Năm học 2020 - 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường yêu cầu học sinh học trực tuyến. Khi ấy, em Nông Đặng Mai Liên (thôn Vạch, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai), học sinh Trường Tiểu học Cam Đường phải mượn điện thoại của hàng xóm và họ hàng để theo dõi các tiết giảng của thầy cô giáo, nhưng hôm được, hôm không. Thấu hiểu hoàn cảnh của em, hội phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo trong trường đã quyên góp, hỗ trợ 1 bộ máy tính cho em. Em Liên tâm sự: Được hỗ trợ máy tính, em rất vui. Việc học trực tuyến trở nên dễ dàng hơn.
Thông qua Chương trình "Sóng và máy tính cho em", tỉnh Lào Cai đã huy động tiền mặt được hơn 4,9 tỷ đồng và 693 thiết bị.
Cô giáo Cao Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Đường cho biết: Đó là kết quả của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do nhà trường phát động. Ngoài Mai Liên, nhà trường còn huy động xã hội hóa hỗ trợ 10 học sinh về thiết bị máy tính để học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19. Nhờ vậy, nhà trường có thể thực hiện hình thức giao bài tập về nhà qua mạng, học nhóm trực tuyến hoặc khuyến khích học sinh ôn luyện bằng các phần mềm học tập. Hiện tại, học sinh vẫn sử dụng các thiết bị này để tham gia kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường.
Tại Trường PTDT bán trú THCS Tả Thàng (huyện Mường Khương), năm học 2022 - 2023 có 8 lớp học với 260 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng đối với lớp 7 thì Tin học là môn học bắt buộc, trong khi đó nhà trường chưa có phòng học Tin học. Cuối năm 2022, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, LienVietPostBank Lào Cai đã tài trợ cho nhà trường 20 máy tính. “Trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, được trang bị phòng máy tính mới có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nhà trường có thêm điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cũng như thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm học mới”, thầy Phan Xuân Thái, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Khi lắp đặt phòng máy tính, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Tả Thàng hào hứng làm quen với thiết bị. Em Thào Chu, học sinh lớp 9B không giấu nổi niềm vui: Máy tính giúp chúng em học tập tốt hơn, nhất là đối với môn Tin học. Em rất vui vì từ bây giờ cùng với học lý thuyết, chúng em được thực hành trên máy tính và có thể tham gia các cuộc thi, giao lưu trên mạng internet.
Câu chuyện ở Trường Tiểu học Cam Đường và Trường PTDT bán trú THCS Tả Thàng đã minh chứng cho tính nhân văn sâu sắc của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, năm học 2022 - 2023, chương trình tiếp tục được phát động tại các địa phương để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta, truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số.
Bà Trần Xuân Huệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tại Lào Cai, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Chương trình huy động được hơn 4,9 tỷ đồng, 693 thiết bị. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 305 ngày 12/9/2022 về đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu mầm non, phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phổ cập giáo ục mầm non 4 tuổi trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 850 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư các thiết bị phục vụ chuyển đổi số.
Toàn tỉnh hiện có 612/612 cơ sở giáo dục có kết nối internet, trong đó 607 trường sử dụng mạng cáp quang internet băng rộng cố định; 5 trường sử dụng mạng 4G. Triển khai thí điểm 36 trường THPT trên hệ thống phần mềm xây dựng môi trường học tập trực tuyến, hệ thống khảo thí, ngân hàng đề thi, thi trực tuyến do Công ty Lạc Việt cung cấp. Một số cơ sở giáo dục khai thác hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS) do VNPT hoặc Viettel cung cấp; 100% giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; sáng tạo và khai thác hiệu quả các giải pháp học trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 như SHub Classroom, ZOOM Cloud meeting, Microsoft Teams…; sử dụng các ứng dụng Zalo, E-mail, Facebook, Messenger… để tương tác với học sinh.