Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã rà soát trình độ của tất cả cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Trên cơ sở đó, ngành mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách ưu đãi của tỉnh, khuyến khích giáo viên học tập, nâng cao trình độ tại các trường chuyên nghiệp và tổ chức các lớp tập trung, tại chức, đào tạo bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên mầm non. Đến nay, giáo dục mầm non hiện có 3.029 cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 95,68%.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quy hoạch, phát triển mạng lưới giáo dục và đầu tư chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Đến năm học 2009 - 2010, Yên Bái có 173 trường mầm non (trong đó có 10 trường tư thục), 1.385 lớp, nhóm lớp với 34.581 cháu. Từ năm 2005 đến nay, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang hơn với 1.341 phòng học; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, tài liệu phục vụ giảng dạy... cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước nâng cao.
Ngành chỉ đạo các trường, lớp mầm non thực hiện công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, nghiêm túc thực hiện các chương trình phù hợp với đối tượng trẻ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo: thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới, chương trình đổi mới hình thức tổ chức ở các độ tuổi, chương trình mẫu giáo 26 tuần, chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số... đã thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các loại hình, nhất là các trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm cấp huyện và tỉnh. Đến đầu năm học này, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 78,5%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt 95,9%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non vẫn gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt đối với các xã vùng cao đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, việc huy động trẻ đến trường chưa có sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền, các đoàn thể và gia đình. Có những điểm trường, lớp học ở các xã vùng cao thiếu đồ dùng, đồ chơi, bếp nấu ăn một chiều, nhà làm việc của ban giám hiệu...
Một số xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi quá ít so với quy định nên quá trình mở lớp gặp khó khăn. Toàn tỉnh hiện còn 20 xã chưa có trường mầm non, 535 phòng học nhờ, tạm tại các trường tiểu học, trung học cơ sở (chiếm 39,8%). Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mầm non có trình độ chuyên môn, đào tạo theo địa chỉ để đạt chuẩn nhiều năm gắn bó với nghề nhưng vẫn chỉ là hợp đồng nên chưa thực sự toàn tâm với nghiệp. Như ở huyện Trạm Tấu có 58 giáo viên, huyện Mù Cang Chải có 89 giáo viên mầm non hiện đã hợp đồng từ 2 - 4 năm nhưng chưa được xét tuyển biên chế. Những khó khăn này đang là trở ngại lớn, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục và huy động trẻ mầm non nói chung, trẻ 5 tuổi nói riêng đến trường học.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, ngành giáo dục đang tập trung sắp xếp, xây dựng mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với thực tế của từng địa phương; điều chỉnh, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp từ tỉnh đến huyện và các xã, phường, thị trấn; rà soát quy mô, dân số trẻ 5 tuổi, phát triển các lớp mẫu giáo 5 tuổi liên thôn, liên xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ ở xa có thể đến trường. Ngành cũng có kế hoạch giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng xã, phường, thôn, bản và có biện pháp tích cực để nâng cao tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục.
Đồng thời tiếp tục rà soát chất lượng giáo viên trong biên chế, hợp đồng để bố trí giảng dạy phù hợp với trình độ, năng lực; tiếp tục thực hiện tốt chương trình phổ cập tiếng phổ thông cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi là người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng trẻ 5 tuổi trước khi vào học lớp 1. Tỉnh cũng cần có chính sách ưu tiên xây dựng các dự án hỗ trợ các điều kiện cho phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học tại các xã chưa có trường mầm non; ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non đang hợp đồng tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vào biên chế.
Để thực hiện tốt các giải pháp này, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội trong việc xã hội hóa giáo dục mầm non, tiến tới phổ cập mẫu giáo 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2015.
Quỳnh Nga