, Si Ma Cai) xảy ra dịch, số lợn chết, mắc bệnh phải tiêu hủy là 96 con.
Trước cảnh báo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về diễn biến phức tạp của DTLCP trên thế giới và trong nước, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 426/KH-UBND ngày 1/12/2023 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành từ đầu năm đến nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Trong đó tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh DTLCP nói riêng nhằm bảo vệ phát triển sản xuất, tiêu dùng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách, triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung và bệnh DTLCP nói riêng, nhất là thời điểm từ nay cho đến cuối năm 2024.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh thêm ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ra vào địa bàn tỉnh; kiểm soát giết mổ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên đối với các sản phẩm từ lợn tại các trang trại, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ buôn bán thịt lợn (nhất là đối với các trường hợp giết mổ lợn có trọng lượng nhỏ chưa đến tuổi và cân nặng xuất bán trung bình).
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; tuyệt đối không được để phát sinh thêm bệnh dịch tả lợn châu Phi do thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra; trường hợp để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các ca bệnh đầu tiên; cùng các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành trong việc xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu của bệnh DTLCP; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp ở thôn, bản để người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người chăn nuôi trong chọn lựa con giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bán chạy lợn ốm, lợn bị bệnh...