Sáng mãi phẩm chất chiến sỹ giải phóng quân

Ở Chiềng Ken (Văn Bàn), nhắc đến cựu chiến binh Nông Thanh Tiên thì hầu như ai cũng biết, bởi ông không chỉ là một “cựu” cán bộ xã có những đóng góp không nhỏ đối với vùng đất này mà còn là một chiến sỹ quân giải phóng với những câu chuyện chiến đấu dũng cảm khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Mới đây, tôi cùng một người bạn là cán bộ xã Chiềng Ken tìm đến nhà nguyên chiến sỹ quân giải phóng miền Nam Nông Thanh Tiên. Nhà ông như một nông trại lớn nằm cạnh cánh đồng lúa xanh mướt của thôn Ken 2 với đủ vườn, ao, chuồng được quy hoạch rất bài bản. Pha trà mời khách, ông rất vui khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể về những kỷ niệm thời quân ngũ và khi tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Sinh ra trong một gia đình người Tày ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn có truyền thống cách mạng, đầu năm 1973, khi mới 18 tuổi, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có anh trai đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, nhưng anh thanh niên Nông Thanh Tiên vẫn tình nguyện viết đơn xin tòng quân. Biết chuyện, mẹ anh khóc hết nước mắt nhưng thấy anh vẫn quyết tâm nên bà đành đồng ý với điều kiện, anh phải chọn một cô gái trong thôn để cưới làm vợ trước khi nhập ngũ. Anh đồng ý và nói với mẹ sang nhà một cô gái người Tày mà anh thầm yêu từ lâu đặt lời dạm hỏi. Thật bất ngờ, gia đình cô gái vui vẻ đồng ý ngay, nhưng rồi do thời gian lúc đó gấp gáp quá nên hai gia đình chỉ tổ chức được lễ ăn hỏi, xong anh phải lên đường mà không kịp làm đám cưới.

Thương binh Nông Thanh Tiến (phải ảnh) giới thiệu với cán bộ xã Chiềng Ken mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình.
Thương binh Nông Thanh Tiến (phải ảnh) giới thiệu với cán bộ xã Chiềng Ken mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình.

Vào bộ đội, sau hơn 3 tháng huấn luyện ở Việt Bắc, tháng 8/1974, chiến sỹ trẻ Nông Thanh Tiên được biên chế vào Quân đoàn 3, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tiến tới giải phóng Sài Gòn. Tôi gợi chuyện muốn nghe ông kể về những ngày lịch sử cách đây 40 năm khi ông cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, Ông nhớ lại: “Thời điểm đó, chúng tôi đều là lính mới, vừa tham gia Chiến dịch Tây Nguyên nên khi được lệnh điều động tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ai nấy đều rất tự hào. Khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, tôi được biên chế trong Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Sáng 29/4/1975, chúng tôi được lệnh hành quân từ Bình Phước tiến đánh căn cứ Đồng Dù. Sau mấy tiếng hành quân bằng xe vận tải quân sự, nửa đêm 29/4, đơn vị tôi áp sát căn cứ Đồng Dù. Lúc này, quân địch bị vây ráp nên chúng điên cuồng chống cự, chỉ khi các căn cứ xung quanh Sài Gòn thất thủ, rạng sáng 30/4, bọn địch ở căn cứ Đồng Dù mới chịu buông súng đầu hàng và cánh cửa phía Bắc Sài Gòn được mở toang…”.

Đưa chén trà mời khách, trên cánh tay ông lộ rõ vết sẹo dài và sâu. Như biết tôi có băn khoăn về vết sẹo, giọng ông chùng xuống: “Vết sẹo này là lần đầu tôi bị thương trong một trận đánh ở Tây Nguyên đấy! Nhưng vết thương này chưa ăn thua gì đâu!”. Nói rồi, ông lật áo lên quay lưng lại cho chúng tôi xem: “Cho các anh xem, khi bắt đầu bước vào cửa ngõ Sài Gòn, tôi ăn trọn một trái pháo phóng lựu M79, may mà cao số, trời vẫn cho sống. Nói vậy thôi chứ bây giờ, mỗi khi trái gió, trở trời nó vẫn hành hạ tôi đấy!”.

Cũng theo ông Tiên, trong đoàn quân cùng ông tiến vào Sài Gòn có rất nhiều người con của Lào Cai nói chung và của Văn Bàn nói riêng, trong số đó có người đã ngã xuống trước giờ phút lịch sử. “Bao năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử ấy luôn in đậm trong trí nhớ của tôi như một thước phim quay chậm. Nhớ nhất và xúc động nhất là trước khi mở toang cánh cửa phía Bắc Sài Gòn, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống mà không kịp chứng kiến giờ phút chiến thắng huy hoàng của dân tộc”. Và một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên, đó là ông đã bất ngờ được gặp anh trai mình cũng trong một cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn từ phía Nam. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng tràn đầy xúc động, bởi cả hai anh em ông đều không bao giờ nghĩ sẽ cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và còn xúc động hơn khi anh trai ông thông báo, bố mẹ ở nhà đã tổ chức cưới vợ cho ông.

Đất nước thống nhất, trở về với gia đình, bản làng, là thương binh, đáng lẽ ông cần phải được nghỉ ngơi, dưỡng sức nhưng chưa bao giờ ông Tiên cảm thấy yên lòng, bởi sau chiến tranh Chiềng Ken quê ông nghèo quá, kinh tế khó khăn, người dân quanh năm, suốt tháng quần quật cấy cày nhưng vẫn không đủ ăn. Vậy là chỉ sau mấy tháng xuất ngũ, khi Đảng ủy xã gợi ý mời ông tham gia làm cán bộ chỉ đạo sản xuất, ông đồng ý ngay. Nhận công tác ở xã, ông luôn tâm niệm: “Đã là người chiến sỹ phải có ý chí, trong chiến tranh, dù khó khăn, gian khổ đã vượt qua, thì trong công tác xây dựng quê hương không được lùi bước trước mọi thử thách”. Với quyết tâm ấy nên khi được Đảng bộ và nhân dân xã tín nhiệm bầu giữ các trọng trách Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã, ông đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần đưa Chiềng Ken từ một xã nghèo trở thành xã khá của huyện Văn Bàn.

Không chỉ giỏi đánh giặc, giỏi làm lãnh đạo xã, ông còn là người có đầu óc làm kinh tế gia đình giỏi khiến nhiều bà con trong xã phải nể phục. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình trang trại tổng hợp của mình, ông Tiên hồ hởi giới thiệu những mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ông kể: Từ đầu năm 2005, khi Nhà nước có chủ trương cho các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất, ông đã bàn bạc với vợ con vay vốn thuê máy xúc đào ao và xây dựng chuồng trại làm mô hình kinh tế tổng hợp với gần 1.000 m2 ao thả cá; 0,3 ha vườn; 1 ha rừng mỡ và khu chuồng trại nuôi dê, nuôi trâu rộng hàng trăm mét vuông. Với mô hình VACR được bố trí khoa học theo hướng hỗ trợ lẫn nhau nên chi phí sản xuất rất thấp mà mang lại hiệu quả cao, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, trong thời gian tới ông Tiên dự định sẽ đầu tư mua thêm bò, dê về nuôi để tận dụng hết khả năng của khu đất bãi và đất ven rừng.

Cùng với việc làm giàu cho gia đình, ông Tiên cũng rất nhiệt tình giúp đỡ đồng chí, bà con làng xóm kinh nghiệm làm trang trại, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Với phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, với nghị lực của người lính giải phóng quân, cựu chiến binh, thương binh Nông Thanh Tiên đã vững vàng trong công tác và tiến bước trên hành trình làm giàu. Với những chiến công trong chiến đấu, thành tích trong công tác, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của UBND huyện Văn Bàn và xã Chiềng Ken.

fbytzltw