Từ một xã sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, Báo Đáp đã từng bước hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, xã có hơn 210 ha trồng dâu tằm, thu hoạch ổn định, mang lại thu nhập cao cho người dân. Nhiều hộ mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Đồng Trạng, mỗi năm thu khoảng 9 tạ kén tằm, cho thu nhập 160 triệu đồng.
Chị Phương chia sẻ: "Ban đầu, gia đình tôi chỉ có 5 sào dâu, đến nay, đã phát triển được khoảng 1,5 mẫu. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng quy mô phát triển sản xuất. Gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống bằng nong hoặc nuôi dưới nền nhà sang nuôi trên khay trượt”.
Ngoài cây dâu, xã còn phát triển 8 ha cây dược liệu, xây dựng các sản phẩm OCOP 3 sao như: mật ong, bắp bò muối thảo mộc… góp phần nâng cao giá trị hàng hóa. Hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ. Hiện nay, toàn xã có 6 hợp tác xã đang hoạt động ổn định. Công nghệ cao ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, kết nối với công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hướng tới hiện đại hóa nông thôn.
Báo Đáp cũng là địa phương đi đầu về CĐS. Xã đã thành lập tổ công tác CĐS cấp xã và thôn, triển khai hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, đặc biệt tại các thôn xây dựng thôn thông minh như Phố Hóp. Người dân được hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, thanh toán điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… giúp hình thành thói quen sản xuất, tiêu dùng hiện đại.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng thôn Phố Hóp chia sẻ: "Từ ngày áp dụng CĐS, bà con thuận tiện hơn trong giao dịch, tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận chính sách. Thấy rõ lợi ích nên ai cũng tích cực tham gia”. Cùng với ứng dụng công nghệ, xã tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng, cây xanh, chỉnh trang khu dân cư. Các công trình văn hóa, thể thao được xây dựng, nâng cấp, phục vụ sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần người dân.
Đặc biệt, việc được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V là bước ngoặt, mở ra cơ hội phát triển mới, từng bước đưa Báo Đáp trở thành hạt nhân trong hệ thống đô thị của huyện Trấn Yên, góp phần vào chiến lược phát triển không gian đô thị toàn tỉnh Yên Bái. Thành công của Báo Đáp không chỉ nằm ở các con số, công trình cụ thể mà là sự hòa quyện giữa "ý Đảng” và "lòng dân”. Chủ trương đúng, quyết tâm cao, sự đồng thuận lớn đã tạo thành động lực mạnh mẽ để cả hệ thống chính trị và người dân cùng hành động.
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Chính tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân, cùng với sự lãnh đạo sát sao, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền là nền tảng đưa Báo Đáp đạt được kết quả hôm nay”.
Từ một xã thuần nông còn nhiều khó khăn, Báo Đáp đã vươn lên trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM, đóng góp thiết thực vào việc hiện thực hóa Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thể hiện tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển toàn diện.
Đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại xã Báo Đáp đạt hơn 62 triệu đồng, phấn đấu đạt trên 64 triệu đồng vào năm 2025. Hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng. Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế được giữ vững và nâng cao. Hiện nay, 100% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; trên 95% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Các mô hình "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, xóm hạnh phúc” được nhân rộng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp. |
Hồng Duyên