Là tỉnh miền núi, diện tích có rừng của Lào Cai là 391.144,8 ha, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên. Những năm qua, tư duy về phát triển lâm nghiệp tại Lào Cai đã thay đổi mạnh mẽ từ trồng rừng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sang phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tỉnh đã triển khai hiệu quả việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến rừng, các biến động về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; thiết lập quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại rừng cao.
Đến nay, tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của 12 chủ rừng gồm Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, 9 ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thị xã, thành phố với diện tích hơn 200.000 ha.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn phát triển rừng bền vững, gần đây nhất là Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ở lĩnh vực lâm nghiệp xác định lấy cây quế làm sản phẩm chủ lực và phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng là trọng tâm.
Phát triển kinh tế đồi rừng được hiểu là kinh doanh đồi rừng tổng hợp, phát huy giá trị đa dụng của rừng thông qua khai thác những giá trị kinh tế, môi trường, sinh thái từ rừng, đất đồi rừng hiệu quả, bền vững, mang lại thu nhập cao nhất cho người làm nghề rừng, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành lâm nghiệp đã phát triển rừng bằng các loài cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như quế, bồ đề, trẩu... Hình thành vùng rừng nguyên liệu tập trung hơn 100.000 ha gắn với hệ thống cơ sở chế biến, trong đó sản phẩm chủ lực là cây quế với hơn 58.000 ha. Các sản phẩm lâm sản cơ bản đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ gỗ thô như dăm gỗ nguyên liệu giấy, gỗ cốp pha, cây chống, ván bóc sang các sản phẩm chế biến sâu hơn như ván dán, ván ghép thanh, ván tre, tinh dầu quế… Các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ lẻ, công nghệ đơn giản chuyển dần sang hình thành các nhà máy chế biến sản phẩm lâm sản quy mô lớn, được đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm giá trị cao. Các cơ sở chế biến lâm sản được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng và lâm sản ngoài gỗ với hơn 3.700 ha (sa nhân tím, chè dây, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, thuốc tắm...), đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho đồng bào vùng cao. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng cũng tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động, trong đó hơn 25.000 lao động ổn định và 18.000 lao động thời vụ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt 3.328 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng so với năm 2022.
Phát triển rừng không chỉ với mục đích kinh doanh lâm sản mà còn hướng tới tăng giá trị rừng từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh đang thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện, công ty kinh doanh nước sạch và nuôi thủy sản nước lạnh, với nguồn thu hơn 150 tỷ đồng/năm. Việc khai thác các tour du lịch leo núi chinh phục đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San (huyện Bát Xát) đã thu hút đông du khách. Trong tương lai gần, theo định hướng của Trung ương, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai thực hiện việc chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên phạm vi cả nước. Đây sẽ là nguồn thu lớn, ổn định cho các chủ rừng.
Thời gian tới, ngành lâm nghiệp triển khai các phương án quản lý rừng bền vững, thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học với phát triển kinh tế - xã hội.