Là 1 trong 3 địa phương có nguy cơ sa mạc hóa cao, thời gian qua, huyện Si Ma Cai đã có nhiều giải pháp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo sinh kế ổn định cho người dân cũng như chống sa mạc hóa. Trong đó, việc chuyển đổi từ canh tác cây lương thực sang trồng rừng trên đất nương đồi, khu vực có nguy cơ sa mạc hóa là chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế tại Si Ma Cai.
Để người dân thay đổi tư duy, chuyển sang phát triển kinh tế rừng, đồng thời chống sa mạc hóa, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân.
“Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục khuyến cáo, động viên người dân chuyển đổi những diện tích nương kém hiệu quả sang trồng rừng. Với các xã vùng thấp, ven sông sẽ tập trung trồng quế, bồ đề; các địa phương vùng cao sẽ tập trung trồng các loại cây như thông mã vĩ, sa mộc, trẩu, dổi, tống quá sủ để tăng độ che phủ, chống sa mạc hóa”, ông Phạm Ngọc Oanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai cho biết.
Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Si Ma Cai tăng từ 31,99% (năm 2014) lên 43% (năm 2023), góp phần giảm nguy cơ sa mạc hóa.
Cũng như Si Ma Cai, huyện vùng cao Mường Khương được xác định là địa phương có nguy cơ sa mạc hóa cao, tập trung chủ yếu ở các xã: Dìn Chin, Tả Gia Khâu và Pha Long. Nguyên nhân là do khu vực này có địa hình dốc, lớp đất mặt mỏng, chủ yếu là đá, trong khi nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến nguy cơ sa mạc hóa cao.
Trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện Mường Khương chỉ đạo UBND các xã, nhất là 3 xã có nguy cơ sa mạc hóa cao đẩy mạnh trồng rừng. Từ năm 2020 đến năm 2023, cả 3 xã nói trên đã trồng mới (trồng tập trung) 238,5 ha rừng, trong đó Dìn Chin 99,1 ha, Tả Gia Khâu 71,7 ha và Pha Long 67,7 ha; tổ chức quản lý, bảo vệ tốt 2.129 ha rừng tự nhiên hiện có. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn 3 xã cũng tăng: Năm 2020 xã Dìn Chin 31%, Tả Gia Khâu 44,5%, Pha Long 48%, đến hết năm 2023 tương ứng là 33,4%, 49,3% và 48,6%.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai giải pháp thích ứng, đặc biệt là trồng rừng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ, giảm nguy cơ sa mạc hóa, trong đó 3 huyện vùng cao là Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà đã đạt và vượt tỷ lệ che phủ theo nghị quyết đại hội đảng bộ huyện đề ra.