LCĐT - Quy hoạch tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu phát triển Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Đến năm 2030, GRDP/người tỉnh Lào Cai phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP/người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao trong cả nước; trở thành trung tâm của vùng về công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, y tế, đào tạo nghề nghiệp. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Lào Cai là: 1 trục động lực; 2 cực phát triển; 3 vùng kinh tế; 4 trụ cột tăng trưởng; 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.
2 cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam - Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.
Thông qua việc phát triển trục động lực sông Hồng và 2 cực phát triển, Lào Cai sẽ trở thành điểm hội tụ văn hoá, hội tụ doanh nghiệp, trung tâm kết nối khu vực và quốc tế; cụ thể là kết nối với thị trường Tây Nam - Trung Quốc. Đây là thị trường hơn 400 triệu dân, có nhu cầu lớn với nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thế mạnh của Việt Nam; có nhu cầu thông qua hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quang Ninh để ra các cảng biển.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi.
Không ngừng cải thiện vị trí của Lào Cai trong bảng xếp hạng chỉ số PCI; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; mỗi năm tăng ít nhất 15% số doanh nghiệp để đến năm 2030 Lào Cai có ít nhất 10.000 doanh nghiệp.
Chủ động đề xuất với Trung ương các thể chế liên kết vùng và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng
Tăng số lượng lao động bằng việc thực hiện các chính sách thu hút dân cư để tăng dân số cơ học, đến năm 2030 Lào Cai có khoảng trên 1 triệu dân.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ và sức khoẻ thông qua các giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Trong đó:
Giáo dục mầm non và phổ thông
Đảm bảo đủ số lượng và chuẩn chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Duy trì; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Phát triển các cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo
Tập trung đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Lào Cai thành 1 trong 30 trường Cao đẳng nghề chất lượng cao của cả nước;
Nâng cấp Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai thành trường Đại học, đáp ứng nhu cầu đào tạo của tỉnh và khu vực.
Hai học sinh của Lào Cai có dự án được tham gia Hội thi KHKT Quốc tế năm 2022. |
Nâng cao thể lực và sức khoẻ con người Lào Cai
Phát triển toàn diện hệ thống y tế, phấn đấu đến 2030 có 20 bác sỹ, 50 giường bệnh/ 1 vạn dân.
Đầu tư xây dựng các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại, hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh tiêu chuẩn quốc tế.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Về đường bộ
Trước năm 2030, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với quy mô 6 làn xe, trở thành xương sống của trục động lực kinh tế sông Hồng.
Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn và phối hợp xây dựng hầm đường bộ Hoàng Liên, kết nối các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… với trục kinh tế động lực sông Hồng.
Xây dựng thêm các cầu đường bộ biên giới để tăng cường năng lực xuất, nhập khẩu hàng hoá.
Cầu Móng Sến hoàn thành góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng. |
Xây dựng 2 tuyến đường bộ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng và các cầu qua sông để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trục động lực kinh tế.
Về đường sắt
Kêu gọi đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 115 năm tuổi thành đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, kết nối với đường sắt của Trung Quốc tại ga Hà Khẩu Bắc, nhằm nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí vận chuyển hành khách, hàng hoá xuất, nhập khẩu và quá cảnh.
Về đường thủy
Kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Hồng từ Lào Cai đến Yên Bái, kết nối với các cảng ở hạ lưu để phát triển du lịch và vận tải hàng hóa.
Về cảng hàng không
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa. |
Hoàn thành xây dựng và khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C; phấn đấu đến năm 2030 trở thành cảng hàng không quốc tế, công suất 5 triệu hành khách/năm.
Về phát triển đô thị
Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lào Cai, đến năm 2030 có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV, 11 đô thị loại V; trong đó, hạt nhân phát triển là TP Lào Cai, thị xã Sa Pa, đô thị Phố Lu, Bảo Hà - Tân An, Bắc Hà, Y Tý.
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2030 có trên 90% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, con người Lào Cai
Bảo tồn và khai thác có hiệu quả vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng 25 dân tộc trong tỉnh, đưa văn hoá thực sự trở thành nền tảng của xã hội;
Rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng thấp và vùng cao.
Gắn văn hoá với phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh; từng bước tạo dựng, hình thành văn hoá đặc trưng Lào Cai; xây dựng con người Lào Cai “đoàn kết - yêu nước - kỷ cương - văn minh và hiếu khách”.
Nội dung: Cao Cường - Mạnh Dũng
Ảnh: Ngọc Bằng - Trình bày: Ngọc Luyến