Ông Lương Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Muốn giảm nghèo bền vững phải biến tiềm năng thành động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, trong đó lâm nghiệp là chủ lực, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.
Chính quyền xã xác định việc đảm bảo nguồn lương thực phục vụ đời sống và chăn nuôi là rất quan trọng. Có hơn 160 ha ruộng, trong đó 60 ha lúa 2 vụ nhưng nhờ trồng các giống lúa lai năng suất cao nên bình quân mỗi năm Tân Tiến thu hơn 1.100 tấn thóc. Người dân còn trồng 60 ha ngô lai 2 vụ, mỗi năm thu hoạch hơn 250 tấn hạt.
Cùng với cây trồng, đàn gia súc và gia cầm ngày càng phát triển. Nhiều gia đình ở các thôn Nậm Ngòa, Nậm Đâu đã đầu tư nuôi dê. Hiện tổng đàn dê của xã là hơn 600 con.
Nhằm phát huy lợi thế gần suối, nhiều gia đình ở Tân Tiến nuôi vịt bầu đem lại thu nhập không nhỏ. Điển hình là gia đình bà Ma Thị Phan ở thôn Thác Xa 1 mỗi năm nuôi gần 1.000 con vịt, thu lãi 40 triệu đồng.
Với diện tích đất chủ yếu là đồi núi, bởi vậy kinh tế lâm nghiệp được Đảng ủy xã xác định là chủ lực. Xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân. Đến nay, xã có hơn 4.900 ha rừng với các loại cây như quế, bạch đàn, bồ đề đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân.
Nhận thấy lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào nhưng tập trung chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp, thu nhập chưa cao nên chính quyền xã đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cho đi xuất khẩu, làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm xã tổ chức cho hơn 30 lao động đi làm ngoài địa phương…
Với những giải pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân, hiện thu nhập bình quân của Tân Tiến đạt 40,8 triệu đồng/người/năm (tăng 3,7 triệu đồng so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 27,1% (giảm 16,9% so với năm 2022)...