Quy định tổ chức 3 cấp để tinh gọn bộ máy
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Cụ thể, dự thảo luật quy định bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội tán thành với dự thảo luật và đề nghị VKSND tối cao tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ yêu cầu của Đảng về hệ thống VKSND có 3 cấp, kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 93 luật hiện hành theo hướng nâng số lượng Kiểm sát viên VKNSD tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng vì chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp trung ương…
Do đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, Kiểm sát viên VKSND tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý (hưởng phụ cấp chức vụ 1,25), vì vậy phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao.
Thảo luận, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện – Giám sát Lê Thị Nga bày tỏ cơ bản đồng tình tăng số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao vì cho rằng khối lượng công việc ở cấp này khá lớn, dù vậy, cần báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới đề nghị làm rõ thẩm quyền thành lập cơ quan khu vực (VKSND, TAND, cơ quan điều tra hình sự) đảm bảo thống nhất, tránh việc VKSND khu vực thì 10 xã mà TAND lại 11 xã, cơ quan điều tra 12 xã.
Ông cũng cho rằng dự luật tác động rất lớn đến người dân, liên quan đến khiếu nại, tố cáo, tin báo tố giác tội phạm và quy trình tố tụng. Nếu người dân không biết họ sẽ chịu thiệt thòi, nên ông đề nghị cơ quan soạn thảo, tòa án và hệ thống tư pháp phải có sự tuyên truyền sâu rộng cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới
Đảm bảo đồng bộ giữa TAND, VKSND và cơ quan điều tra
Giải đáp băn khoăn trên, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp (là cơ quan chủ trì thẩm tra) cho biết 3 dự án luật liên quan là Tổ chức VKSND, Tổ chức TAND, Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự được thảo luận kỹ lưỡng và thấy rằng nguyên tắc phải đồng bộ với nhau.
Về thẩm quyền, dự kiến quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập VKSND khu vực, đồng bộ với đó là thẩm quyền theo lãnh thổ, tương tự với TAND khu vực. Đương nhiên trong quá trình chuẩn bị để thành lập thì tòa án và VKS phải thống nhất địa hạt khu vực để đảm bảo đồng bộ, từ nơi đặt trụ sở tới các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự có cách tiếp cận khác, không quy định cụ thể mà giao Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức bộ máy cụ thể của cơ quan điều tra trong CAND và QĐND.
“Có đảm bảo đồng bộ với bên tòa, viện hay không? Phân cấp xuống bộ trưởng hay chỉ đến Chính phủ thôi? Còn trong bước chuyển tiếp dự kiến vẫn quy định cơ quan điều tra cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ điều tra liên quan thẩm quyền thẩm quyền tòa án và VKSND khu vực. Những vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, trong bước chuyển tiếp khi sắp xếp tổ chức bộ máy lần này thì giữ thẩm quyền của UBTVQH thành lập tòa án, VKS khu vực hay giao cho Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc thành lập ở khu vực và địa hạt để linh hoạt, chủ động, giảm tải công việc cho UBTVQH (vì phải quyết trước 30/6).

Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây theo quy trình thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi sửa đổi đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét thông qua các luật tổ chức các cơ quan tư pháp, luật tố tụng nên phải phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Nội dung này cần được bố trí thảo luận gần nhau trong chương trình nghị sự.
Về bổ sung Kiểm sát viên VKSND tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ, đề nghị VKSNDTC báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.