Tăng cường tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai

LCĐT - Nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai (2/4/1948 -2/4/2018), Báo Lào Cai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

TRUYỀN THỐNG 70 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ

TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH LÀO CAI

(2/4/1948 - 2/4/2018)

Hơn 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Thành quả vĩ đại nhất của quá trình cách mạng ấy là nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc, đưa đất nước đi theo con đường XHCN. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng khá, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh, đời sống nhân dân được nâng lên, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Dân tộc ta có một quân đội anh hùng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.

Là một bộ phận hợp thành của Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và sự chăm lo, yêu thương đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, LLVT tỉnh Lào Cai đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết, gắn bó với nhân dân. Phát huy truyền thống của quân đội, truyền thống của LLVT Quân khu 2, LLVT tỉnh Lào Cai từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho, xứng đáng với truyền thống "Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng" của LLVT Quân khu 2.

Phần thứ nhất

LÀO CAI - VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU

TRANH CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Do điều kiện tự nhiên, nơi đây không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, mà còn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng bởi địa hình rừng núi hiểm trở, có các tuyến giao thông huyết mạch cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, đặc biệt có 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc  gia, do vậy tạo nên những ưu thế riêng…

Từ thuở các Vua Hùng dựng nước, Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng. Đến thế kỷ X khi ông cha ta khôi phục nền độc lập, Lào Cai thuộc đất Châu Đăng của nước Đại Việt, sau này đổi thành phủ Quy Hóa thuộc tỉnh Hưng Hóa. Đầu năm 1886, thực dân Pháp xâm chiếm Lào Cai, ngày 12/7/1907 Toàn quyền Đông Dương đã chính thức ký quyết định thành lập tỉnh dân sự Lào Cai, gồm 2 châu  Thuỷ Vĩ, Bảo Thắng; tổng diện tích 4.625km2; dân số khoảng trên 3 vạn người với nhiều dân tộc anh em. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Lào Cai có 8 huyện, 1 thành phố, có diện tích tự nhiên 6.384 km2, dân số trên 69 vạn người với 25 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Kinh, còn lại là các dân tộc khác.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước chống giặc ngoại xâm, không chịu khuất phục trước thiên tai. Là vùng đất có vị trí chiến lược về quân sự, Lào Cai luôn được coi là "phên dậu" che chở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Thời nhà Trần, dưới sự chỉ huy của Thủ lĩnh Hà Bổng và các tù trưởng địa phương, nhân dân vùng Quy Hóa đã anh dũng chiến đấu đánh bại đội quân của tướng giặc Uri-ang-kha-đai, góp phần cùng quân dân cả nước 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược. Thời Lê Lợi năm Đinh Mùi (1427) tại ải Lê Hoa (tức khu vực Lào Cai hiện nay), tướng quân Lê Khả và chủ trại Quy Hóa Phạm Văn Xào tung quân chiến đấu, tiêu diệt hơn 1 vạn giặc, bắt sống hơn 1 nghìn tên, tướng giặc Mộc Thanh phải một mình một ngựa chạy tháo thân. Ải Lê Hoa với chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử dân tộc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhiều cuộc đấu tranh, nổi dậy của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đã liên tiếp nổ ra, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo, cần cù trong lao động đã đúc kết nên truyền thống của các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Phần thứ hai

NHỮNG TRANG SỬ OANH LIỆT, HÀO HÙNG TRONG 70 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LLVT TỈNH LÀO CAI

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LLVT TỈNH LÀO CAI (1940 - 1948)

1. Tình hình Lào Cai trước 1945

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối kéo dài kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Sau khi ra đời, Đảng ta đã đề ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Những năm 1940 - 1945, mặc dù Lào Cai bị thực dân Pháp và phát xít Nhật kiểm soát rất nghiêm ngặt, bên cạnh đó bọn tay sai thổ ty, đặc biệt là bọn Việt Nam Quốc dân Đảng, biến chất phản động, ra sức cấu kết với thực dân Pháp chống phá cách mạng, nhưng phong trào yêu nước ở Lào Cai vẫn phát triển. Nhiều nhóm yêu nước hoạt động theo xu hướng cách mạng: Thị xã Lào Cai, Cam Đường, Sa Pa, Phố Lu, hãng ô tô vận tải STAL, Sở Thú y, Sở Dây thép (Bưu điện), Sở Thủy lâm… thu hút, lôi kéo được cả một số người trong đội bảo an binh của Nhật, hình thức hoạt động là đẩy mạnh tuyên truyền.

Cao trào kháng Nhật cứu nước ngày càng lên cao, ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử Quân đội ta.

Trong khi cả nước chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng, bắt đầu hình thành LLVT ở các địa phương và các đơn vị chủ lực, chuẩn bị khởi nghĩa giành độc lập, thì ở Lào Cai vẫn chưa thành lập được đội du kích do chưa có tổ chức cách mạng. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có một tổ Việt Minh và cán bộ của Đảng làm nòng cốt lãnh đạo phong trào ở địa phương.

2. Xây dựng chính quyền, đánh Quốc dân Đảng, tiến lên giải phóng Lào Cai (1946 -1950)

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương cũng là lúc tiếng súng kháng Nhật cứu quốc bùng nổ, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.

Cuối tháng 04/1945, Ban cán sự Đảng khu D cử đồng chí Mai Văn Ty (Bí thư chi bộ thị xã Yên Bái) lên Lào Cai xây dựng cơ sở cách mạng, tổ Việt Minh ở ga xe lửa Phố Mới được thành lập do anh Vũ Công Khiêm là tổ trưởng, phong trào yêu nước được đẩy mạnh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng tình hình chính trị - xã hội ở Lào Cai diễn biến hết sức phức tạp. Theo hiệp ước đồng minh, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Trong khi chưa giành được chính quyền cách mạng cấp tỉnh thì nhân dân Lào Cai lại phải đối phó ngay với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ Việt Nam Quốc dân đảng phản động. Trong vòng một năm chiếm đóng ở Lào Cai (từ tháng 11/1945 đến tháng 11/1946), bọn Quốc dân đảng đã phá hoại thành quả của nhân dân vừa mới giành được, khủng bố những người theo xu hướng Việt Minh, ngoài ra, chúng còn thu nhiều loại thuế, bắt nhân dân nộp lương thực, thực phẩm để nuôi quân; tung tiền giả ra trao đổi mua bán làm rối loạn thị trường...

Với chủ trương hòa để tiến của Trung ương, trung tuần tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ lên Lào Cai, với nhiệm vụ tranh thủ lúc Tưởng chưa lập chính quyền tay sai, xúc tiến nhanh việc tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng gây dựng cơ sở cách mạng. Đoàn lên mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18/10/1945). Trong thư Người thông báo cho đồng bào Lào Cai biết Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công trong cả nước và Người thăm hỏi, động viên nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà.

Ngày 14/10/1945, Uỷ ban hành chính tỉnh Lào Cai được thành lập (trên danh nghĩa) do ông Nguyễn Quốc Bảo làm Chủ tịch. Tại thị xã Lào Cai, thị trấn Sa Pa và Phố Lu, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Đồng thời với việc thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời, các đội du kích và tự vệ ở các địa phương trên và một số nhà máy, công sở của tỉnh được khẩn trương xây dựng. Đội du kích thị trấn Sa Pa mang tên "Tòng vệ binh". Tuy còn rất nhiều khó khăn, thử thách trước sự đe dọa của mọi kẻ thù, nhưng các sự kiện đó đã đánh dấu bước tiến mới rất quan trọng của phong trào cách mạng Lào Cai.

Đầu tháng 9/1946, Xứ ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai gồm ba đồng chí, do đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng ban (có lúc gọi là Bí thư), hai đồng chí Lê Thanh và Đào Đình Bảng làm ủy viên. Sự kiện Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng của nhân dân Lào Cai. Từ đây Lào Cai đã có tổ chức đảng lãnh đạo, là động lực to lớn thúc đẩy quần chúng đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương.

Ngày 04/10/1946, kế hoạch triển khai chiến dịch giải phóng Lào Cai được Ban cán sự Đảng tỉnh và các đồng chí Bùi Quang Tạo (Xứ ủy viên Bắc Kỳ), đồng chí Bằng Giang (Tư lệnh Khu 10) họp bàn chi tiết.

Sau khi bị các đơn vị bộ đội chủ lực của ta tấn công, truy quét, tàn quân Quốc dân đảng dồn về Phố Lu, Cam Đường, Lào Cai, chúng định xây dựng nơi đây thành sào huyệt chống phá lại cách mạng, chúng ra sức bắt lính, lập đồn bốt, công sự kiên cố.

Được sự hỗ trợ trực tiếp của các đơn vị bộ đội: Trung đoàn 115 (Yên Bái), Đại đội 7 (Tiểu đoàn Hùng Vương), hai tiểu đoàn của Hà Tuyên và một số đơn vị khác; quân và dân các dân tộc Lào Cai đã tích cực tham gia chiến đấu tiêu diệt Quốc dân đảng. Trong chiến dịch này, ta đã tận dụng được kế sách vận động lực lượng thổ ty ở Mường Khương, Pha Long, Bắc Hà, Si Ma Cai cùng tham gia chiến đấu chống kẻ thù chung. Đây là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, là bài học lớn về tập hợp lực lượng.        

Từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11/1946, hoàn thành chiến dịch giải phóng Lào Cai lần thứ nhất. Nhiều trận chiến đấu gay go, quyết liệt đã nổ ra, nhưng trước ưu thế áp đảo và sức tiến công mạnh mẽ của ta, các khu vực lần lượt được giải phóng: Phố Lu (28/10), Cam Đường (04/11), Sa Pa (08/11) và ngày 12/11/1946 là ngày đi vào lịch sử tỉnh Lào Cai như một mốc son quan trọng, ngày giải phóng Lào Cai lần thứ nhất giải phóng nhân dân các dân tộc Lào Cai thoát khỏi sự đàn áp của bọn Quốc dân đảng phản động. Cuối tháng 11/1946, chính quyền cách mạng tỉnh Lào Cai được tái lập theo chế độ quân quản. 

3. Thành lập Tỉnh đội bộ dân quân Lào Cai (1948)

Với bản chất phản động, hiếu chiến, thực dân Pháp ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước ngày 14/9, ngày càng đi sâu vào con đường mở rộng chiến tranh xâm lược. Đêm 19/12/1946 cả nước bước vào cuộc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 01/1947, Khu uỷ Khu 10 quyết định thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Lào Cai thay cho Ban cán sự đảng để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được khai mạc tại Sở Cẩm (Sở Cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu thuộc tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai do ta giải phóng tiếp quản dùng làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt Minh. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Thanh được bầu là Bí thư kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, (Ngày 05/03/1947 được xác định là ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai) Nghị quyết hội nghị xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm lúc này là: Tập trung củng cố chính quyền và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang. Song, do sự áp đảo của địch, Tỉnh ủy Lào Cai quyết định sơ tán lực lượng chủ yếu của ta về xã Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để bảo toàn và củng cố lực lượng.

Ngoài việc bổ sung quân thành lập đơn vị chủ lực (Trung đoàn 117 sau đó đổi tên thành Trung đoàn 171 và cuối cùng là Trung đoàn 165 Lao Hà). LLVT tỉnh ngày càng phát triển, tháng 03/1947, Tiểu đoàn cảnh vệ (đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh) được thành lập, sau đó phát triển thêm một Đại đội biên phòng, ở tất cả các huyện, thị xã và một số xã có các tổ, đội du kích hay tự vệ vũ trang.

Tháng 04/1947 bãi bỏ Uỷ ban quân quản, thành lập ủy ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến tỉnh, huyện. Đầu tháng 04/1948, tại căn cứ Lục Yên - Yên Bái, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh được kiện toàn, đồng chí Hoàng Trường Minh được cử làm Chủ tịch.

Ngày 02/04/1948 tại chân đèo Mận thuộc thôn Làng Già, xã Yên Thế, huyện Lục Yên, Tỉnh đội bộ dân quân Lào Cai được thành lập gồm 13 đồng chí, đồng chí Hoàng Mạnh Trung làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thư Viện làm Chính trị viên, ngoài ra còn có 53 du kích thoát ly là lực lượng thường trực chiến đấu của tỉnh. Tỉnh đội Lào Cai được thành lập, từ đây lực lượng vũ trang địa phương đã có sự lãnh đạo thống nhất, ngày càng trưởng thành, đó là kết quả tất yếu, gắn liền quá trình đấu tranh cách mạng giành và giữ chính quyền ở Lào Cai.

II. CHÍN NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC, PHÁ TAN ÂM MƯU GÂY PHỈ CỦA ĐỊCH (1946 - 1954)

1. Xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng cách mạng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, giải phóng Lào Cai lần thứ hai (1950)

Tháng 06/1947, thực dân Pháp đã hình thành thế bao vây Lào Cai, bọn thổ ty ráo riết chuẩn bị lực lượng, bắt liên lạc với "chủ" cũ, ta chủ trương củng cố vùng căn cứ Bảo Nhai, Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao vận động nhân dân "Tiêu thổ kháng chiến" và tích cực tăng gia sản xuất, dự trữ lương thực.

Giữa tháng 09/1947, ta chủ động mở mặt trận Tây Tiến để ngăn địch lấn chiếm vùng tự do, giành thắng lợi ở Sa Pa, Mường Hum, Bình Lư, Dương Quỳ (Văn Bàn), Than Uyên. Thực hiện chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh", thực dân Pháp tập trung quân ào ạt tiến công đánh chiếm tỉnh Lào Cai, các thổ ty làm nội ứng cho giặc chống lại cách mạng, đến cuối năm 1947 thực dân Pháp cơ bản chiếm đóng miền Tây Lào Cai. Khu vực miền Đông bị bọn thổ ty làm phản, quân dân các dân tộc Lào Cai đã anh dũng chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" của địch, chiến dịch Việt Bắc thu đông kết thúc, tạo lợi thế cho ta.

Tháng 01/1948, Trung ương Đảng quyết định hợp nhất Khu 10 và Khu 14 thành liên Khu 10, Lào Cai được trên tăng cường một tiểu đoàn chủ lực, ta phát động đẩy mạnh chiến tranh du kích, đưa các đoàn cán bộ của ta vào vùng hậu địch để phát động, đấu tranh dưới nhiều hình thức phong phú, tích cực tạo thế, lực và thời cơ; phối hợp các lực lượng chống địch càn quét lấn chiếm. Đến tháng 10/1948, phong trào chống Pháp phát triển mạnh mẽ, ngày 10/10/1948 tại thôn Soi Lần, Chi bộ Đảng xã Cam Đường - chi bộ nông thôn đầu tiên được thành lập, thời kỳ khó khăn đã vượt qua. Từ thế bị động, ta đã chủ động tiến hành vũ trang tranh đấu từ khu du kích Cam Đường, Xuân Giao, Gia Phú (Bảo Thắng), tấn công mở rộng ra các địa bàn khu vực lân cận. Huyện đội Bảo Thắng, Sa Pa và một số đơn vị du kích tập trung được thành lập. Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ, trong đó có sự hy sinh anh dũng của chiến sỹ Hoàng Sào đã nêu cao tấm gương chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của quân và dân Lào Cai.

Từ ngày 24/06 đến 26/06/1949, trận công đồn Phố Ràng toàn thắng. Cuối năm 1949, Tỉnh đội Lào Cai tổ chức các đơn vị bộ đội địa phương: Đại đội 962, Đại đội 965, Đại đội 984 đánh dấu bước phát triển về chất của lực lượng vũ trang tỉnh, đã thành lập được liên chi bộ và chi bộ đại đội.

Đầu năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc (chiến dịch Lê Hồng Phong). Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Bằng Giang, Chính ủy là đồng chí Song Hào đã phối hợp với các đơn vị chủ lực Trung đoàn 102, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Tiểu đoàn 19, Tiểu đoàn 40, còn có 3 đại đội và 10 trung đội bộ đội địa phương cùng dân quân, du kích tại địa bàn. Nhiều trận chiến đấu ác liệt xảy ra tại Phố Lu, Bản Lầu, Bát Xát, Bắc Hà, Cam Đường, Bến Đền (Gia Phú) gây cho địch những thiệt hại nặng nề, nhân dân Lào Cai đã tích cực đóng góp ủng hộ chiến dịch một số lượng vật chất, lương thực, thực phẩm và nhân công phục vụ.

Tháng 06/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II). Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, kiêm Chính ủy chiến dịch. Tỉnh Lào Cai nằm trên hướng kết hợp nghi binh, tập trung lực lượng của địch. Toàn bộ lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với Trung đoàn 165, Trung đoàn 148 tham gia chiến dịch. Tỉnh ủy, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, động viên đồng bào các dân tộc ủng hộ và tham gia kháng chiến. Phối hợp với các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích của ta dũng cảm chiến đấu, lập thành tích xuất sắc, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lần lượt giải phóng các địa phương: Bắc Hà (20/09/1950), Cam Đường (25/10), Lào Cai (01/11), Sa Pa (03/11), Mường Khương (12/11), tỉnh Lào Cai đã hoàn toàn giải phóng, chấm dứt gần 100 năm dưới ách nô dịch của thực dân Pháp, đường biên giới Việt - Trung đã được khai thông. Với chiến thắng biên giới Thu Đông 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang giai đoạn mới.

2. Phá tan âm mưu gây phỉ, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1950 - 1954)

Sau ngày giải phóng, tỉnh Lào Cai đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và an ninh. Thực dân Pháp không từ bỏ ý định quay trở lại đánh chiếm Lào Cai, hòng âm mưu cấu kết với bọn can thiệp Mỹ, quân đội Tưởng Giới Thạch, tàn quân Quốc dân đảng và bọn tay sai thổ ty ngụy quân trước đây để gây phỉ. Đây chính là một bộ phận của chiến tranh xâm lược của đế quốc khi đã ở thế thua.

Cuối năm 1950, trước khi rút khỏi Lào Cai, tên quan ba Pháp Dơ Ba Zanh (DeBaZin), chỉ huy Mường Khương và Hoàng Su Phì đã gặp tên Châu Đường (Hoàng Su Phì) và Châu Quáng Lồ (Pha Long), bàn kế hoạch gây phỉ chống lại ta. Dưới chiêu bài "Dân tộc tự trị", chúng âm mưu thành lập 2 trung đoàn thổ phỉ ở Mường Khương, Bắc Hà (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) do Châu Quáng Lồ cầm đầu và một tiểu đoàn phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang) do Dương Mỹ Tường chỉ huy. Từ năm 1950 đến năm 1954 tại địa bàn Lào Cai, GCMA  (Tổ chức biệt kích nhảy dù thuộc Bộ tổng Tư lệnh quân đội Pháp) đã gây ra 4 vụ phỉ với số lượng 5.500 tên, chiếm 8% dân số toàn tỉnh và bằng 1/3 số phỉ của cả miền Bắc lúc bấy giờ.

Tháng 04/1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ nhất đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đề ra nhiệm vụ chính trị, động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, củng cố an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh… chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc chiến đấu mới, phá tan âm mưu gây phỉ của địch.

2.1. Tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt, đánh địch tái chiếm và phá tan lực lượng phỉ ở miền Đông (1951 - 1952)

Tháng 09/1951, Bộ Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lý Thường Kiệt trên hướng Lào Cai, ngoài việc động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch, Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với Tiểu đoàn 920, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 đánh địch trên tuyến Sa Pa, Bình Lư, Phong Thổ, Than Uyên. Đến 31/12/1950 kết thúc chiến dịch thắng lợi.

Đầu năm 1952, lực lượng phỉ ở miền Đông Lào Cai lúc này do trùm phỉ Châu Quáng Lồ chỉ huy, được sự trợ giúp của quan thầy Pháp và các thế lực phản động, đã ráo riết hoạt động, liên tiếp tổ chức tiến công đánh chiếm các khu vực: Mường Khương, Nấm Lư, Pha Long, Si Ma Cai, Lùng Phình, Bắc Hà. Lực lượng của ta lúc này chỉ có 2 đại đội bộ đội địa phương tỉnh và 5 trung đội bộ đội địa phương, dân quân, du kích huyện, trong khi lực lượng phỉ đông nhất lên tới 3.000 tên. Tuy vậy, các cuộc chiến đấu diễn ra giằng co quyết liệt giữa ta và địch.

Cuối tháng 04/1952, Trung ương đã có chỉ thị phối hợp với bạn quân mở chiến dịch tiễu phỉ ở biên giới Lao - Hà, từ Mường Khương - Lào Cai đến Đồng Văn - Hà Giang. Lực lượng của ta có: Trung đoàn 114, Trung đoàn 148, lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, du kích, bạn quân có Sư đoàn 302, các lực lượng của ta liên tục tổ chức bao vây tấn công địch, dồn quân phỉ vào thế co cụm, lẩn trốn trong dân, trong rừng và đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng gay go quyết liệt, quân phỉ ngoan cố dựa vào thế núi rừng hiểm yếu, địa hình quen thuộc gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.

Sau khi đánh tan các mục tiêu của phỉ, ngày 08/07/1952 ta chuyển sang thời kỳ lùng sục. Kết hợp tấn công quân sự với phát động quần chúng tham gia tiễu phỉ "Gọi phỉ ra hàng, gọi dân về làng".  Cuối năm 1952, chiến dịch tiễu phỉ miền Đông cơ bản thắng lợi, trùm phỉ Châu Quáng Lồ và tên phó của hắn là Hẳng Sao Lùng đều bị tiêu diệt. Ta gọi hàng và bắt sống nhiều tên quan trọng, trong đó có tên Si Sam Man (Đặc vụ Quốc dân đảng), phó lý Lùng Seo Quang, Fran côls (cán bộ phòng nhì Pháp)… thu được nhiều vũ khí, phương tiện quân sự của địch và trả lại cho dân tài sản bị thổ phỉ chiếm đoạt.

2.2. Tiễu phỉ, giải phóng miền Tây, đánh tan âm mưu phỉ hóa toàn dân của đế quốc, cùng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953 - 1954)

Trong tình hình miền Đông tạm ổn, ở miền Tây địch lại thực hiện âm mưu mới, bị thất bại nặng nề về quân sự trong chiến dịch Tây Bắc, chúng âm mưu gây phỉ nổi loạn ở khu vực tam giác: Phong Thổ, Mường Hum, Kim Hoa. Sau đó mở rộng ra địa bàn cả miền Tây. Tăng cường hoạt động tình báo tung phản

fb yt zl tw