Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông báo chỉ tiêu giao năm 2024 tới huyện, thị xã và các tổ chức dịch vụ thu; nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. BHXH tỉnh căn cứ dữ liệu chia sẻ từ cơ quan thuế, kế hoạch và đầu tư, kết hợp xuất dữ liệu người tham gia để rà soát, phân nhóm tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo từng ngành nghề, độ tuổi, giới tính; đã thực hiện xây dựng tiềm năng BHXH bắt buộc 65.441 người, tiềm năng BHXH tự nguyện khoảng 56.814 người, BHYT hộ gia đình khoảng 91.005 người, từ đó giao chỉ tiêu cho từng BHXH cấp huyện, từng tổ chức dịch vụ trên địa bàn các huyện, xã.
Tuy nhiên, công tác thực hiện vận động người tham gia còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, với đặc thù người dân tộc thiểu số chiếm hơn 66% dân số toàn tỉnh, trong khi đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập thấp, không ổn định nên chưa tham gia BHXH, BHYT...
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển người tham gia nhằm duy trì, phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT; nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo cấp xã; công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH với tổ chức dịch vụ thu trong duy trì bền vững người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia tới thôn, bản, tổ dân phố; nắm bắt người tham gia tiềm năng để có hình thức truyền thông phù hợp; kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Đường Minh Tấn đề nghị trong thời gian tới BHXH các huyện, thị xã bám sát chỉ tiêu kế hoạch của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh và huyện để tham mưu, giao chỉ tiêu BHXH, BHYT tới từng xã, phường, thị trấn; nêu cao vai trò trách nhiệm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã, đề xuất giải pháp cụ thể, phát huy các điểm mạnh trong phát triển BHYT; chủ động, linh hoạt tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai danh sách các đơn vị nợ trên phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, đột xuất tại các đơn vị chậm đóng BHXH. Đối với các tổ chức dịch vụ thu, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan BHXH trong tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, duy trì phát triển bền vững những người đang tham gia và làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký, sử dụng ứng dụng VssID...