LCĐT - Nghị quyết 22 ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020” đã tạo điều kiện cho huyện vùng cao này chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn mạnh mẽ. Mặc dù đã hết hiệu lực nhưng dòng chảy của nghị quyết vẫn tiếp diễn, đem lại niềm vui cho người dân.
Nhiều hộ dân hưởng lợi từ nguồn vốn vay Nghị quyết 22. |
Năm 2018, gia đình anh Lùng Lìn Phòng (thôn Bản Mế, xã Bản Mế) được hỗ trợ 1 cặp bò giống từ nguồn vốn của Nghị quyết 22. Sau một thời gian, bò sinh trưởng, phát triển tốt và đẻ thêm 1 con bê. Sau đó, anh Phòng đã chuyển pha bò cho hộ khác chăn nuôi. Đồng thời, anh cũng nhận thấy tiềm năng của chăn nuôi đại gia súc nên quyết định vay vốn mua thêm 11 con bò sinh sản, chuyển đổi hơn 2 ha đất kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06 làm nguồn thức ăn chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập.
Được biết, trong 4 năm, chính quyền xã Bản Mế đã chuyển pha nuôi 90 cặp bò cho các hộ. Hiện tổng đàn bò Dự án “Ngân hàng bò” trên địa bàn xã Bản Mế là 374 con, trong đó đẻ mới là 183 con và đã giúp 200 hộ được hưởng lợi. Ông Thền Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bản Mế phấn đấu đến năm 2025 các hộ trên địa bàn xã đều được hưởng lợi từ dự án và tổng đàn bò đạt hơn 1.000 con.
Xã Bản Mế chuyển pha nuôi 90 cặp bò theo Nghị quyết 22 cho các hộ dân. |
Dự án “Ngân hàng bò” từ nguồn vốn Nghị quyết 22 được triển khai từ năm 2018 đến nay trên tất các xã, thị trấn của huyện Si Ma Cai. Tại nhiều địa phương, chính quyền các xã đã thực hiện chuyển pha nuôi bò sinh sản đến pha thứ 3 hoặc pha thứ 4, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Tính đến nay, đã có hơn 1.200 hộ nghèo và cận nghèo của huyện được hỗ trợ bò sinh sản, tạo nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh việc chuyển pha chăn nuôi, năm 2020, huyện Si Ma Cai đã đề nghị với tỉnh giữ lại một phần nguồn vốn đầu tư từ nghị quyết sau thu hồi để tiếp tục triển khai vốn vay ưu đãi cho người dân. Điểm khác biệt so với khi triển khai thực hiện Nghị quyết 22 là đối tượng vay vốn được mở rộng, không chỉ tiếp tục hướng đến các hộ nghèo, cận nghèo mà còn mở rộng ra các hộ kinh doanh với lãi suất rất thấp. Từ đó đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 380 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ cho vay hơn 27,2 tỷ đồng.
Ông Dương Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Si Ma Cai cho biết: Nhiều hộ đang hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách này. Minh chứng rõ nét là tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Thay vì “cho không” đã chuyển sang hình thức cho vay và người dân đã ý thức hơn trong việc xây dựng mô hình kinh tế.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của Nghị quyết 22, trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai ưu tiên các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, giúp người dân thoát nghèo.